Người dân kết nối trong đô thị thông minh

Người dân TPHCM sẽ sử dụng các công cụ, dịch vụ, công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông… nhiều hơn, đa dạng hơn. Đó là mục tiêu quan trọng trong năm 2020 của đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, tầm nhìn đến năm 2025.

4 trụ cột

Tháng 5-2019, 4 trung tâm, được xem là các trụ cột của Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đã được hình thành, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm An toàn thông tin.

Để kịp tiến độ đề án, việc xây dựng bốn trụ cột này ngày càng gấp rút. Hiện nay, Kho dữ liệu dùng chung của thành phố (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Các cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp vào Kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai…

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, các dữ liệu đã được triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của thành phố. 

Giai đoạn 1 của Trung tâm điều hành đô thị thông minh, thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở GT-VT và UBND các quận: 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp. Hơn 1.000 camera đã tích hợp về trung tâm điều hành, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…

Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đã chính thức vận hành vào đầu tháng 6-2019. Một mục tiêu chức năng quan trọng khác là ứng dụng công nghệ trực quan hóa dữ liệu để phân tích dữ liệu, trình bày kết quả từ các mô hình định lượng và thực hiện các báo cáo của trung tâm, các báo cáo theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. 

UBND TPHCM cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP. Trên cơ sở này, TP sẽ tổ chức thành lập công ty với phần góp vốn của Nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.

Người dân kết nối trong đô thị thông minh ảnh 1 Vận hành Trung tâm Giám sát, điều khiển giao thông thông minh tại TPHCM giúp giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm. Ảnh: CAO THĂNG
Năm bứt phá

 “Bộ não” của đô thị thông minh đã hình thành, tạo cơ sở cho hoạt động quản lý, điều hành. Các ứng dụng, dịch vụ, công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông… đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân TPHCM. Các cơ quan nhà nước và nhất là ở khối quận huyện đã ứng dụng công nghệ tạo nhiều tiện ích, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, tiết kiệm thời gian đi lại và mang lại sự hài lòng cho người dân.

Trong lĩnh vực y tế, đã có gần 40 sản phẩm công nghệ như: ứng dụng tra cứu nơi khám bệnh trên smartphone, khám bệnh trực tuyến không dùng tiền mặt, hệ thống điều phối hàng đợi người bệnh thông minh, phần mềm để người bệnh kiểm tra thông tin trước khi phẫu thuật… Về giao thông, có hàng trăm ứng dụng liên quan đến xe buýt thông minh, tìm đường thông minh. Lĩnh vực giáo dục cũng có không ít ứng dụng thông minh kết nối nhà trường với học sinh, phụ huynh…

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, những ứng dụng phục vụ cho người dân trong đô thị thông minh luôn phải sát với nhu cầu thực sự của người dân, có như vậy người dân mới thể hiện hết vai trò của mình trong đô thị thông minh. Những ứng dụng này không phải tốn quá nhiều tiền để xây dựng, phát triển mà điều quan trọng nhất phải cho người dân thấy rõ lợi ích khi sử dụng và đặc biệt chúng phải nằm trong lộ trình phát triển của thành phố, đảm bảo nền tảng chia sẻ, kết nối trong đô thị thông minh. 

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết: đô thị thông minh được vận hành trên mối liên kết “Nhà nước - Người dân - Nhà nước”. Giai đoạn 1 xem như là mối liên kết của “Nhà nước” đã định hình, đô thị thông minh bắt đầu xây dựng mối liên kết đến “Người dân”… thông qua các tiện ích phục vụ người dân. Xa hơn nữa, những ứng dụng, dịch vụ mà người dân dùng trong đô thị thông minh còn là “thước đo” của người dân với Nhà nước, từ đó thành phố có những điều chỉnh, chính sách phù hợp hơn, tốt hơn trong từng lĩnh vực để phục vụ đời sống người dân, như vậy mới hoàn thiện mối liên kết “Nhà nước - Người dân - Nhà nước” trong đô thị thông minh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là chương trình đột phá bổ sung của TPHCM. Đồng chí đánh giá cao một số kết quả đạt được, trong đó có một số dịch vụ đã được cung cấp cho người dân; đồng thời kết nối được 1.000 camera và tiếp tục chuẩn hóa, kết nối hệ thống camera của toàn TP. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP sớm cung cấp các địa chỉ của các trung tâm và các sở ngành cũng cung cấp dữ liệu để người dân có thể khai thác ngay. UBND TP rà soát, đưa vào danh mục các dữ liệu phải cập nhật như cập nhật kết luận toàn bộ của thanh tra TP. Song song đó là việc công bố quy trình thời hạn giải quyết các loại hồ sơ trình lên UBND TP; cơ sở dữ liệu các trường học từ đại học đến mầm non; cơ sở dữ liệu về các cơ sở y tế; về địa chỉ địa chính; cơ sở dữ liệu về dịch vụ của TP (như khách sạn, dịch vụ y tế, giáo dục…)…

Đặc biệt là việc công bố công khai “chuẩn camera” đồng bộ; xác định những vị trí nhạy cảm, lên lộ trình gắn bổ sung camera có chức năng nhận diện khuôn mặt để cần là theo dõi, giám sát được ngay. Cạnh đó là phương án tích hợp camera các cơ quan chuyên ngành, hướng đến TP an toàn.

Tin cùng chuyên mục