Theo Le Monde, các đảng cũng có bận rộn để lập danh sách tranh cử nhưng dường như đều có ý, nếu không muốn nói là bỏ qua, thì cũng giữ khoảng cách với chủ đề then chốt của EU: nhập cư. Trong khi đó, theo một khảo sát mới công bố hồi đầu tháng, vấn đề di cư tuy giảm nhưng vẫn là mối quan tâm của người châu Âu.
Nghiên cứu được thực hiện ở 14 quốc gia - tương đương 80% số ghế trong Nghị viện châu Âu - được nhóm chuyên gia về quan hệ quốc tế của Hội đồng châu Âu, cho thấy có 14% số người được hỏi coi nhập cư là “mối đe dọa chính đối với EU”. Con số này thấp hơn so với các chủ đề khác như chi phí sinh hoạt ở Pháp (36%), lặp lại phong trào “Áo vàng”, thất nghiệp ở Italy và Tây Ban Nha, vấn đề y tế ở Ba Lan và Hungary. Ở Trung và Nam Âu, người dân bận tâm hơn tới di dân tự nguyện. Cuối cùng, nhập cư chỉ dẫn đầu ở các nước nằm trên tuyến đầu để hứng làn sóng người xin tị nạn 4 năm trước: Đức, Thụy Điển và Áo.
Một số lý do có thể giải thích hiện tượng này. Sau khi phá vỡ kỷ lục vào năm 2015, số lượng người nhập cư đã giảm đáng kể, do các biện pháp của các chính phủ châu Âu áp dụng để kiểm soát biên giới bên ngoài lục địa như: thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác gây tranh cãi với Libya, tăng hoạt động của Frontex, Cơ quan Biên phòng châu Âu… Liên quan đến việc tiếp nhận người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải, EU mới đây đã phải gia hạn thêm 6 tháng chiến dịch Sofia của Lực lượng Hải quân EU trên Địa Trung Hải (EUNAVFOR MED), vốn hết hạn vào ngày 31-3. Chiến dịch Sofia của EUNAVFOR MED được triển khai từ năm 2015 nhằm chống lại hoạt động buôn người ở Địa Trung Hải ngoài khơi Libya.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, gần 2.300 người đã thiệt mạng hồi năm ngoái trên hành trình vượt Địa Trung Hải tìm đường vào châu Âu. Trong năm 2015, đã có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đến châu Âu, thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng di cư. Con số này đã giảm xuống còn hơn 140.000 người trong năm 2018. Bất đồng giữa các nước EU xuất phát từ việc Italy kiên quyết không cho phép tàu cứu người di cư trên biển cập cảng nước này, đồng thời muốn các nước EU khác chia sẻ gánh nặng trên với Rome và giải quyết yêu cầu xin tị nạn của những người này ngay khi đặt chân lên đất liền. Trong khi đó, các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp và Đức chưa có dấu hiệu sẵn sàng tiếp nhận thêm người di cư.
Rõ ràng, vấn đề nhạy cảm này vẫn khiến các nước thành viên EU lúng túng. Brussels đến nay vẫn chưa thiết lập một chính sách nhập cư hoặc tị nạn chung. Dù bước ngoặt sau bầu cử là gì, vấn đề di cư sẽ vẫn là một trong những ưu tiên chính của các nhà lãnh đạo châu Âu, trong bối cảnh các nước EU chưa thể đoàn kết để cùng nhau quản lý một vấn tập thể. Tuy lần này, các bên cam kết không biến các cuộc gặp của EU thành một “cuộc trưng cầu dân ý” chống lại nhập cư nhưng tình hình vẫn có thể thay đổi. Nếu không nhân cơ hội thuận lợi này để sớm tìm được tiếng nói chung, nguy cơ “cờ” đến tay các đảng cực hữu là hoàn toàn có thể, nhất là sau khi các đảng này đã kiếm được khá nhiều lá phiếu nhờ khai thác thành công cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.