Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, hiện tại nghiệp đoàn có gần 90 tàu thuyền các loại. Trong đó, tàu có công suất lớn nhất là hơn 450CV và nhỏ nhất là dưới 20CV, với tổng số lao động cần khoảng 250 - 300 người. Tuy nhiên, sau tết các tàu đánh cá đang rất thiếu hụt lao động.
Còn tại Quảng Bình, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch), cho biết, địa phương đang thiếu trầm trọng nhân lực, tàu nào cũng đi tìm bạn nhưng rất khó khăn. Đức Trạch hiện thiếu cả ngàn lao động để làm việc trên các tàu công suất lớn, vì đây là xã biển mạnh nhất nhì miền Trung, có sản lượng đánh bắt hơn 12.000 tấn/năm.
Nghề cá đang thiếu nhân lực. Ảnh: MINH PHONG
Tại xã biển Bảo Ninh (huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), chủ tàu Phạm Tuyển nói: “Bây giờ tìm bạn đi biển khơi xa rất khó. Một tàu cần 15-20 người lành nghề nhưng mãi không đủ. Nếu không có phương hướng giải quyết căn cơ từ chính quyền các cấp, đánh bắt xa bờ sẽ thiếu trầm trọng lực lượng lành nghề”. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, cho rằng: Không chỉ các chủ tàu thiếu bạn mà hậu cần nghề cá trên bờ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng thiếu nhân lực bốc vác hàng hóa từ thuyền xuống tàu, từ tàu lên kho đông lạnh. Tình hình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các chủ tàu và sản lượng đánh bắt của địa phương.
Theo các chủ tàu, những ngư dân có kinh nghiệm hiện chọn làm thuyền viên trên tàu đánh cá nước ngoài hơn là làm việc cho chủ tàu trong nước. Trong đó, ngư dân thường chọn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết hiện xã có 300 người đi nước ngoài lao động, chủ yếu là Hàn Quốc, thu nhập cao và ổn định. Thậm chí, nhiều chủ tàu Hàn Quốc còn giao tàu cho người Đức Trạch đánh bắt rồi ăn chia nên ngư dân ở Đức Trạch đi xuất khẩu còn quay về quê tìm kiếm lao động.
Ngoài việc ngư dân xuất khẩu lao động thì chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao trong những năm gần đây khiến nhiều chủ tàu thua lỗ. Từ đó, việc ăn chia giữa chủ tàu và lao động giảm sút nên nhiều người nghỉ đi biển lên bờ tìm việc làm khác.
Ông Hồ Đăng Chiến cho biết: “Lao động nghề biển đang có giá ghê lắm, các chủ tàu tranh nhau lôi kéo, giá ăn chia lên vùn vụt. Trước đây, sau mỗi chuyến biển, trừ phí tổn, chủ tàu và lao động ăn chia theo tỷ lệ nhất định, nay lao động còn được chủ tàu trả thêm lương cứng nhằm giữ chân. Phần lương cứng này ban đầu có chủ tàu đưa ra mức 3 triệu đồng/tháng, nay lên đến 7 triệu đồng mà vẫn thiếu”.
Chủ tàu Hồ Đăng Hùng (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) có tàu vỏ thép hơn 800CV nói: “Kiếm lao động ở các làng biển quá khó khăn, tôi phải tìm về các xã làm nông tuyển người đi biển. Năng suất làm việc sẽ giảm nhưng còn hơn cho tàu nằm bờ.