Nâng cao năng suất chất lượng - Doanh nghiệp cần gì?

Để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động từ 5,6% lên 6,5% và chỉ số đóng góp của năng suất cho các yếu tố tổng hợp (TFP) trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 2016 - 2020) đạt trên 36%, Sở KH-CN TPHCM đã “làm mới” chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo bằng việc sẽ đi theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở đến từ doanh nghiệp tham gia…

Công cụ hỗ trợ cần được liên thông

Tại buổi công bố Chương trình Hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo 2017, nhiều DN khá hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng vào cách làm mới của Sở KH-CN TPHCM. Bởi theo cách làm cũ trước đây là tổ chức đấu thầu các gói hỗ trợ DN. Sau đó, sở sẽ tiến hành tìm kiếm tổ chức tư vấn và mời các DN trên địa bàn tham gia. Song theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP, cách làm này không mang lại sức bật mạnh mẽ vì nhu cầu DN đa dạng, các cơ quan quản lý nhà nước khó lòng nắm bắt hết.

Doanh nghiệp tìm hiểu về Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng do Sở KH-CN TPHCM tổ chức

Do đó, chương trình hỗ trợ năm nay sẽ đi theo định hướng thị trường hơn. Sở sẽ không tuyển chọn nhà tư vấn, không tuyển chọn DN mà để thị trường tự quyết định. Bà Dương Thị Thu, Phó giám đốc Công ty Liksin cho rằng, cách làm của sở mở ra cho các DN được tự do tìm kiếm những đơn vị tư vấn có chuyên môn và thế mạnh riêng, phù hợp với nhu cầu của DN để có những khóa đào tạo chuyên sâu. Quá trình hợp tác này sẽ tốt hơn khi có sự hỗ trợ từ nhà nước. Cũng đồng tình với nhận xét của bà Thu, tuy nhiên vẫn có không ít chuyên gia nêu thực tế rằng, những năm qua cho thấy tính chủ động của DN và sự sẵn sàng của các đơn vị tư vấn trong việc nâng cao năng suất chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, song song với chuyện để DN chủ động, thì nhà nước cũng cần tăng cường truyền thông, ghép nối với các chương trình hỗ trợ DN sẵn có của sở để có tính kích thích cao hơn.

Bên cạnh đó, đại diện các DN cũng đề nghị cần công bố chi tiết, rõ ràng hơn về thủ tục, thời gian hỗ trợ. “Bởi từ khi công bố chương trình hỗ trợ (cuối tháng 2-2017 - PV), chúng tôi phải mất không ít thời gian để hoàn thiện hồ sơ. Nếu tính theo năm, thì thời gian còn lại là quá ngắn để giúp DN đạt chứng nhận ISO”, đại diện một DN phân trần.

Cho rằng quy định của nhà nước là ngân sách năm nào quyết toán năm đó, do đó, ông Nguyễn Việt Dũng gợi ý DN và các đơn vị tư vấn có thể chia nhỏ chương trình huấn luyện DN thành nhiều hợp phần và thực hiện cuốn chiếu từng năm. Quang trọng nhất cần hướng đến vẫn là chất lượng của các gói hỗ trợ, làm sao để DN nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhân rộng mô hình điểm

Cuối năm 2016, được sự tư vấn từ các chuyên gia của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC-HCMC), Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi đã thực hiện các giải pháp cải tạo và thay thế công nghệ mới, như lắp đặt biến tần cho 2 máy nén khí, lắp tôn lấy sáng ở khu vực xưởng chiết bia chai, lắp các đường ống dẫn khí thải các máy nén và bố trí lại các bộ sấy khí. Kết quả kiểm toán năng lượng của ECC-HCMC cho thấy, thông qua các giải pháp nói trên, nhà máy có tiềm năng tiết kiệm điện đến 667,585 kWh/năm, tương đương tiết kiệm khoảng  2,56 tỷ đồng mỗi năm. Theo ECC-HCMC, đây là minh chứng cho việc DN chủ động kết nối đơn vị tư vấn thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, một trong những yếu tố quan trọng giúp DN nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo.

Theo các chuyên gia, bài học từ thập niên chất lượng Việt Nam lần thứ hai (2006 - 2015) đã chỉ rõ, cần tiếp tục triển khai áp dụng ISO 9001: 2008 vào các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN TPHCM đến năm 2020”. Trong dự án này, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các DN, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Để làm được điều đó, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM nhận định, trọng tâm là xây dựng các mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến và hỗ trợ nhân rộng kết quả mô hình điểm tới các DN. Để từ đó, tạo tiền đề xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cùng với chuẩn hóa nguồn nhân lực, để giúp DN TPHCM hội nhập thị trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Mục tiêu của Chương trình Hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo năm 2017 là hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại 3.200 DN thuộc các loại hình khác nhau, ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu như cơ khí, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, hóa - nhựa - cao su, điện - điện tử - công nghệ thông tin, 2 ngành công nghiệp truyền thống là dệt may, da giày và các ngành dịch vụ trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức tư vấn, hỗ trợ 600 DN triển khai xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ về quản trị năng suất chất lượng.

Gia Quảng

Tin cùng chuyên mục