Vì nó thể hiện sức mạnh tư duy, ý chí, tình cảm của con người Nam bộ, luôn tiếp thu, cải tiến, sáng tạo không ngừng để tồn tại và phát triển.
Vậy nhưng, một loại hình nghệ thuật vốn tượng trưng cho sự mới mẻ một thời như cải lương đang thoi thóp, ngắc ngoải trong một xã hội mà nền văn minh vật chất đã tiến hơn nhiều so với trước kia! Thực trạng xuống cấp về mọi mặt của cải lương làm cho những ai yêu chuộng và tự hào với thể loại sân khấu này đều suy tư, trăn trở. Làm thế nào để cải lương tồn tại và phát triển? Cải lương là di sản văn hóa của quốc gia. Tuy nhiên, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa gắn kết đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục. Và muốn cải lương tồn tại, cần giải quyết 4 đối tượng liên quan: đội ngũ làm nghề, lực lượng khán giả, cán bộ quản lý và các nhà phê bình nghệ thuật.
Với đội ngũ làm nghề, được xem là chủ thể sáng tạo. Công tác đào tạo đội ngũ này qua việc mở nhiều mã ngành đào tạo từ biên kịch, thanh nhạc, cho tới thiết kế sân khấu cho thấy một xã hội học tập đang dần phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo lại đưa ra một kết quả: Diễn viên không qua được “cái bóng” của những bậc tiền bối. Lý do, diễn viên dễ dãi với nghề, chạy theo mưu sinh; do thiếu rèn luyện nhân cách, thiếu nhiệt huyết, buông xuôi…
Ngoài ra, một trở ngại chính là công tác lý luận phê bình chưa phát triển đúng hướng khi các hoạt động thực tiễn thiếu sự nghiên cứu. Không xem trọng vai trò chuyên gia trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc… Hơn hết, công tác quản lý văn hóa còn nhiều bất cập. Tình trạng buông lỏng, chậm thay đổi phương thức quản lý, việc xét tặng danh hiệu hình thức và cảm tính đều là những vấn đề được đặt ra. Các hoạt động văn hóa dân tộc bị đẩy vào khung giờ “chết” trên sóng truyền hình. Trong khi cơ quan quản lý văn hóa không ngăn ngừa được sự xâm hại của văn hóa nước ngoài, nhập khẩu văn hóa thiếu kiểm duyệt, nhất là trong thời đại Internet phổ biến… cũng góp phần làm nghệ thuật truyền thống thoi thóp, ngắc ngoải.
Để cứu lấy cải lương, để cải lương sống lại giai đoạn hoàng kim, tiếp tục phát huy vai trò, sứ mạng của nó trên tiến trình lịch sử của dân tộc, hãy bắt đầu từ công tác giáo dục - đào tạo. Hãy giáo dục công dân, giáo dục âm nhạc và sân khấu dân tộc, học nhạc cụ, bài bản (ở đây là bài bản nhỏ của nhạc tài tử - cải lương) ở các bậc phổ thông theo hướng từ thấp lên cao. Trên phương diện thông tin và truyền thông, phải xây dựng chuyên mục cố định hàng tuần trên đài truyền hình và phát thanh, mỗi tuần một lần từ 20 giờ đến 22 giờ, bởi đây là thời điểm tốt nhất để người dân thưởng thức nghệ thuật. Mỗi tuần, hãy phát sóng một vở cải lương hay mục “chuyện đời - chuyện nghề” để công chúng có thể tiếp cận nghệ nhân, nghệ sĩ. Với các hoạt động giao lưu - tranh tài, hãy bỏ ngay tư duy tổ chức hội diễn, hội thi để phân phát huy chương, phục vụ cho điều kiện cần và đủ khi xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Hội diễn, hội thi là để kích thích tài năng phát triển, nên phải đổi mới phương thức tổ chức, đội ngũ thẩm định chuyên môn theo hướng nghiêm minh và công bằng.
Riêng về công tác quản lý nhà nước, hãy xác lập lại công tác quản lý chuyên môn qua việc thẩm định chất lượng tổng thể của các đoàn, đơn vị diễn chuyên nghiệp và cấp phép hoạt động. Hãy quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của nghệ sĩ, các đội ngũ cùng làm nghề trên cơ sở tự chủ của các đoàn diễn, đơn vị…
Quy luật vận động của lịch sử một loại hình nghệ thuật là liên tục không ngừng. Diễn trình cải lương suốt 100 năm qua đã chứng minh sự tất yếu của quy luật vận động đó. Giải pháp bao trùm và có tính quyết định vẫn là khẳng định vai trò quản lý như ban hành chính sách đồng bộ, triển khai thực hiện và kiểm tra giám sát công bằng, nghiêm minh của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Phải để làm sao, một loại hình sân khấu đậm đà bản sắc văn hóa vùng mang cốt cách, tâm hồn của con người miền châu thổ có được sức sống trong lòng đất nước và mãi là “báu vật đất phương Nam”.