Ngày thi đầu tiên tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Kỷ luật phòng thi chưa nghiêm

* Giám thị bắt thí sinh chép lại bài thi do ký nhầm * Đề thi khó
Ngày thi đầu tiên tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Kỷ luật phòng thi chưa nghiêm

* Giám thị bắt thí sinh chép lại bài thi do ký nhầm
* Đề thi khó
* Đà Lạt: Tỷ lệ thí sinh dự thi cao
* Quy Nhơn: 2 thí sinh phải cấp cứu tại bệnh viện
* Huế: Một thí sinh phải mổ ruột thừa
* Quảng Ngãi: Chở con đi thi, mẹ bị xe cán chết

(SGGPO).– Thống kê của Bộ GD-ĐT về ngày thi đầu tiên tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 cho thấy cả nước có gần 700.000 thí sinh dự thi, chiếm trên 76% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước có 60 thí sinh vi phạm Quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật. Điều đáng nói là dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần nhưng nhiều thí sinh vẫn cố tình mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại các điểm thi, nhiều thí sinh cho biết, đề thi môn Toán và Lý của ngày thi đầu tiên khá khó. Hôm nay 5-7, thí sinh sẽ thi môn Hóa (khối A) và môn vẽ mỹ thuật (khối V) - môn cuối cùng của đợt 1.

Người thân lo lắng chờ đón thí sinh trước cổng trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Người thân lo lắng chờ đón thí sinh trước cổng trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Chiều 2-7, các thí sinh đã hoàn tất môn thi Lý, kết thúc ngày thi đại học đầu tiên trong kỳ tuyển sinh Đại học-Cao đẳng 2011.

Theo ghi nhận chung của chúng tôi ở nhiều Hội đồng tuyển sinh ở Hà Nội , hầu hết thí sinh đều cho rằng đề thi môn lý quá dài, cồng kềnh. Đa phần các em cho biết không đủ thời gian để làm hết 50 câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm môn Lý. Nhiều thí sinh cho biết, vì không chắc chắn đáp số nên cứ “khoanh bừa” vào bài làm thi trắc nghiệm, trông chờ sự may rủi.

Tại Hội đồng tuyển sinh trường Học viện Ngân hàng, thí sinh Nguyễn Văn Hùng (trường THPT Kim Liên, Hà Nội) cho biết đề Lý còn khó kiếm điểm hơn cả môn Toán sáng nay. “Em chỉ làm được 80% đề thi, trong đó có nhiều câu trả lời cho có. Đề dài lắm, 50 câu với khối lượng kiến thức khá cồng kềnh, nhiều bạn trong phòng em cũng không làm xong”, Hùng cho biết.

Thí sinh Nguyễn Quốc Anh (trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa) cho rằng đề không phải là quá khó nhưng dài, vì vậy rất nhiều thí sinh không đủ thời gian để làm bài. “ Em chỉ hy vọng được 70%. Thực sự là đề Lý phân hóa học lực của thí sinh rất rõ”, Quốc Anh nhận xét.

Trong khi đó, thí sinh Trần Thị Lan đến từ trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội dự thi vào trường Đại học Khoa học và tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết em chỉ làm được khoảng 50-60% vì đề dài, không đủ thời gian. “Em trả lời được 40 câu hỏi trên tổng số 50 câu nhưng không hoàn toàn chắc chắn đáp án đúng”, Lan cho biết. Nhiều thí sinh cũng chung nhận định tương tự rằng đề Vật Lý tương đối khó lại dài. Thí sinh Nguyễn Huyền Ngân (trường THPT Thanh Liêm A, Hà Nam) than: đề Lý khó hơn nhiều so với các dạng đề thi mà em đã luyện đi luyện lại.

Cũng vào chiều nay, thông tin từ một số hội đồng tuyển sinh từ các trường cho thấy, tỉ lệ thí sinh bỏ thi ngày càng nhiều. Lí do chủ yếu là không làm được bài môn Toán buổi sáng. Thông tin từ Ban tuyển sinh ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), cho biết so với môn Toán sáng nay, chiều nay có 36 thí sinh bỏ thi, 1 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi.

Theo ban  tuyển sinh trường ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội, tổng số thí sinh dự thi buổi sáng là 7.191 thí sinh nhưng buổi chiều đã có 61 thí sinh bỏ thi.

Tại kỳ tuyển sinh lần này, số lượng tờ rơi được phát ở các điểm thi gia tăng rất nhiều so với năm trước. Hầu hết người nhà thí sinh, mỗi thí sinh khi đi dự thi đều sẽ nhận được những thông tin về tổ chức tuyển sinh của nhiều trường đại học dân lập, cao đẳng nghề với nhiều cơ hội hấp dẫn.  Bên cạnh đó là tờ rơi của các doanh nghiệp mời gọi dịch vụ bán laptop cho tân sinh viên, điện máy khuyến mại đặc biệt...

Như vậy, sau ngày thi đầu tiên, cả đề Toán và đề Lý đều được nhiều thí sinh dự thi đánh giá là khó kiếm điểm cao. Tuy nhiên, các thí sinh đều thừa nhận đề có sự phân loại rõ rệt nên nếu các thí sinh học khá Toán, Lý không khó kiếm từ 6-8 điểm, thậm chí là 9 điểm. Nhưng với những thí sinh có học lực trung bình thì chỉ đạt điểm 5-6, thậm chí thấp hơn. Một số thầy giáo cũng nhận định sẽ không có nhiều điểm 10 cho môn Toán, Lý.

Ngay sau môn thi Lý chiều nay, trước các điểm thi luôn có một lực lượng phát tờ rơi hùng hậu để phát tờ gợi ý giải đề thi môn Toán sáng nay. Thực chất, đây chỉ là gợi ý giải đề thi Toán (chưa được kiểm chứng về độ chính xác) được các  trang web, các dịch vụ tổng đài in ra và phát cho thí sinh nhằm thu hút thí sinh sử dụng các dịch vụ nhắn tin. Trong đó có cả dịch vụ nhắn tin để biết mình có khả năng đỗ hay trượt; nhắn tin để lấy đáp án ngay khi thi xong; nhắn tin để biết điểm thi Đại học sớm nhất, điểm chuẩn sớm nhất.

Mỗi thí sinh ra về đều cầm trên tay những tờ rơi như vậy để so sánh với bài làm của mình. Điều đáng nói là những gợi ý này chưa được kiểm chứng về độ chính xác, nên nếu thí sinh tin theo sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần dự thi những môn tiếp theo.  

* Trước đó, buổi sáng 4-7, có 699.628 thí sinh đã hoàn tất buổi thi đầu tiên (môn Toán) kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi đã có buổi kiểm tra công tác tổ chức tuyển sinh tại một số Hội đồng thi của các trường ĐH trên địa bàn thành phố Hà Nội (Hội đồng tuyển sinh ĐH Thủy Lợi, Học viện Ngân hàng và ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội).

Kết thúc buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá, theo báo cáo nhanh của các Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) và thực tế kiểm tra sơ bộ tại các điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội, tính đến thời điểm này kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 diễn ra suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc như dự kiến, không có sự cố nào đặc biệt phải xử lý; không có trục trặc nào về công tác bảo mật, vận chuyển đề thi. Tình hình an ninh-trật tự, tình hình giao thông trên địa bàn được giữ vững và bảo đảm thông thoáng.

* Tại Hà Nội: Buổi thi môn Toán bắt đầu từ 7h15 và kết thúc vào 10h15. Thời tiết Hà Nội hôm nay vẫn nắng gắt, hầu hết người nhà thí sinh phải tìm bóng cây râm mát để tránh nắng trong lúc đứng đợi con.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình trật tự ở các điểm thi khá tốt. Các chiến sĩ công an, cảnh sát khu vực và lực lượng dân phòng cùng các sinh viên tình nguyện luôn túc trực tại các điểm thi để bảo đảm an toàn, trật tự. Vì thế ngay cả khi các thí sinh tan thi, vẫn không có rối loạn giao thông xảy ra. Tuy nhiên, một điểm không đẹp mắt là tại các điểm thi ở ĐH Kiến trúc Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Khoa học và tự nhiên,  ĐH Thủy Lợi, Công đoàn, Học viện Ngân hàng.. luôn bị bủa vây bởi các quán bán hàng rong và đội quân rải tờ rơi quảng cáo. Nhiều địa điểm thi tờ rơi quảng cáo được rải trắng cả đoạn đường.

Lực lượng cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện giữ trật tự tại các điểm thi. Ảnh: TRẦN THANH

Lực lượng cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện giữ trật tự tại các điểm thi. Ảnh: TRẦN THANH

Kết thúc môn Toán sáng nay, các thí sinh rời khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng trái ngược. Nhiều thí sinh hồ hởi vì làm bài tốt.

Nhiều thí sinh phấn khởi vì làm bài được. Ảnh: TRẦN THANH

Nhiều thí sinh phấn khởi vì làm bài được. Ảnh: TRẦN THANH

Thí sinh Đinh Văn Hạnh (trường THPT Tống Văn Trân, Nam Định) là một trong thí sinh rời khỏi phòng thi sớm nhất tại Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Thủy Lợi. Hạnh cho biết đề thi năm nay dễ hơn 2010, em làm bài chắc ăn khoảng 90%. “Còn lại 1 câu khó quá em không thể làm được, có ngồi thêm em cũng không giải được câu cuối cùng”, TS Hạnh cho biết.

Thí sinh này cũng cho rằng, đề Toán vừa sức với những thí sinh có học lực khá giỏi, tuy cách giải phải trình bày tương đối dài. Nếu học Toán khá thì có thể giải 70-80% đề, giỏi hơn thì có thể giải hết 90%. Còn lại có câu thực sự khó dành cho học sinh thực sự xuất sắc. Thí sinh Hạnh cho rằng, đề Toán mang tính phân loại thí sinh cao.

Hồ hởi, phấn khới vì làm được bài cũng là tâm trạng của nhiều thí sinh dự thi vào ĐH Công đoàn, Học viện Ngân hàng. Thí sinh Trương Thị Hậu (THPT Yên Hòa, Hà Nội) cũng cho biết đề Toán không quá khó và có thể ăn chắc 7 điểm. Tuy nhiên, “nếu học lực trung bình thì đây là đề khó với các bạn”, Hậu nói.

Thực tế là đã có khá nhiều gương mặt ủ dột sau khi rời phòng thi ở các điểm thi ĐH Công đoàn, Thủy Lợi. Nhiều thí sinh than đề khó, và không tự tin mình có làm đúng không. Thí sinh Nguyễn Văn Hùng (THPT Tiên Du 1, Bắc Ninh) trả lời với nét mặt khá buồn: “Em chẳng biết sẽ được mấy điểm, phải chờ đáp án mới biết”.

Buồn vì không làm bài được. Ảnh: TRẦN THANH

Buồn vì không làm bài được. Ảnh: TRẦN THANH

Trước kỳ tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, đề thi năm nay sẽ mang tính phân loại cao. Ngoài câu hỏi khó để chọn thí sinh giỏi sẽ có nhiều câu hỏi dễ để có phổ điểm rộng hơn các năm, nhằm tạo cơ hội vào các trường đại học khác nhau đối với những thí sinh đạt điểm trung bình.

Thí sinh dự thi vào ĐH Kinh tế TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Lý tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh dự thi vào ĐH Kinh tế TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Lý tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: MAI HẢI

Chiều 2-7, các thí sinh thi trắc nghiệm môn Lý.

* Gia tăng vi phạm quy chế tuyển sinh

Theo ghi nhận tại nhiều hội đồng thi, trong ngày thi đầu tiên của đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, nhiều hội đồng thi không tuân thủ theo đúng Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 của Bộ GD-ĐT. Rõ nhất là tình trạng ghép nhiều phòng thi và bố trí thí sinh ngồi không đúng khoảng cách. 
 
Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hội đồng thi Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM) dù phòng thi có 27 thí sinh nhưng do bàn quá ngắn và chỉ có 12 bàn nên mỗi bàn xếp 2 thí sinh ngồi làm bài với khoảng cách chỉ vài chục centimét. Trong khi đó, Quy chế tuyển sinh của bộ quy định “khoảng cách giữa 2 thí sinh liền kề nhau là 1,2m”. 
 
Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương TPHCM dù sắp xếp thí sinh ngồi đúng khoảng cách nhưng lại vi phạm khi nhiều phòng thi dồn đến 80 thí sinh. Năm nay, các điểm thi của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng có khá nhiều phòng thi, thí sinh ngồi làm bài không đúng khoảng cách quy định.
 
Trong khi đó, thanh tra tuyển sinh lưu động của Bộ GD-ĐT cũng đã trực tiếp kiểm tra các điểm thi và xác nhận thực tế các điểm thi vi phạm quy chế. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có rất nhiều phòng thi có 120 thí sinh và 2 phòng thi có 160 thí sinh (phòng A 301 và B 406). Thanh tra cũng đã xác nhận điểm thi tại Trường THCS Lam Sơn (Hội đồng thi Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM), phòng thi chật chội và bố trí thí sinh ngồi thi không đúng quy định.

Thí sinh làm bài thi môn Toán tại điểm thi trường ĐH Ngoại Thương. Ảnh: THANH HÙNG

Thí sinh làm bài thi môn Toán tại điểm thi trường ĐH Ngoại Thương. Ảnh: THANH HÙNG

Kỷ luật chưa nghiêm 

Kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước có trên 60 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh. Trong đó, 22 thí sinh bị khiển trách, 9 bị cảnh cáo, 26 bị đình chỉ và 3 thí sinh đến muộn không được dự thi. Điều đáng nói là kỷ luật phòng thi chưa được siết chặt vì có khá nhiều thí sinh cố ý mang điện thoại di động vào phòng thi và sử dụng tài liệu trong lúc làm bài.
 
Trong số 11 thí sinh bị đình chỉ thi tại cụm thi TPHCM, có đến 9 trường hợp mang điện thoại vào phòng thi. Trong đó, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy 2 trường hợp, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) 2 trường hợp. Theo lý giải của các hội đồng tuyển sinh trên, nhiều thí sinh cố ý mang điện thoại di động vào phòng thi nên giám thị khó kiểm soát được và chỉ đến khi làm bài, giám thị mới phát hiện.

Nhiều phòng thi tại địa điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (hội đồng thi Trường ĐH Tài Chính Marketing) bố trí chưa đúng khoảng cách theo Quy chế. Ảnh: THANH HÙNG
Nhiều phòng thi tại địa điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (hội đồng thi Trường ĐH Tài Chính Marketing) bố trí chưa đúng khoảng cách theo Quy chế. Ảnh: THANH HÙNG

Đáng nói là dù thi khối A nhưng trong ngày thi hôm qua, cụm thi TPHCM cũng đình chỉ thi đối với 2 trường hợp sử dụng tài liệu. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Định (Hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng), trong buổi thi môn Toán, giám thị đã phát hiện và đình chỉ thi một thí sinh sử dụng tài liệu. Một trường hợp khác cũng bị đình chỉ thi do cố tình mang “phao” trong người tại điểm thi Trường THPT Hàn Thuyên (Hội đồng thi Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM).

Giảm kẹt xe
 
Trước tình trạng kẹt xe trong ngày làm thủ tục dự thi, từ rất sớm, trên các tuyến đường TPHCM, xe gắn máy đưa thí sinh đi thi chạy nườm nượp. Từ 5 giờ 30 phút sáng, hàng trăm thí sinh, phụ huynh đã có mặt tại các điểm thi. Do đến quá sớm nên nhiều điểm thi, bảo vệ không mở cửa cho thí sinh vào mà đến 6 giờ mới cho thí sinh vào điểm thi.
 
Tại những tuyến đường Nguyễn Văn Bảo, Lê Lợi, Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định, Công an quận Gò Vấp đã điều động 100 cảnh sát giao thông và lực lượng an ninh trật tự điều tiết giao thông. Riêng tuyến đường Nguyễn Văn Bảo, lực lượng công an cấm tất cả các phương tiện lưu thông và yêu cầu phụ huynh gửi xe bên ngoài để thí sinh đi bộ vào điểm thi. Do đó, tình trạng kẹt xe cơ bản được giải quyết.
 
Trong khi đó, các khu vực trọng điểm thường xuyên diễn ra tình trang ùn tắc giao thông như khu vực Bến xe miền Đông, khu vực ngã tư Hàng Xanh, cầu Bình Triệu, đường Kha Vạn Cân, ngã tư Thủ Đức… và nhất là ngay khu vực trước các điểm thi đã không còn diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. 
 
Ghi nhận tại khu vực Thủ Đức, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông túc trực từ 5 giờ sáng, lực lượng sinh viên tình nguyện được tăng cường giữ gìn trật tự, tham gia phân luồng giao thông giúp cho thí sinh, phụ huynh không còn phải chịu cảnh ùn tắc. Nhiều sinh viên còn được các sinh viên tình nguyện đưa đón từ ký túc xá đến điểm thi.

Khiếu nại giám thị bắt thí sinh chép lại bài thi
 
Chiều 4-7, ông Nguyễn Đăng Điền (Đà Nẵng) cha của thí sinh Nguyễn Ngọc Nam, dự thi vào Học viện Hậu cần, đã có đơn khiếu nại Hội đồng coi thi Trường Sĩ quan Thông tin (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Theo ông, trong môn thi Toán, giám thị phòng thi số 041 đã ký nhầm vị trí trên giấy thi khiến tất cả thí sinh trong phòng thi này phải thay giấy để chép lại bài, trong khi chỉ còn 1/3 thời gian.

Theo phản ánh của các thí sinh, lúc phát hiện ký nhầm vị trí, giám thị đã phát lại giấy thi mới và yêu cầu các thí sinh chép lại bài thi. Tất cả các thí sinh đều mất bĩnh tĩnh nên không thể làm hết đề thi, nhiều bạn cũng không đủ thời gian để chép lại bài... Sau sự cố này, rất nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc. Trong đơn, ông Nguyễn Đăng Điền bày tỏ: “Việc nhầm lẫn này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài thi của thí sinh phòng 041, đây là một thiệt thòi lớn, mà lỗi do giám thị gây ra”.
 
Được biết, sau khi kết thúc môn Lý vào chiều 4-7, đại diện Hội đồng coi thi Trường Sĩ quan Thông tin đã mời các phụ huynh vào trường làm việc. Hội đồng thi đã đề nghị các phụ huynh bình tĩnh và cho biết ngày 5-7, sẽ giải quyết vụ việc.

* Đà Nẵng: Nhiều thí sinh ra sớm do không làm được bài

Theo Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, trong buổi thi đầu tiên có hơn 86% thí sinh tham gia dự thi trên tổng số 40.175 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Có 2 thí sinh tại Hội đồng thi trường Lý Công Uẩn và trường ĐH Bách khoa bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi.

Theo ghi nhận của PV SGGPO, trong buổi thi đầu tiên, tại hầu hết các hội đồng thi ở Đà Nẵng, nhiều thí sinh ra khỏi phòng sớm hơn thời gian kết thúc môn thi từ 30-40 phút. Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi môn Toán năm nay hơi khó, nên chỉ làm được khoảng 50-60%.

* Đà Lạt: Tỷ lệ thí sinh dự thi cao

Sáng nay, 4-7, trên 3.000 thí sinh đã tham dự môn Toán của kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Đà Lạt, đạt tỷ lệ 82,57% so với lượng hồ sơ đăng ký. Tiến sĩ Nguyễn Đức Hồ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Đà Lạt cho biết, buổi thi đầu diễn ra an tòan, nghiêm túc, không có bất kỳ trường hợp thí sinh hoặc cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế. 

Sau buổi thi, chùa Vạn Hạnh (Đà Lạt) đã tổ chức phát cơm chay và sữa đậu nành miễn phí cho thí sinh và người nhà ngay tại cổng trường Đại học Đà Lạt.

* Huế: Một thí sinh vào viện mổ ruột thừa 

Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Hà tại Hội đồng thi Đại học Y Dược Huế, số BD: 24251, thi vào khối A- Khoa toán, Trường đại học Sư phạm Huế phải nhập viện mổ ruột thừa vào đêm trước ngày thi. Sáng 4-7, gia đình của Hà vẫn chưa vào kịp, em đành nằm điều trị tại Bệnh viện đại học Y dược Huế một mình, trong túi không còn đồng nào. 

Em Nguyễn Thị Hà tại bệnh viện

Em Nguyễn Thị Hà tại bệnh viện

Hà quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào  thành phố Huế ở cùng phòng trọ của người bạn để đi thi. Hà cho biết, sáng 3-7 em đến hội đồng thi làm thủ tục bình thường về nhà thì thấy đau  bụng. Đến tối thấy đau dữ dội quá nên đến bệnh viện Đại học Y dược Huế khám và phát hiện bị viêm ruột thừa. Ngay trong đêm các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho em. Hà cho biết, khi vào Huế thi, gia đình cho 1,5 triệu đồng. Sau khi chi phí, em còn lại 800 ngàn đồng. Thế nhưng, khi phải phẫu thuật, chi phí mổ ruột thừa nội soi là 1,5 triệu đồng, em đóng hết số tiền còn lại vẫn còn nợ bệnh viện 700 nghìn đồng.

* Quy Nhơn: 2 thí sinh đi cấp cứu trong giờ làm bài

Theo Báo cáo nhanh của Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn, trong buổi thi môn Toán sáng nay, 4-7, có 39.337 thí sinh dự thi, chiếm tỷ lệ 83,72%. Riêng Trường ĐH Quy Nhơn có 13.845 thí sinh dự thi, chiếm tỷ lệ 87,8%. 

Phụ huynh chờ con tại trường ĐH Quy Nhơn

Phụ huynh chờ con tại trường ĐH Quy Nhơn

Trong buổi thi này, tại điểm thi Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) đã lập biên bản đình chỉ thi đối với một thí sinh thi vào Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh do mang điện thoại vào phòng thi.

Đặc biệt, trong sáng nay, cụm thi Quy Nhơn có 2 thí sinh phải đi cấp cứu trong giờ làm bài. Trong đó, thí sinh Đặng Đức Hà (thi vào Trường ĐH Quy Nhơn), thi tại Điểm thi ĐH Quy Nhơn, bị lên cơn đau ruột thừa nên phải đưa đi cấp cứu. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tiến hành mổ cho em Hà ngay trong ngày. Gia đình thí sinh này cho biết, em Hà bị đau ruột thừa đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và đã được chỉ định sẽ mổ vào sáng nay (4-7). Tuy nhiên, em Hà vẫn kiên quyết dự thi nên đã xảy ra sự cố.

Trường hợp thứ hai là em Bùi Thị Ngọc Sướng (thi vào Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), thi tại điểm thi Trường ĐH Quang Trung (Quy Nhơn), bị lên cơn đau tim trong giờ làm bài. Sau khi được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chăm sóc, em Sướng đã trở lại phòng thi.

Kết thúc buổi thi môn Toán, hầu hết các thí sinh dự thi tại Cụm thi Quy Nhơn đều cho rằng đề thi rất khó. Nhiều thí sinh đều khẳng định chỉ làm bài được khoảng 30% đến 40% so với yêu cầu của đề thi. Thí sinh Hồ Văn Ben, học sinh Trường THPT Hùng Vương (Quy Nhơn), dự thi tại điểm thi ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Đề thi yêu cầu rất cao so với chương trình học phổ thông. Em không kịp hoàn thành bài làm. Các câu IV và câu VII a, em không làm được. Quy chế trong phòng thi được các giám thị và thí sinh thực hiện rất nghiêm túc. Nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến việc làm bài của chúng em”.

* Đắc Lắc: Hai thí sinh bị cảnh cáo

Trường Đại học Tây Nguyên (Đắc Lắc) cho biết, trong sáng nay, có 7.801 thí sinh dự thi môn Toán, đạt tỷ lệ 84,4%. Có 2 thí sinh bị cảnh cáo vì mang tài liệu vào phòng thi.

* Quảng ngãi: Chở con đi thi, mẹ bị xe cán chết

Khoảng 5 giờ 15 phút sáng 4-7, tại km 1078 + 500, Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một người chết, 1 người bị thương nặng.

Vào thời điểm trên, bà Lê Thị Bích Liên (43 tuổi, trú thôn Nam Lân, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) điều khiển xe mô tô biển số 76X4- 2847 chở đứa con trai tên Huỳnh Anh Tú (18 tuổi) đi dự buổi thi đầu tiên tại trường Đại học Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi). Khi xe bà Liên đến đoạn đường trên thì bất ngờ va vào mô tô biển số 76HK - 5132 do Phạm Hồng Thạch (28 tuổi), trú thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức điều khiển, hai mẹ con bà bị ngã xuống đường. Đúng lúc đó, xe container biển số 57L- 9078 kéo theo romooc cùng chiều chạy tới, cán bà Liên chết tại chỗ, em Tú bị thương nặng phải chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện.

76,92 % thí sinh dự thi môn Toán

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về môn thi Toán sáng 4-7 cho hay, cả nước có 699.628 thí sinh đến dự thi. So với số thí sinh đến làm thủ tục dự thi hôm qua, sáng nay số thí sinh đến dự thi tăng thêm 19.031 thí sinh so với số thí sinh đến làm thủ tục dự thi (hôm qua có 680.597 thí sinh đến làm thủ tục dự thi). Như vậy, số thí sinh đến dự thi chính thức đạt 76,92% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy, trong đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh  ĐH - CĐ năm nay, có trên 228.900 thí sinh "ảo".

Đánh giá chung của Bộ GD-ĐT về môn Toán cho rằng đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót; không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, không khí trường thi trật tự, an toàn.


Nhóm PV

Video kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Thực hiện: ĐỨC TRỌNG

Ngày thi đầu tiên tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Kỷ luật phòng thi chưa nghiêm ảnh 12

Tin cùng chuyên mục