Chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó”
Có nhu cầu ra riêng, lại tìm thấy thông tin khá tốt về dự án Đ.Ngần cầu Xáng (thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM), anh Mai Quốc Trung (ngụ Nguyễn Tri Phương, quận 10) liền nhanh chóng “chốt” lịch hẹn với nhân viên bán hàng. Mức giá bán đưa ra khoảng 11,2 triệu đồng/m². Diện tích các lô đất dao động 80m² - 100m², được ưu đãi vay ngân hàng. Để chắc chắn, trước khi đi thực tế, anh Trung và vợ tranh thủ lên mạng tìm hết các thông tin cũng như dự án mình sẽ đến xem. Ngoài ra, anh cũng gọi điện và nhắn tin cho người bán để hỏi lại nhiều lần xem có phải đất Bình Chánh hay không, sổ hồng riêng từng nền hay sổ hồng chung…; đồng thời nói thẳng với người bán là nếu ở tỉnh sẽ không mua, không đi xem.
Nghe người bán khẳng định chắc nịch đất nền huyện Bình Chánh, đã có người xây nhà để ở, nên vợ chồng anh Trung yên tâm chạy tới địa điểm hẹn gặp ngay dưới chân cầu Xáng. Sau một hồi chỉ trỏ dẫn khách đi ngang đường Thanh Niên thuộc huyện Bình Chánh, nhân viên bán hàng nói rằng đất TPHCM rất mắc, nên đã trót đi xem thì chạy luôn qua địa phận Long An để xem vì dự án nằm ở nơi giáp ranh TPHCM, giá mềm hơn.
“Tới nơi, tôi thấy chỉ vài ngôi nhà lèo tèo mọc lên trong khu được giới thiệu là dự án. Hệ thống điện âm cũng chưa có. Người dân phải đấu nối, kéo điện từ ngoài vào. Sử dụng nước giếng khoan... Tóm lại, mọi thứ rất ngổn ngang. Điều khiến người mua bức xúc chính là thái độ bán hàng, chủ ý lừa khách ngay từ đầu của nhân viên môi giới, không loại trừ khả năng đó cũng là chiêu trò của chính công ty chủ đầu tư dự án”, anh Mai Quốc Trung phản ánh.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lộc (làm công nhân may mặc, ngụ tại đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12) cũng bức xúc không kém khi bị cò dẫn đi hết khu nhà liên kế này đến nhà liên kế khác, hứa hẹn nhà có sổ hồng riêng, nằm gần Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn), gần chợ Bình Chánh (huyện Bình Chánh)... Thế nhưng, thực tế sản phẩm mà “cò” dẫn chị đi không thuộc TPHCM, mà thuộc địa bàn tỉnh Long An.
“Tin theo cò, tôi đã từng vội đặt cọc 50 triệu đồng để mua căn nhà chung sổ hồng với khoảng 5 người khác, ngay sau đó cò nghỉ việc công ty, ôm tiền trốn mất. Tôi đã khởi kiện ra tòa nhưng tên lừa đảo không có hộ khẩu tại TPHCM, không có địa chỉ tạm trú rõ ràng, nên tòa án cũng... bó tay”, chị Lộc kể.
Đồng Nai cũng sôi lên cơn sốt đất, cò hoạt động tấp nập, anh Phan Công kể lại chuyện cò kéo xảy ra cách nay chưa lâu. Thấy quảng cáo rao bán đất quận 2 chỉ có 3,2 triệu đồng/m², anh liền đăng ký đi xem. Gọi điện theo số điện thoại, được tư vấn kỹ càng, anh càng củng cố niềm tin.
Ngày chủ nhật, đến điểm hẹn, anh thấy có 3 chiếc xe 50 chỗ chờ sẵn. Mỗi hành khách được phát một ổ bánh mì, chai nước suối, khăn lạnh, có cô hướng dẫn viên trẻ trung mát mắt, ăn nói lịch thiệp. Hỏi những người cùng ngồi bên cạnh đều được khẳng định là mua đất quận 2, cùng trường hợp với mình, thật an tâm. Thế rồi, cho đến khi xe chạy, vào quận 2, lên đường cao tốc, thẳng tiến Long Thành, lúc đó mọi người trên xe mới được giải thích: “Đất quận 2 hết rồi, mời bà con cô bác đi xem đất Long Thành, có ưng thì mua, còn không thì đi chơi đổi gió ngày cuối tuần”. Từ đó, nhiều khách hàng đã sập bẫy mà giới cò đất bất lương đã giăng sẵn.
Năm 2017, thị trường bất động sản sôi động đã gắn liền với sự làm mưa làm gió, quá nhiều tai tiếng của giới cò đất.
Mới đây, anh Hùng (ở quận 3) nhận một cuộc điện thoại, bực mình hỏi người viết: “Ủa, Công ty địa ốc Alibaba nghe nói bị điều tra rồi mà, sao nay lại tiếp tục mồi chài bán đất?”. Dự án đang được công ty này rao bán là Alibaba Tân Thành, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là, sau sự kiện bán “vịt trời” dự án Tây Bắc Củ Chi, bị truyền thông phản đối kịch liệt, các cơ quan chức năng (gồm cả lực lượng công an) vào cuộc, vậy tại sao đến nay mọi việc lại rơi vào im lặng, công ty này vẫn tiếp tục hoạt động?
Trên mạng xã hội cũng vừa đưa đoạn video vợ của một bác sĩ tại bệnh viện hàng đầu của TP khóc bù lu bù loa tại trụ sở công ty môi giới thuộc nhóm Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát vì bị “chiếm đoạt” gần 1 tỷ đồng; đồng thời phản ánh nhân viên của công ty này vẫn đang núp bóng công ty khác để tiếp tục bán đất đang có tranh chấp, khiếu kiện; mạo danh chủ đầu tư…
Sự việc bắt nguồn từ giữa năm 2016, 2 công ty trên rao bán đất giá rẻ tại TPHCM, nhưng khi khách hàng lên xe thì chở đến Đồng Nai hoặc Long An để giới thiệu đất.
Tiếp đó, các công ty này ký kết một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng nền đất tại các dự án thuộc tỉnh Đồng Nai và Long An; gian dối tổ chức môi giới tư vấn, tiếp thị để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua đất. Sau đó, các nền đất bị nâng giá bán, trong hợp đồng ghi nhiều nội dung chồng chéo qua lại để thu khoản tiền chênh lệch từ 80 - 300 triệu đồng/nền, so với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
Điều đáng nói, có dự án mở bán chưa có hồ sơ pháp lý, nên khách hàng dù đã nộp tiền mua đất vẫn không nhận được bộ hồ sơ theo thỏa thuận trước đó. Hàng trăm khách hàng bị “dính chưởng” đã kéo đi khiếu kiện khắp nơi, từ cơ quan truyền thông cho đến cơ quan công quyền. Công an TPHCM đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào tháng 10-2017 đối với 2 công ty Kim Phát và Việt Hưng Phát.
Đến nay, các vụ việc trên vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Còn trong nhiệm vụ năm 2018 của Sở Xây dựng TPHCM, không có dòng chữ nào đề cập đến việc chấn chỉnh hoạt động của môi giới bất động sản! Thế nên, khách hàng muốn mua nhà đất hãy tự bảo vệ mình trước khi “trời cứu”, hãy kiên quyết nói không với sản phẩm chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, cho dù những lời giới thiệu của cò có “mật ngọt” tới đâu…