Trung tâm của cách mạng 4.0 là số hóa toàn bộ quy trình từ thiết kế cho đến sản xuất, sử dụng các hệ thống không gian mạng, bao gồm các mạng lưới cảm biến, máy móc và các hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến. Những hệ thống tinh vi này là “chìa khóa” tăng năng suất, hiệu quả lao động ở mức độ cao và đang làm thay đổi châu Á. Đồng thời, tạo ra một làn sóng cạnh tranh mới giữa các nước, vì nếu thích ứng phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, đây sẽ là chìa khóa mở cho tăng trưởng năng suất từ 30%-40%. Đã có nhận định cho rằng, để tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, các nước ASEAN phải chuẩn bị nền tảng kỹ thuật số thích ứng để đón đầu các làn sóng từ cách mạng công nghiệp 4.0. Được xem là điểm sáng trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Indonesia đã có kế hoạch tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng tốc phát triển nền kinh tế quốc gia.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực là chìa khóa để đi đến thành công trong cuộc cách mạng 4.0. Điều đó hoàn toàn phù hợp với kế hoạch “Making Indonesia 4.0”, nhằm đưa nước này lọt vào tốp 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Bộ Công nghiệp Indonesia sẽ tiếp tục tìm kiếm sức mạnh tổng hợp của tất cả các ngành nghề liên quan bên cạnh việc tích cực hợp tác với các tổ chức Fraunhofer, JICA, JETRO, AT Kearney như hiện nay... Bộ trưởng Hartarto cũng bày tỏ lạc quan do Indonesia có rất nhiều thuận lợi trong những năm tới khi 70% dân số thuộc nhóm tuổi lao động sẽ đóng vai trò thúc đẩy tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện việc thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp đã bước vào giai đoạn thứ 6 tại tỉnh Jambi, Bengkulu, Nam Sumatra, Bangka-Belitung và Lampung. Các giai đoạn trước đã được thực hiện ở Đông Java, Trung Java và Yogyakarta, Tây Java, phía Bắc Sumatra, Jakarta và Banten. Trong thời gian tới, Chính phủ Indonesia sẽ ban hành chính sách cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo nghề, tài trợ đào tạo và hỗ trợ cho những người lao động bị sa thải. Hiện trong số 128 triệu công nhân Indonesia có 60% có trình độ học vấn bậc tiểu học hoặc trung học. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã trở thành mục tiêu quan trọng mà Chính phủ Indonesia cần phải thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Là người khởi xướng kế hoạch Making Indonesia 4.0, Tổng thống Indonesia Joko Widodo xác định đây là chương trình nghị sự quốc gia hàng đầu của Indonesia, vì thế, mọi nguồn lực và ưu tiên đều được tập trung để thúc đẩy kế hoạch. Mục tiêu của Chính phủ Indonesia là tạo thêm 10 triệu việc làm trong năm 2030. Ông Joko Widodo cho rằng việc chuyển đổi nhanh chóng và sâu rộng nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo thêm việc làm mới mà còn thúc đẩy tăng tưởng kinh tế tại quốc gia này. Điều quan trọng hơn mà nhà lãnh đạo Indonesia muốn hướng tới khi thúc đẩy kế hoạch là bảo đảm những thành quả phát triển kinh tế sẽ được chia sẻ tới tất cả các tầng lớp xã hội, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi các công ty lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác để triển khai kế hoạch.