Dài cổ ngóng Vietnam show
Trên thế giới có rất nhiều mô hình kết hợp du lịch và nghệ thuật vô cùng thành công. Ngay ở châu Á, khách du lịch thường ít khi bỏ qua show diễn được định danh như Campuchia Show là Nụ cười Angkor; Thai Lan Show là Alangkarn, James Bond; Hàn Quốc thì có hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại hút khách khi kết hợp thành công giữa văn hóa truyền thống với hiện đại như The Painter Hero, Cookin’ Nanta...
Thiếu chương trình nghệ thuật “đã đến - phải xem” khiến du lịch Việt cũng trở nên kém hấp dẫn
Riêng Trung Quốc thì có nhiều show rất thu hút khán giả bởi sự hoành tráng, tinh tế như Quyến rũ Đông Phương, Long Phụng Vũ Trung Hoa hay tại thị trấn nghèo Dương Sóc, Quế Lâm ít người tới đây mà có thể bỏ qua show diễn thực tế do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Các show diễn không chỉ làm cho các tour du lịch trở nên sinh động, nhiều màu sắc hơn mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho các nghệ sĩ và cho chính những người làm du lịch. Tính trung bình mỗi ngày từ một đến hai ca diễn, mỗi vé giá dao động từ 40-50 USD/người thì khoản tiền thu được từ hoạt động này cũng là một con số khổng lồ.
Còn chúng ta thì sao? Ta quá thiếu các “Vietnam Show” có tầm vóc, xứng đáng trở thành sản phẩm du lịch đạt tiêu chí “đã đến - phải xem”! Chia sẻ về những bất cập này, lãnh đạo của Saigontourist cũng thốt lên rằng: Quá cần những chương trình nghệ thuật mang tính đặc thù riêng cho du khách nhưng tìm mãi cũng chỉ có một vài lựa chọn quanh đi là À ố show, quanh lại là múa rối… Vị lãnh đạo này cũng cho biết, thời gian qua cũng có một số nhà hát, nhóm nghệ sĩ đứng ra xây dựng các chương trình nhưng làm không tới, làm chưa đúng cái mà người làm du lịch cần, vì thế nhiều mà vẫn không đủ. Vị này tâm sự, đã có lúc đơn vị của ông bàn tới việc tự mình dựng một chương trình biểu diễn riêng. Mong muốn là vậy nhưng có đạt được đích đến không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ ngân sách đến con người vì thế làm du lịch vẫn tiếp tục theo kiểu “ăn đong”.
Thực tế chương trình nghệ thuật phục vụ thường xuyên dành riêng cho du khách thì ngoài Bắc có Nhà hát Múa rối Thăng Long còn trong Nam có lẽ chỉ duy có À ố show là nổi bật hơn cả. Vài năm gần đây du khách đã có thêm một số lựa chọn mới như ở TPHCM đang có các chương trình dành cho du khách như múa rối nước Rồng Vàng, các chương trình hàng tuần ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, tại Hà Nội có xiếc tổng hợp Ionah của Galaxy, một vài đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Chèo Hà Nội, các diễn xướng của Nhà hát Tuồng... Song có lẽ do chưa có được những kịch bản thực sự thích hợp nên một số chương trình sau khi ra mắt hoành tráng cũng đã lâm vào tình trạng hụt hơi khi không nhận được những cái bắt tay mặn mà của khách du lịch. Tháng 6 vừa qua, một khu du lịch gần Hà Nội cũng đã đầu tư một khoản tiền rất lớn xây dựng một show diễn thực tế mang tên Thuở ấy Xứ Đoài. Kinh phí được đầu tư được tiết lộ là lên tới cả triệu USD, nhưng tiếc là cho tới thời điểm này, Thuở ấy Xứ Đoài vẫn đang “áo gấm đi đêm”.
Chỉ mời những món mình có?
Thực ra việc chỉ đãi món mình có không phải là không thành công, dẫn chứng sinh động nhất là các chương trình của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã tồn tại bao năm nay nhưng vẫn chưa từng ngớt khách. Hơn thế, với tần suất đỏ đèn 365 ngày với hơn 700 suất diễn/năm đơn vị này được xếp vào tốp 10 nhà hát hút khách hàng đầu Đông Nam Á. Tất nhiên đối tượng làm nên kỷ lục của Nhà hát Múa rối Thăng Long không phải là khách Việt, mà chủ yếu là du khách nước ngoài. Sở dĩ đạt được thành quả như vậy không hẳn nhờ chương trình xuất sắc vượt trội mà do hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa (vị trí thuận lợi, rối nước là một trong những nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Việt, chương trình biểu diễn không sử dụng nhiều tới ngôn ngữ nói…). Yếu tố quan trọng nhất có lẽ đây là nhà hát sớm có cái “bắt tay” rất chặt với các đơn vị du lịch!
Dưới một góc nhìn khác, đạo diễn Việt Tú cho rằng với du khách, họ không cần những món họ quen thuộc mà họ thích những “món” mình có. Với người châu Âu, đương nhiên họ sẽ không thích các chương trình hoành tráng kiểu “broadway” vì nó khác gì mời họ ăn bít tết bằng bò Việt Nam, trong khi đó chỉ một bát cà muốn có khi cũng để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm. Tuy nhiên, theo đạo diễn Việt Tú, sản phẩm không thể quá dị biệt mà phải mang ngôn ngữ toàn cầu trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống, âm nhạc truyền thống… Có làm được như vậy mới mong “thắng”! Chính rào cản về ngôn ngữ đã khiến một số chương trình nghệ thuật truyền thống thiên về diễn xướng như tuồng, chèo, cải lương… nếu cứ bê nguyên bản cổ lên sân khấu sẽ khó tạo được sự tương tác từ khán giả.
Một nguyên nhân khác cũng được chỉ là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng một chương trình đặc biệt dành cho khách du lịch. Nằm trên phố Hàng Bạc, được cho là vị trí đắc địa, nơi tập trung đông du khách nước ngoài nhưng lịch diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội chỉ duy trì đỏ đèn 4 buổi mỗi tháng, mỗi buổi chỉ khoảng 50 khách đến xem. Chia sẻ khó khăn này, ông Trần Quang Hùng, Giám đốc nhà hát cho rằng, để duy trì lượng khách như vậy vẫn là điều may mắn, bởi lẽ nếu có được một chương trình nghệ thuật được đưa vào tour của các công ty du lịch nước ngoài cần một khoản kinh phí lớn, mà nhà hát lại chưa tìm được nguồn. Kinh phí là rất quan trọng song theo nhiều người thì điều cốt yếu để làm được một chương trình như vậy là phải biết cân bằng giữa nghệ thuật và kinh tế. Không chỉ mải mê làm những cái đỉnh cao mà quên đi thị hiếu của đông đảo khán giả.
Không phải ngẫu nhiên mà show diễn Nanta của Hàn Quốc có thể duy trì kịch bản suốt 20 năm và tới thời điểm này vẫn là chương trình được du khách yêu thích nhất. Trong 90 phút biểu diễn, khán phòng gần như lúc nào cũng vang lên tiếng cười, những tràng pháo tay của khán giả bởi sự hài hước và khả năng trình diễn vô cùng thu hút của các nghệ sĩ. Không chỉ thể hiện tài năng trong căn bếp sân khấu, các nghệ sĩ Nanta còn thường xuyên giao lưu với khán giả phía dưới rất chuyên nghiệp và gần gũi. Được ngồi trên hàng ghế khán, hòa mình trong không khí sôi động của Nanta show khi ấy mới cảm nhận được cách mà người Hàn Quốc nghiêm túc quảng bá văn hóa truyền thống và cả cách truyền thụ cảm hứng tiếp nhận được phát huy tối đa trong show diễn.
Vừa rồi, lãnh đạo của bộ đa ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã nêu cao quyết tâm xây dựng bằng được chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch ở Nhà hát lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không thiếu các nghệ sĩ tài năng, không thiếu vị trí phù hợp để biểu diễn và lại càng không thiếu kinh phí. Song tiếc thay mâm cỗ nghệ thuật ấy vẫn chưa tìm được lời giải thành công khi đạo diễn đã bày ra quá nhiều món tuy ngon nhưng lại thiếu tinh tế, thiếu tương tác. Và đến tận lúc này, giấc mơ về những chương trình nghệ thuật “móc” được túi của du khách dường như vẫn còn rất xa.
Theo tính toán của các chuyên gia du lịch thì show diễn cỡ một giờ là vừa đủ “hồi phục” đôi chân và tinh thần du khách trong một lịch trình nhiều hoạt động. Vì thế, với các tour du lịch thì việc thưởng thức một chương trình biểu diễn giải trí sẽ khiến cho chuyến đi trở nên hoàn hảo. Song tiếc thay, sự nóng lên của thị trường du lịch Việt Nam thời gian qua đã chưa đủ mạnh dẫn tới sự chuyển mình của người làm nghệ thuật. Dường như cái bắt tay được kỳ vọng sẽ đem lại sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật và du lịch vẫn chưa thật chặt khi nhà tour thì đang lúng túng vì không có nhiều sản phẩm tốt để lựa chọn, trong khi đó, các rạp hát thì luôn trong cảnh đỏ đèn, hiu hắt. Đến khi nào “nghệ thuật” và “du lịch” mới thực sự song hành để biến thành trứng vàng?