Năm 2020-2021, thiệt hại do đại dịch tương đương 37 tỷ USD

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhận định: Nếu năm 2020-2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%, nhưng trong năm 2021, dự kiến chỉ tăng 2,5%. Nếu tính toán thiệt hại trong năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Tại cuộc tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cuối buổi sáng 5-12, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ ngay trong năm 2021 phải đề xuất ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ tài khóa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Năm 2020-2021, thiệt hại do đại dịch tương đương 37 tỷ USD ảnh 1 Phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra cuối buổi sáng 5-12

“Với tinh thần vào việc từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội làm việc với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung cơ sở thực tiễn và khoa học, đưa ra gói hỗ trợ này cho phù hợp”, ông Thanh cho biết.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, gói hỗ trợ cần tập trung cả phía cung và phía cầu, phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách vĩ mô, đủ lớn và có trọng tâm để tạo ra cú hích và tạo sự thay đối cho nền kinh tế nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí. Thời gian thực hiện dự kiến là 2 năm, trong đó năm 2022 là để phục hồi kinh tế và năm 2023 để kích thích phát triển.

Yêu cầu cốt lõi là phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Có thể trong giai đoạn nhất định thì một số chỉ tiêu có thể thay đổi, song phải cân đối khả năng vay - trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, phải công khai minh bạch; đồng thời phải có cơ chế giám sát để phòng, chống tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm.

Theo chương trình dự kiến, trong phiên họp thứ 6, chiều 8-12 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu đủ điều kiện, nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường vào cuối năm nay.

Thảo luận về giải pháp phục hồi kinh tế trong khuôn khổ toạ đàm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, nhận định, nếu năm 2020-2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%, nhưng trong năm 2021 dự kiến chỉ tăng 2,5%. Nếu tính toán thiệt hại trong năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Năm 2020-2021, thiệt hại do đại dịch tương đương 37 tỷ USD ảnh 2 Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: QUANG PHÚC

Để phục hồi và phát triển kinh tế, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng là điều kiện tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư công nghệ số. Khuyến khích tiêu dùng nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư. Chính vì vậy, việc khai thác thị trường trong nước cần chú trọng sản xuất hàng tiêu dùng thay vì nhập khẩu như hiện nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để gieo kỳ vọng, niềm tin cho nhà đầu tư trong nước. Khi xuất khẩu cao, đầu tư tăng, mặc dù kinh tế khó khăn thì niềm tin giới đầu tư và khả năng phục hồi sẽ nhanh chóng…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, bên cạnh giành thế chủ động bằng đầu tư công, Việt Nam cũng cần chú ý hạ lãi suất ngân hàng, tái lập hệ thống lao động đóng vai trò quyết định; cần có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất bằng hỗ trợ chi phí phòng, chữa bệnh, hỗ trợ chi phí nhà ở, trợ cấp công nhân... cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục