Người thầy đường phố

Không đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen, nhưng gần 25 năm qua, anh Trần Minh Hải (48 tuổi, hiện sống tại TPHCM) đã trở thành người thầy thầm lặng của rất nhiều học sinh, đặc biệt là trẻ em đường phố. 

Làm bạn cùng trẻ

Năm 1993, anh Hải tình cờ đọc trên một tờ giấy báo dòng thông tin “Tuyển giáo dục viên đường phố”. Tìm hiểu, biết Quỹ Terre des Hommes - một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ chuyên hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em - đang tuyển tình nguyện viên ở Việt Nam, anh nộp đơn viết tay xin vào và trở thành 15 người được chọn trong 150 người đăng ký.

Anh kể: “Có một sự đồng cảm từ bên trong mình với trẻ em đường phố. Tôi đã tới các công viên, những hang cùng ngõ hẻm để tiếp cận các em, đưa nhiều em về mái ấm, đi học. Thời điểm đó, TPHCM có chừng 10.000 trẻ em lang thang ngoài đường và người ta chưa hiểu về công việc của giáo dục viên đường phố”.

Người thầy đường phố ảnh 1 Anh Trần Minh Hải dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tại TPHCM. Ảnh: TRUNG TÂM TƯƠNG LAI
Năm 1998, anh Hải tổ chức dự án tương lai thầy chủ nhiệm. Trong suốt quá trình quản lý từ đó đến năm 2010, anh ưu tiên những hoạt động cho trẻ em sống trong những mái ấm, nhà mở, trẻ em vùng sâu, vùng xa ít hoặc không có cơ hội tiếp cận cơ hội học tập, vui chơi bình thường mà trẻ em nào cũng có…

Những đứa trẻ không cha, không mẹ, suốt ngày vật lộn trên đường phố với cái nghèo đói đã được anh mang tiếng cười đến, xóa bỏ sự nhút nhát, tính bốc đồng. Như cậu bé Nguyễn Chí Thoại (sinh năm 1988), lang thang phiêu bạt khắp nơi từ công viên, bến xe, nhà ga và kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán vé số, đánh giày, thậm chí móc túi, giật đồ, nhưng từ khi gặp anh Hải đã chấm dứt tuổi thơ đầy khắc nghiệt đó. 

Năm 2003, nhận sự hỗ trợ của anh Hải, Thoại về ở Mái ấm Tre Xanh (Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM), được đi học và sau này trở thành giáo viên dạy lớp tiếng Anh cho trẻ đường phố của dự án. Không chỉ riêng Thoại, còn khá nhiều thế hệ từng là trẻ bụi đời giờ đây đã có công việc thành đạt từ những chương trình, dự án trẻ em đầy kiên trì và có ý nghĩa của anh Hải. Có thể kể đến như anh Phùng Ngọc Phong (37 tuổi) hiện là Giám đốc Công ty Phùng Nguyễn Cao Tốc; anh Nguyễn Hữu Trung (35 tuổi) là Giám đốc Công ty Vệ sinh công nghiệp Long Sơn; anh Trần Minh Thức (36 tuổi) hiện là Giám đốc Công ty Cấp nước Tân Ninh…

Gần 25 năm giáo dục kỹ năng sống

Sau nhiều năm tình nguyện vì trẻ, anh Hải xác định giáo dục viên đường phố hay những người làm nghề về lĩnh vực xã hội cần phải chuyên nghiệp hơn. Do vậy, anh đã học thêm ngành Xã hội học tại Đại học Mở TPHCM và học về phát triển cộng đồng ở Philippines để trang bị kiến thức cho mình. 

Năm 2012, anh Trần Minh Hải trở thành Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai, là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận Việt Nam thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Anh đã cùng các cộng sự tại Trung tâm Tương Lai và rất nhiều tình nguyện viên thực hiện nhiều dự án ý nghĩa cho trẻ em, thanh thiếu niên. Phải kể đến là Dự án về quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được tổ chức tại TPHCM, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Thuận… 

Thực hiện từ năm 2016 đến 2018, dự án tiếp cận và hỗ trợ khoảng 1.500 trẻ em. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ học bổng cũng được trung tâm thực hiện đều đặn. 

Dự án Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em được anh tổ chức tại TPHCM, Vĩnh Long, An Giang. Trong 3 năm qua, có khoảng 2.500 học sinh và 1.200 phụ huynh được truyền thông về vấn đề này. Không chỉ dạy kỹ năng cho trẻ, anh Hải còn thường xuyên đi tập huấn đào tạo về công tác xã hội cho các giáo viên, tổng phụ trách đội, trợ lý thanh niên, cán bộ chăm sóc trẻ em tại các trung tâm bảo trợ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Bên cạnh đó, anh là giảng viên thỉnh giảng môn công tác xã hội và môn viết dự án tài trợ tại các trường đại học như Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương. 

Đã gần 50 tuổi, anh Hải vẫn giữ lửa và tràn trề nhiệt huyết với các dự án vì trẻ em. Công việc của anh là công việc của một người góp phần chữa lành vết thương và ngăn chặn những vết xước mà cuộc đời có thể gây ra cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục