Cuộc chiến thương mại?
Theo biểu đồ nhập khẩu thép 2017, Mỹ đang nhập thép từ hơn 100 quốc gia. Nhưng 3/4 số này đến từ 8 nước, trong đó cao nhất là Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật và Đức. Trung Quốc không nằm trong danh sách 8 nước này, nhưng lại là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Phía Mỹ cho rằng, thép của Trung Quốc đã qua nước thứ 3 trước khi tới Mỹ. Vì vậy, trước kia, Mỹ áp thuế nhập thép đến từ từng nước, nhưng với đề xuất mới, tất cả thép nhập khẩu vào Mỹ đều chịu thuế 25%, nhôm 10%. Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì trước quyết định này?
Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Minh Long, Đại học Quốc gia TPHCM, mức độ ảnh hưởng thực tế sẽ không quá nghiêm trọng do Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt, thép của Việt Nam. Theo ông Long, việc áp thuế thép và nhôm nhập khẩu này có nguy cơ tạo ra một cuộc chiến thương mại mậu dịch giữa Mỹ và 12 nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam. Trong quyết định này, phía Mỹ cũng bỏ ngỏ nội dung sẽ cấp miễn trừ cho các nước trong trường hợp các sản phẩm thép và nhôm sản xuất tại Mỹ với lượng không đáp ứng được nhu cầu, hoặc chất lượng không đảm bảo, hoặc theo các điều kiện cụ thể về an ninh quốc gia.
Ứng phó trước quyết định của Mỹ, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết đang cùng các doanh nghiệp (DN) thảo luận và sớm có thư gửi Bộ Thương mại Mỹ. Hiện đang trong quá trình thu thập thông tin và sắp tới sẽ thông qua Chính phủ để có những ý kiến với Mỹ, yêu cầu dừng áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam. Đồng thời, VSA cũng đề nghị Bộ Công thương có phản ứng kịp thời và sau đó sẽ gửi thư cho Chính phủ đề nghị có biện pháp hỗ trợ. VSA và các DN cũng cân nhắc việc kiện Mỹ ra WTO nếu việc tham vấn và hòa giải về mức thuế không đạt được kết quả.
Áp dụng biện pháp miễn trừ
Còn một giải pháp khác, đó là ngành thép và nhôm Việt Nam nên quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%), thay vì khởi kiện. Bởi căn cứ các quy định trong WTO, quyết định nói trên của Chính phủ Mỹ được thực thi mà không có rào cản hay dấu hiệu vi phạm. Theo quy định của WTO, ngoài các điều khoản có thể áp thuế là kết quả của việc phòng vệ thương mại (chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ thương mại) thì còn có điều khoản ngoại lệ, cho phép các quốc gia thành viên dựng hàng rào thương mại, áp thuế cao, nếu hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Một ưu thế khác, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam hiện đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa), do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động. Dự báo của VSA, năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%. Điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, giúp tránh được ý kiến cho rằng xuất khẩu thay cho Trung Quốc, từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ. Trước đó, trong văn bản gửi tới Bộ Thương mại Mỹ, VSA cho biết, trước đây Việt Nam phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc khi chưa có nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng.
Còn hiện nay, các DN Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản. “Như vậy, điều quan trọng là Việt Nam phải chứng minh được từ năm 2018 này đã có thể sản xuất đủ số lượng thép cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép khác, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ 100% Việt Nam.
Đồng thời, cung cấp bằng chứng để phản hồi lại thông tin cho rằng 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác. Từ đó, đề nghị phía Mỹ áp dụng nội dung miễn trừ đối với biện pháp tăng thuế nhập khẩu mặt hàng thép và nhôm của Việt Nam”, TS Trần Minh Long đề nghị.
Mỹ bổ sung nội dung miễn trừ và hoãn áp thuế với một số nước
Bộ Công thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành quy định tạm thời bổ sung nội dung miễn trừ đối với biện pháp tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm, theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại 1962. Theo đó, DOC bổ sung thêm 2 nội dung chính gồm: Xây dựng quy trình để các bên liên quan tại Mỹ có thể yêu cầu được miễn trừ khỏi biện pháp; Xây dựng quy trình để các bên liên quan có thể phản đối các yêu cầu miễn trừ. Quy trình trong “quy định tạm thời” này tách biệt với quy trình xin hưởng miễn trừ theo từng quốc gia được quy định trong Tuyên bố của Tổng thống Mỹ trước đó. Quy định tạm thời này có hiệu lực từ ngày 19-3.
Ngoài ra, Mỹ vừa có thông báo quyết định hoãn áp mức thuế nhập khẩu thép và nhôm mới đến ngày 1-5, dành cho các đối tác thương mại thuộc thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác như Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Lý do, đây là các nước có quan hệ an ninh quan trọng với Mỹ. Do đó, phía Mỹ đang trao đổi với những nước này để tìm kiếm các giải pháp thay thế. Trong thời gian thảo luận này, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu nhôm và thép mới sẽ được tạm hoãn.