Nhiều cổ vật bị trộm
Nhiều cổ vật bị trộm có tuổi thọ rất cao, có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc hiếm hoi. Trong thời gian qua, nhiều đình ở tỉnh Bến Tre đã bị trộm viếng.
Đình Phú Lễ (tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) đã bị trộm đột nhập 3 lần, lấy đi nhiều cổ vật có giá trị như chóe, cặp hạc bằng đồng, bàn ghế gỗ, hòm công đức, nhiều đồ thờ cúng bằng đồng và sành sứ.
Đêm 25 rạng sáng 26-5-2016, đình Tiên Thủy (tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) cũng bị trộm lấy đi đôi liễn quý bằng gỗ chạm nổi tứ linh với hoa văn tinh xảo.
Tiếp đó, đêm 28-5-2016, bọn trộm lại ra tay trộm cắp ở đình Bình Hòa (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm). Đây là lần thứ 4 đình này bị trộm viếng, nhưng lần này vụ trộm không trót lọt, những kẻ cắp đã bị nhân dân cảnh giác phát hiện bắt giữ.
Kẻ gian cũng đã đột nhập đình Phú Hựu (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) nhưng bị phát hiện, phải tháo chạy. Thiệt hại do nạn trộm cắp cổ vật không chỉ tính bằng tiền. Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã bị mất cắp đến 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm.
Chùa Nền ở quận Đống Đa (TP Hà Nội) bị mất cắp 1 văn bia cổ, 4 bức tượng, 4 sắc phong. Chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị mất chiếc chuông đồng 103kg và nhiều đồ thờ quý giá khác.
Thủ đoạn tinh vi
Số vụ trộm cổ vật ở đình chùa diễn ra trên phạm vi cả nước với tốc độ ngày càng tăng. Các cổ vật bị đánh cắp thường có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học, mỹ thuật...
Kẻ trộm thường mang cổ vật lấy cắp được bán cho giới chuyên buôn bán cổ vật. Nhìn lại các vụ trộm cắp cổ vật ở đình chùa có thể thấy quy luật: ra tay trộm cắp ở những nơi vắng vẻ, ít người lui tới, nhất là vào ban đêm.
Cổ vật thường dễ bị mất trộm do đơn vị quản lý thường chủ quan cho rằng đồ thờ tự chốn linh thiêng sẽ không kẻ gian nào dám đánh cắp, trong khi thực tế bọn bất lương đâu ngại ngần gì.
Các di tích lịch sử văn hóa đình chùa thường được xây dựng đã lâu nên cổng, cửa, hàng rào, ổ khóa thường sơ sài, không đảm bảo chống trộm. Thủ đoạn của bọn trộm cắp cổ vật ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác của các nhà tu hành để đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu trước khi hành động.
Một số người quản lý đình chùa cả tin khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ, tài trợ của các nhà tài trợ giả danh, đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ bất lương nắm bắt quy luật hoạt động của cơ sở thờ tự, thậm chí còn cho người lạ ngủ nghỉ lại, không trình báo tạm trú với công an địa phương, chính quyền sở tại.
Việc canh gác, bảo vệ cổ vật thường phó mặc cho người cao tuổi, thậm chí họ không được hưởng bất kỳ khoản tiền bồi dưỡng nào về công việc bảo vệ cổ vật quý hiếm. Dù nạn trộm cắp cổ vật hoành hành, nhưng thực tế vẫn có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nơi thờ tự có quy mô lớn, có nhiều cổ vật nhưng không có phương án bảo vệ chu đáo.
Thực tế đòi hỏi các nơi thờ tự và các ngành chức năng liên quan cần quan tâm hơn việc bảo vệ cổ vật, có biệp pháp quản lý tốt hơn, chặt chẽ và cụ thể hơn. Nên tổ chức trực bảo vệ ngày đêm, đi kèm với việc thay mới, lắp đặt các thiết bị bảo vệ an toàn; nâng cao ý thức cảnh giác đối với người lạ đến tham quan, tìm hiểu về cổ vật. Cần có chế độ, chính sách thật cụ thể đối với lực lượng bảo vệ, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ cổ vật hiện có.