Nền tảng cho giao thông thông minh

Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ cho đô thị thông minh” do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2018 (WHISE 2018), các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp giao thông thông minh. Tại đây, đại diện các quận - huyện nêu yêu cầu cụ thể cho công tác ứng dụng, triển khai.

Công nghệ phải tương thích với thực tế

Đại diện Tập đoàn Bosch mang đến hội thảo bộ giải pháp tổng thể cho giao thông TPHCM. Trong đó, giải pháp bãi đậu xe thông minh cùng với hệ thống quản lý giao thông thông minh là những điểm nhấn quan trọng.

Với giải pháp bãi đậu xe thông minh, toàn bộ quá trình xe ra vào bãi được giám sát tự động qua hệ thống camera nhận diện biển số với độ chính xác lên tới 95%. Số lượng chỗ trống cũng được phân tích và thông báo hiển thị sớm cho tài xế.

Trong khi đó, hệ thống quản lý giao thông thông minh sẽ kết nối hệ thống camera tại các giao lộ với trung tâm điều hành để phát hiện các lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, hay phát thông báo từ trung tâm điều hành tới các điểm giao thông trong thành phố.

Nền tảng cho giao thông thông minh ảnh 1 Giao thông thông minh là một trong những ứng dụng trong đô thị thông minh 
Theo TS Hà Việt Uyên Synh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM, giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của TPHCM, cần ưu tiên hàng đầu. Trên thế giới đã có nhiều công nghệ, giải pháp giải quyết.

Thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã phát triển giải pháp giám sát thông minh qua hệ thống camera giao thông theo đặc điểm giao thông tại TPHCM. Hệ thống đã được thử nghiệm tại tuyến đường Võ Văn Kiệt và thu được kết quả tích cực. Hệ thống có thể nhận diện phương tiện theo thời gian thực chính xác tới 84% trong điều kiện bất lợi như đông xe hay thiếu sáng.

Ở điều kiện lý tưởng, tỷ lệ này là 94% với tốc độ xử lý khung hình đạt 34 frame/giây. Hệ thống có thể phát hiện hiệu quả các trường hợp xe chạy ngược chiều, dừng đậu sai quy định, cũng như nhận diện biển số xe theo thời gian thực.

Các công nghệ được giới thiệu đều cho thấy sự cần thiết phải đầu tư, nhưng nhấn mạnh sự tương thích với điều kiện thực tế giao thông của TPHCM, nhất là tại các quận, huyện hiện còn nhiều khó khăn về điều kiện đường sá.

Đại diện quận 10 cho biết, nằm trong Đề án “Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”, tới đây thành phố thực hiện đầu tư Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm An toàn thông tin với vốn đầu tư rất lớn, tuy nhiên vấn đề quan trọng là muốn xử lý thông tin thu thập được đòi hỏi phải có quy trình chuẩn.

Còn theo đại diện quận 12, hệ thống giám sát giao thông hiện gặp khó khăn khi tìm nhà cung cấp phần cứng, ở đây là camera, do giá quá cao. Cùng với đó, phải tính đến cơ sở pháp lý cho việc xử phạt qua camera và chuẩn phối hợp xử lý dữ liệu.

Tuân thủ hệ thống nền

Theo các chuyên gia, để đánh giá một thành phố thông minh phải dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực như giao thông, y tế, xây dựng.

Ngoài ra, thành phố thông minh là thành phố có thể sử dụng dữ liệu để cải thiện mức độ hài lòng của cư dân, du khách và lực lượng lao động.

Với những băn khoăn đến từ các quận - huyện, ông Trần Ngọc Du, CEO của Công ty Infosoft, đề xuất: “Cần thống nhất hệ thống nền chứ không thể mỗi quận - huyện một giải pháp. Trong đó, những phần nào theo chuẩn quốc tế thì nên theo. Song song với giải pháp công nghệ cần có chuẩn quản lý hành chính mới tích hợp được”.

Theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thành phố thông minh là khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người nhưng cơ bản đều đề cập tới ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…                     

"Hội thảo là cơ hội tốt để nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp biết rõ nhu cầu của nhau, đặc biệt lần này là ý kiến của đại diện các quận - huyện. Tuy nhiên, thực tế mỗi nơi một nhu cầu. Yêu cầu khác nhau nên cần thống nhất hệ thống nền khi triển khai các ứng dụng. Sở KH-CN sẽ kiến nghị với thành phố, đồng thời tiếp tục phối hợp các bên tìm ra các giải pháp tốt nhất"
GS-TS NGUYỄN KỲ PHÙNG

Từ cuối năm 2017, thành phố đã công bố đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh; nhiều quận - huyện, đơn vị tại thành phố cũng đã ứng dụng hiệu quả các giải pháp thông minh nâng cao chất lượng quản lý công và đời sống người dân.

Tuy nhiên, ông Phùng nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng thành phố thông minh cũng còn nhiều thách thức như thiếu hệ thống phân tích, dự báo hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo thành phố; dữ liệu cũng chưa được chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ, kịp thời. Mới đây, TPHCM mới công bố Kiến trúc về đô thị thông minh làm cơ sở cho việc ứng dụng.

Tin cùng chuyên mục