Người truyền tình yêu với sách

Mặt trời vừa mọc ở làng Pasirhuni, Tây Java, Indonesia là thời điểm anh Rudiat bận rộn phân loại hàng chục cuốn sách. Anh đặt sách vào hai hộp đựng hàng ở phía sau xe máy của mình, cùng với một hộp khác chứa nhiều bánh đậu hũ, rồi đi đến các ngôi làng ở huyện Cimaung để thực hiện “sứ mệnh” của mình.
Rudiat giới thiệu thư viện sách Ảnh: Channel News Asia
Rudiat giới thiệu thư viện sách Ảnh: Channel News Asia

Bán đậu hũ là nguồn thu nhập chính của anh Rudiat từ nhiều năm qua, tuy nhiên, anh coi việc truyền bá tình yêu đọc sách là sứ mệnh cuộc đời mình. Khi đến thăm khách hàng của mình trong các làng, người đàn ông 43 tuổi này thường xuyên cho họ mượn sách khi cần.

Mặc dù chỉ kiếm được khoảng 1,5 triệu rupiah (105USD)/tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu của Tây Java là 1,8 triệu rupiah, nhưng Rudiat luôn dành 2,5% thu nhập để mua sách. Đến nay, anh Rudiat đã mua tổng cộng 3.500 cuốn sách và được tặng hơn 2.500 cuốn sách từ các nhà tài trợ.

“Tôi gọi chúng là sách đậu hũ. Sách làm giàu trí tuệ của bạn và đậu hũ cho bạn sức khỏe. Khi đến một ngôi làng mà phần lớn khách mua đậu hũ là nông dân, tôi sẽ mang theo sách về nông nghiệp, ví dụ như sách dạy chăn nuôi vịt. Nhưng nếu dân làng chủ yếu là các bà nội trợ, tôi sẽ cho họ mượn sách về các chủ đề nuôi dạy con cái…”, anh nói.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm của Rudiat đã giúp anh có được nhiều độc giả trung thành. Rudiat mất khoảng 2 năm để tiếp cận và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của mọi người. Anh thường mang từ 5 đến 10 cuốn sách cho khách hàng mua đậu hũ ở đồn điền trà Pangalengan cách nhà khoảng 20km đến 30km.

Ban đầu, người dân không mấy nhiệt tình nên anh quyết định tiếp cận bọn trẻ trước, bằng cách tặng đậu hũ miễn phí và cho chúng mượn sách thiếu nhi. Anh quan sát và nhận thấy mọi người đều thích đọc sách nếu đó là sách phù hợp với sở thích của họ. Do đó, anh quyết định mang theo những cuốn sách phù hợp với nghề nghiệp hoặc nhân khẩu học của dân làng.

Tiếng lành đồn xa, các quan chức ở Bandung, Tây Java đã mời Rudiat dạy đọc - viết cho trẻ em ở một vài ngôi làng. Chính quyền địa phương giúp Rudiat thành lập một thư viện nhỏ cạnh nhà và mở một quỹ nhỏ để mua thêm sách. Các quan chức Bộ Giáo dục cũng biết về sáng kiến của anh. Năm 2016, họ đã trao cho anh một học bổng đi du lịch đến Singapore và viết về những gì anh quan sát.

Năm 2017, Rudiat có thêm một bất ngờ nữa khi được mời đến cung điện ở Jakarta để kỷ niệm Ngày Giáo dục quốc gia với Tổng thống Widodo và một vài nhà hoạt động xóa mù chữ khác. “Khi tôi tập trung vào sách vở, tôi không bao giờ tưởng tượng nó sẽ mở ra cánh cửa mới. Tôi đã được mời đến gặp Tổng thống và Bộ trưởng Indonesia”, anh xúc động cho biết. 

Rudiat tiết lộ anh đang hướng tới một mục tiêu mới: “Tôi muốn xây dựng một trường học miễn phí có thể mang lại lợi ích cho nhiều trẻ em hơn”.

Mong muốn xây dựng ngôi trường miễn phí cho trẻ em nghèo có nguyên nhân sâu xa từ việc anh phải bỏ học từ năm lớp 4 vì nhà quá nghèo.

Hồi tưởng những năm tháng thiếu thốn, Rudiat cho biết: “Trẻ em trong khu phố thường chế giễu và bắt nạt, nên tôi tự nhủ với bản thân rằng tôi vẫn có thể làm được điều gì đó dù việc học dang dở”. Vì thế, từ năm 19 tuổi, anh quyết định dành một phần tiền lương làm ở xưởng đậu hũ để mua sách. “Tôi muốn chứng minh rằng bằng cách đọc, tôi có thể phát triển bản thân”, Rudiat chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục