Người viết tâm thư dạy học ở Trường Sa

Trong chuyến công tác ở đảo Trường Sa vào tháng 5-2019, tôi đã có dịp ngồi trò chuyện suốt cả buổi chiều với thầy Bành Hữu Tình - giáo viên duy nhất đang dạy học ở đảo Trường Sa. Trong phòng học đơn sơ nơi chân trời Tổ quốc, câu chuyện của thầy Tình với khát khao được dạy học ở Trường Sa đã khiến tôi như hiểu hơn về những giấc mơ thời trai trẻ của mỗi con người. Nó đẹp đẽ biết bao nhiêu…
 Thầy Bành Hữu Tình và các học sinh trong lớp học đặc biệt
Thầy Bành Hữu Tình và các học sinh trong lớp học đặc biệt

Dành cả đêm để viết bức tâm thư


Điều ngạc nhiên đầu tiên mà tôi đón nhận, đó là sinh năm 1983, đến nay thầy Bành Hữu Tình vẫn chưa có vợ. Vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, trước khi ra Trường Sa dạy, thầy Tình đã có 3 năm dạy ở Trường Tiểu học Khánh Lâm, Khánh Vĩnh - một huyện miền núi ở Khánh Hòa. Sau đó thầy Tình lại có 10 năm dạy học ở Trường Tiểu học Suốt Cát, huyện Cam Lâm. Kể về cơ duyên ra Trường Sa dạy học, thầy Tình cho hay, dạy học ở Trường Sa là trên tinh thần tình nguyện và có sự xem xét của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa. “Khi biết Sở GD-ĐT tỉnh thông báo tuyển giáo viên đi Trường Sa, em đăng ký ngay. Sở ưu tiên giáo viên là nam, ra Trường Sa dạy học thời hạn 5 năm. Em biết có mấy trăm hồ sơ xin ra dạy ở Trường Sa, nhưng em đã may mắn được chọn”, Tình kể.

Để chọn giáo viên ra Trường Sa, ứng viên phải qua 2 vòng: xét tuyển hồ sơ và khám sức khỏe. “Khi nhận thông báo hồ sơ được xét, em đã rất vui rồi. Từ lúc đó cho đến lúc chính thức nhận lệnh ra Trường Sa, em nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì hồi hộp. Tối em ngủ với rất nhiều cảm giác lạ, thường xuyên mơ đến Trường Sa. Em hồi hộp lắm, vì đến Trường Sa là khao khát cháy bỏng của em từ lâu lắm rồi”, thầy Tình tâm sự. 

Được hỏi về tâm trạng của những ngày tháng ngóng đợi quyết định ra Trường Sa, Tình nói “không thể diễn tả thành lời”. Bởi mong ước Trường Sa đã thành một khao khát lớn, “em muốn phải thực hiện bằng được, dù tự tin nhưng quá nhiều hồ sơ tình nguyện đi nên vẫn rất hồi hộp”, Tình chia sẻ. Đến khi được Sở GD-ĐT thông báo là hồ sơ đã được trúng tuyển, chỉ cần qua vòng khám sức khỏe là được đi, thầy Tình nhảy cẫng lên vì vui sướng. 

Đến vòng khám sức khỏe cũng rất hồi hộp, vì ứng viên được khám rất kỹ, chỉ cần có bệnh truyền nhiễm, huyết áp, tim mạch… là sẽ bị loại. Rất may, Tình vượt qua được vòng khám sức khỏe. Tháng 6-2018, Tình chính thức đến với Trường Sa. Bắt đầu một chặng đường công tác đặc biệt trong cuộc đời mình.

Chia sẻ về ước mơ dạy học ở Trường Sa, Tình cho biết, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được khởi công giai đoạn 1 vào ngày 13-3-2015 trên diện tích 2,5ha với cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời". Khu trưng bày các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma... được xây dựng ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - ngay ở huyện Cam Lâm của thầy Tình. Một lần, thầy Tình đến Khu tưởng niệm Gạc Ma. “Lần đó, em có một cảm giác rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, đọc về lịch sử anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma ngay trên mảnh đất quê hương, lòng em lúc đó cuộn lên những cảm xúc thật lạ kỳ. Tình yêu Tổ quốc, quê hương như trỗi dậy trong em, cảm phục các anh, em mong muốn được làm điều gì đó cho Trường Sa. Tất cả cứ thôi thúc, thôi thúc”, thầy Tình chia sẻ.

Người viết tâm thư dạy học ở Trường Sa 
Chính từ lúc đó, Tình đặt ước mơ phải đến công tác ở Trường Sa. Đó là lý do mà ngay khi nhận tin Sở GD-ĐT Khánh Hòa thông báo tuyển dụng giáo viên đi  Trường Sa, thầy Tình ngay lập tức làm hồ sơ. Rất nhiều thủ tục ngày đó Tình phải xoay, nhưng nhờ sự ủng hộ của nhà trường, gia đình, đồng nghiệp, Tình đã hoàn tất hồ sơ chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi.

Tình cho rằng, thâm niên 13 năm công tác ở vùng khó, cùng với tâm thư xin đi dạy học ở Trường Sa được viết từ gan ruột của mình là yếu tố để Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa chọn em đi trong số hàng trăm ứng viên khác. Tình kể em viết 2 đơn, 1 tâm thư, 1 đơn tình nguyện. Tâm thư em viết bằng tay, rất dài, gần 5 trang A4, viết đúng vào đêm 14-3-2018, đúng ngày kỷ niệm tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma. 

“Ngày 14-3-1988, quân Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma do Trung Quốc gây ra, Việt Nam thiệt hại 3 tàu vận tải, 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương… Em đã đọc đi đọc lại và thuộc lòng những thông tin đó”, thầy Tình kể.

Trong tâm thư, Tình kể về quãng đời tuổi thơ của em, mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, em đã học tập và rèn luyện gian khổ thế nào. “Em không có sự bảo bọc của bố mẹ như các bạn, sống với anh cả. Từ bé em đã phải tự lo trong nhiều việc. Thi đại học em cũng tự một mình đi thi, đi mấy ngày mấy đêm cũng chỉ có một mình. Đi học xa nhà cũng chỉ một mình tự lo. Chính điều đó đã rèn luyện em thành một con người mạnh mẽ, có ý chí, và em tự tin về điều đó để xứng đáng đi dạy học ở Trường Sa”, Tình chia sẻ. Tất cả những điều đó được Tình viết trong tâm thư. Đặc biệt là Tình viết nhiều về ước mơ đến Trường Sa đã thôi thúc em bao lâu nay, những lý do mà em nhất định phải đến Trường Sa. “Đêm tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma, em ngồi viết tâm thư, cảm xúc tuôn trào, em viết xuyên đêm, như giãi bày gan ruột của mình”, Tình chia sẻ. 

Tình tiết lộ: “Hồi giờ em cũng khá nhát, không dám thể hiện chính kiến nhiều, nhưng với việc đến Trường Sa là một ngoại lệ. Tất cả như có sự thôi thúc, giục giã, để em vượt qua bản ngã của chính mình. Viết tâm thư gửi lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, thực là em đã làm cái điều mà lâu nay bản thân không nghĩ tới!”.

Người viết tâm thư dạy học ở Trường Sa ảnh 2 Một góc lớp học đặc biệt

Lớp học nơi đầu sóng


Đến nay, chúng ta đã có 3 trường học ở quần đảo Trường Sa gồm Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa. Ở thị trấn Trường Sa, trường tiểu học được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Với 7 hộ dân đang sinh sống, đảo hiện chỉ có 5 em trong độ tuổi đi học, từ mầm non đến tiểu học. Lớp ghép do thầy Tình đứng lớp ở đảo Trường Sa hiện có 5 em,  học sinh lớn nhất lớp 4, hai học sinh lớp 2, cháu nhỏ học mầm non 4 tuổi. Đó là một điều khó khăn với thầy Tình, vì “hồi giờ em chưa từng dạy học như vậy”. Lớp ghép  có 3 trình độ, 2 cấp học. Tuy nhiên, do trước khi đi thầy đã được tập huấn kỹ, được trang bị những kiến thức, kỹ năng còn thiếu nên trong quá trình dạy học, thầy đã khắc phục khó khăn, cộng với sự sáng tạo nên cuối cùng cũng đạt hiệu quả tốt. 

Trong phòng học đơn sơ giữa biển trời Tổ quốc, thầy Tình trang trí lớp rất gần gũi, dễ hiểu với học sinh. Nội quy lớp học là một tấm biển vẽ những bông hoa, mỗi bông hoa ghi một nội dung: tự tin, đoàn kết, vượt khó, bảo vệ của công, lễ phép, chuyên cần, chăm ngoan, tích cực, học giỏi, sáng tạo... Câu cuối được in đậm “chúng mình cùng thực hiện nhé”.  

Trong phòng học đơn sơ giữa biển trời Tổ quốc, thầy Tình trang trí lớp rất gần gũi và đầy cảm hứng cho học sinh của mình
Bên cạnh đó là góc tiếng Việt, thầy cho in các mẫu chữ viết trong trường học. Góc toán in bảng cửu chương. Góc khoa-sử-địa, an toàn giao thông... đều trưng bày những hình ảnh rất dễ hiểu, giúp học sinh nhận diện giản đơn. Liền đó là hình góc mừng sinh nhật, vẽ chiếc bánh sinh nhật rất đẹp, ghi tên 5 em học sinh trong lớp: Văn Bình, Xoan Trà sinh năm 2011, An Tuyên, Tinh Anh sinh năm 2014, An Thuyên sinh năm 2009. Trên khung cửa sổ rất đẹp nhìn ra xanh ngát lá bàng vuông là khẩu hiệu “Vào lớp thuộc bài, trật tự, vâng lời, chăm chỉ, ngoan ngoãn”. Rồi tiếp đó là bảng ghi rõ 10 bước học tập cho học sinh. Khung cửa chính, nơi hàng ngày các em học sinh bước ra để về nhà sau giờ học, có 4 từ “ra lớp hiểu bài”. Trong lớp học, thầy còn cho treo ảnh cả 5 học sinh thân yêu của mình. Tất cả những gì thầy trang trí đều giản dị, nhưng tràn đầy thân thương, không màu mè, khẩu hiệu. Chúng rất đỗi chân thật, giống như tất cả những gì tôi thấy ở Trường Sa…
Góc dán ảnh lưu niệm của các em học sinh
Người viết tâm thư dạy học ở Trường Sa ảnh 6 Góc mừng sinh nhật
Kể về việc dạy học ở lớp ghép, thầy Tình nói đầu tiên là tính toán chỗ ngồi cho các em. Ban đầu sắp xếp một kiểu, qua thời gian nếu không hợp lý lại đổi kiểu khác. Đầu tiên cho các em ngồi xen kẽ, học sinh mẫu giáo hay nghịch ngợm, cho tách riêng. Nhưng càng tách càng nghịch, khó quản lý, không hiệu quả, do vậy phải đổi chỗ. Liên tục đổi chỗ, khi nào thấy hiệu quả hơn thì dừng. 

Thầy Tình kể các cháu rất hiếu động, mới ra đảo nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ. Cháu đang ở tuổi mầm non còn chưa tự vệ sinh được, mỗi mình thầy tự xoay xỏa với 5 cháu ở trong 2 buổi học. Hiện nay, thầy Tình xếp các học sinh lớp 4 ngồi với nhau, rồi đến lớp 2, cuối cùng là mầm non. Khi học sinh mầm non không học nữa thì thầy cho chơi đồ chơi, rồi quay sang tranh thủ dạy cho học sinh tiểu học. Phải dạy xen kẽ, nếu lớp 4 học toán thì lớp 2 học tiếng Việt, dạy xen kẽ trên tinh thần một môn đọc bài, một môn viết bài. 

Vì lớp có  ít học sinh nên thầy Tình có cơ hội chỉ bài cho từng em, vì thế các em tiến bộ rất nhanh. “Tháng đầu chưa quen, học sinh còn nghịch, việc chỉ dẫn các em khá mệt, em mất tiếng luôn, không nói thành lời”, thầy Tình kể. Đến nay thì các em đã vào nề nếp, chăm chỉ học hành, phụ huynh quan tâm phối hợp tốt với thầy giáo nên kết thúc năm học 2018-2019, kết quả học tập của các em rất tốt.

Một ngày mới bắt đầu đối với thầy Tình ở đảo thường vào lúc 5 giờ 30, tập thể dục cùng lính đảo. 7 giờ sáng dạy chữ cho các em học sinh, 11 giờ cho các em về nhà rồi chiều đón các em tới lớp. Hết giờ học chiều lại cùng các em vui chơi, đá bóng, hoặc hướng dẫn cách trồng rau xanh. Thầy Tình vừa làm thầy, vừa làm "bảo mẫu" và là người bạn tâm tình của các em học sinh lớn lên nơi biển đảo. 

Thầy Tình cho biết, các em chỉ học hết lớp 5 ở đảo, sau đó vào bờ học tiếp THCS. Thời gian công tác trên đảo sẽ là những tháng ngày trải nghiệm, đáng nhớ trong cuộc đời của thầy. Thầy nguyện đem hết tinh thần trách nhiệm của một người thầy dìu dắt các em, để kiến thức của các em không bị thua kém với các bạn cùng trang lứa trong đất liền. “Em rất hạnh phúc khi được cán bộ, chiến sĩ trên đảo chia sẻ rằng mỗi lần đi ngang qua lớp học được nghe thấy tiếng ê a học bài của lũ trẻ là họ đều cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con của họ và có thêm động lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”, thầy Tình nói. 

Với thầy Tình, những ngày dạy học ở Trường Sa sẽ là những năm tháng đẹp nhất trong đời dạy học. Nơi đảo xa ấy, quay đâu cũng nghe tiếng sóng biển, không có bất cứ sự phân biệt nào, chỉ có tình quân dân gắn bó, tình thầy trò như người thân trong một gia đình. Và chiếc bục giảng nơi đầu sóng Trường Sa ấy, vừa là nơi gửi gắm khát khao của người thầy giáo trẻ, vừa là nơi chắp cánh ước mơ cháy bỏng của những đứa trẻ lớn lên ở Trường Sa - nơi mà chúng đã coi là quê hương của mình.

Người viết tâm thư dạy học ở Trường Sa ảnh 7 "Vào lớp thuộc bài - Trật tự - Vâng lời - Chăm chỉ - Ngoan ngoãn"
Với thầy Tình, những ngày dạy học ở Trường Sa sẽ là những năm tháng đẹp nhất trong đời dạy học
Gia đình có 7 anh chị em, Tình là con út, hiện vẫn chưa lập gia đình. Mẹ mất khi Tình mới 5 tuổi. Bố cũng mất khi Tình vừa tốt nghiệp cao đẳng đi dạy học được vài năm. Các anh chị tuy cũng mong muốn cậu em út sớm yên bề gia thất nhưng đều tôn trọng quyết định ra Trường Sa dạy học 5 năm của Tình. “Các anh chị rất tôn trọng em, ủng hộ lựa chọn cống hiến của em. Em tâm niệm đơn giản, đi dạy học ở Trường Sa 5 năm, khi nào duyên đến em sẽ đón nhận. Duyên đến tự sinh, duyên đi tự diệt, mọi sự sẽ tùy duyên”, Tình an nhiên khi giải đáp về nỗi băn khoăn khá lớn tuổi rồi mà chưa lập gia đình và trước mắt là thời gian công tác 5 năm ở Trường Sa.

Chia tay tôi, thầy Tình tâm sự, nghỉ hè thầy lại vào đất liền, về với gia đình, và tiếp tục “công cuộc tìm người yêu”. “Biết đâu duyên lành sẽ tới, em sẽ lấy vợ sớm thôi. Sau 5 năm mà em vẫn chưa lấy vợ, em sẽ lại xin dạy học tiếp ở Trường Sa, nếu được cấp trên chấp nhận”, thầy giáo nói. Lẫn trong tâm sự tự tại của thầy Tình, tôi nghe bé An Tuyên nói “con thích học thầy Tình lắm, thầy vui tính, dạy dễ hiểu”. Rồi bé tự nhiên cất tiếng hát: "Quê em ở Trường Sa. Những đảo chìm đảo nổi. Quê em có biển trời. Bốn mùa xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa. Em là con của biển..."

Tin cùng chuyên mục