16 giờ, vừa tan ca anh Khánh đã chạy ngay về nhà trọ để mở cửa đón các em đến học lúc 16 giờ 30. Ca 1: lớp 6 và lớp 8 học. Ca 2: lớp 7 và lớp 9 học. Cứ thế, anh dạy 6 buổi/tuần. Hiện nay anh Khánh đang dạy 38 em từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó có 5 em là con công nhân đang làm việc tại công ty anh. Và lớp học này đã tồn tại được 7 năm.
Học trò của anh Khánh nay có em sắp vào đại học. Nhiều em học yếu kém đã nâng thành tích học tập lên khá, giỏi. Có em còn dẫn đầu lớp môn Hóa, với điểm số cuối năm lên đến 9,75. Em Nguyễn Thị Mỹ Anh, lớp 8 Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (quận 9, TPHCM), cho biết: “Trước đây, kết quả học tập của em rất tệ, biết chú Khánh dạy kèm miễn phí, em xin học. Chú dạy rất tận tình, chỗ nào chưa hiểu, chú chỉ đến khi hiểu mới thôi. Từ khi được học với chú, thành tích học tập của em đã tiến bộ rõ rệt”.
Anh Khánh kể, cơ duyên làm thầy giáo bất đắc dĩ của mình thật tình cờ. Một lần đến nhà bạn ở đường Tăng Nhơn Phú (quận 9, TPHCM) chơi, anh nhìn thấy mấy đứa trẻ đang ngồi học ở chòm gò mả ven đường. Chúng học say mê nhưng không ai dò bài, chẳng ai chỉ dạy nên chúng cũng không biết đúng hay sai. Vốn có kinh nghiệm từng đi dạy kèm thời sinh viên, anh Khánh tiến đến những đứa trẻ và chỉ chúng giải những phương trình khó. Mấy chú cháu loay hoay làm bài đến khi trời tối hẳn, không còn thấy mặt chữ, anh đành tạm biệt các bạn nhỏ để ra về. Lúc này, lũ trẻ nài nỉ: “Mấy bài này khó quá, tụi con không biết làm sao. Chú chỉ rất dễ hiểu, ngày mai chú đến đây dạy tụi con nữa nhe”. Thế là anh lại đến xóm mả ấy chỉ cho bọn trẻ học.
Rồi ban đầu chỉ vài đứa, sau đó là hơn 10 đứa kéo đến để nhờ anh chỉ bài. Không thể dạy mãi ở chòm mả, anh quyết định dời đến phường Tăng Nhơn Phú thuê nhà trọ để có thể dạy kèm miễn phí cho nhiều trường hợp hơn.
Khi “sĩ số” lên vài chục đứa trẻ, anh mượn khoảng sân của chủ nhà trọ để mở lớp học với bàn ghế, bảng viết hẳn hoi. “Dạy được một thời gian, tôi nhận ra cứ thế này cũng không ổn, vì toàn mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, nghịch ngợm và rất ồn ào. Tuy chủ nhà không nói gì nhưng cũng không thể phiền họ mãi, tôi quyết định mướn hẳn ngôi nhà riêng biệt với giá 3,5 triệu đồng/tháng để tổ chức một lớp học tươm tất”, anh Khánh kể.
Không chỉ tự thuê nhà để mở lớp, anh còn bỏ tiền túi để mua những phần quà nho nhỏ làm phần thưởng khi các em có sự tiến bộ. Nhận thấy bàn ghế lớp học cũ kỹ, vừa qua, khi được công ty tặng quà sinh nhật, anh dùng số tiền ấy mua ngay bảng, bàn ghế. Có người bảo anh lương công nhân ba cọc ba đồng, bày đặt mở lớp dạy thêm làm gì, lo làm ăn còn hơn, nhưng anh chỉ cười. “Mình độc thân, sống sao cũng được, nhưng mấy đứa trẻ đều là con người lao động nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, không có điều kiện để học thêm. Mỗi đứa là một số phận, một hoàn cảnh đặc biệt. Nếu không được chỉ dạy, sức học kém, chúng có nguy cơ bỏ học. Thấy kết quả học tập của chúng tiến bộ là tôi vui rồi, không cần phải có sự đền đáp gì hết”, anh Khánh giãi bày.
Chỉ vì thấy tụi nhỏ học tốt, bản thân lại được niềm vui, hạnh phúc mà gần 7 năm qua, người thầy công nhân ấy vẫn cần mẫn với con chữ, phấn trắng, bảng đen cùng các học trò nghèo ham học. “Anh Khánh là người sống hết lòng vì người khác, không toan tính cho bản thân. Và chúng tôi trân quý đức tính ấy của anh”, bà Bùi Thanh Hậu, Chủ tịch Công đoàn Công ty liên doanh Bio- Pharmachemie chia sẻ.