Nâng cao tiêu chuẩn môi trường đồ gỗ xuất khẩu

Mặc dù ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch trên 7 tỷ USD, nhưng có rất ít người, kể cả các doanh nghiệp chưa hiểu biết đầy đủ các chuẩn mực về an toàn cơ học và các hóa chất độc hại tiềm ẩn trong sản phẩm.

Theo các chuyên gia, chất lượng đồ gỗ hiện nay không chỉ được đánh giá trong phần cứng của sản phẩm mà còn bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm, nguồn gốc gỗ, các loại hóa chất sử dụng trong quá trình chế tác, sự an toàn cho người lao động, trách nhiệm xã hội và môi trường của nhà sản xuất. Khí độc hại có trong keo, dầu, sơn trang trí được xem là các tác nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn về mặt môi trường của sản phẩm gỗ. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú ý đến chất lượng cơ học và mẫu mã của sản phẩm nhưng chưa quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn về môi trường của sản phẩm. Mặt khác, chi phí để kiểm tra hàm lượng khí thải của các sản phẩm đồ gỗ quá cao cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà. Đây là lý do mà các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ mới cạnh tranh được về giá mà chưa thể cạnh tranh về giá trị gia tăng.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty sản xuất hàng xuất khẩu

Phân tích kỹ hơn, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết trong sản phẩm gỗ, tác nhân ảnh hưởng chủ yếu là formaldehyde có trong keo UF và hàm lượng chì trong dầu màu trang sức bề mặt sản phẩm. Khi tiếp xúc với formaldehyde có thể gây dị ứng da, cay mắt, mũi và họng, tiếp xúc ở mức độ cao có thể gây ra một số dạng ung thư. Các nhà nhập khẩu sẽ dựa vào những tiêu chí này để yêu cầu sản phẩm an toàn hơn từ nước xuất khẩu. Do vậy, để sản phẩm đồ gỗ Việt Nam có thể xâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, ngoài việc tuân thủ những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải chú trọng tới vấn đề về nguồn gốc của gỗ, sử dụng gỗ hợp pháp, sử dụng hóa chất ít phát thải chất độc hoặc nằm trong giới hạn cho phép. Ngay tại thị trường Việt Nam, để có thể cạnh tranh, sản phẩm đồ gỗ nội thất và vật liệu xây dựng cũng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh xã hội và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến khía cạnh thân thiện với môi trường của sản phẩm. Ông Derek Massaa, chuyên gia về chất lượng không khí trong nhà chia sẻ, các thị trường khó tính trên đều có tiêu chuẩn cụ thể cho hàm lượng khí thải độc hại, formaldehyde. Tiêu chuẩn này buộc các nhà sản xuất ván sợi, ván dăm, ván ép và người sử dụng gỗ tổng hợp để chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh phải tuân thủ, có sự đánh giá, chứng nhận của bên thứ 3 và lưu giữ hồ sơ. Nhà nhập khẩu, phân phối, nhà bán lẻ cũng phải quan tâm, lưu giữ hồ sơ để giải trình và có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Thế nhưng, hiện ở nước ta, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm tra đến nơi đến chốn. Theo ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục