Mưa, lũ tại miền núi phía Bắc: 13 người chết, mất tích và bị thương

Tối 24-6, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có báo cáo tổng hợp thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu. Theo đó đã có 5 người thiệt mạng (Hà Giang 2 người và Lai Châu 3 người), 3 người ở Lai Châu mất tích và 5 người khác bị thương. 
Nước sông Lô ở TP Hà Giang dâng cao chiều 24-6 do các thủy điện thượng nguồn xả lũ
Nước sông Lô ở TP Hà Giang dâng cao chiều 24-6 do các thủy điện thượng nguồn xả lũ

Về vật chất, có 280 ngôi nhà ở Hà Giang, Lai Châu và Thái Nguyên bị thiệt hại; 1 trường học, 2 nhà văn hóa ở Hà Giang bị ngập lụt, hư hỏng; gần 300ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Mưa, lũ lớn

Ngày 24-6, rãnh áp thấp đã gây mưa lớn trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Hà Giang, mưa to kéo dài từ đêm 22-6 đến ngày 24-6 đã làm nước lũ sông Lô, sông Miện dâng cao tràn vào nhiều khu dân cư nằm dọc hai bên sông Lô tại TP Hà Giang, đồng thời làm sạt lở nặng nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ từ TP Hà Giang đi các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ - Yên Minh…

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Giang, tại TP Hà Giang đã có lượng mưa 89mm, tại huyện Bắc Quang 219mm, tại xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) 101mm. Mưa lũ lớn nên các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200 - 1.300m3/giây. Vì vậy, chiều 24-6, mực nước lũ trên sông Lô tại TP Hà Giang lên mức 104m, vượt báo động 3.

Theo số liệu cập nhật đến chiều 24-6 từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, mưa lũ lớn trên địa bàn đã làm ít nhất 3 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương.

Các nạn nhân bị thiệt mạng là ông Hà Văn Chương, 48 tuổi, ở bản Noong Thăng, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên; ông Phùng Ná Nhì, 80 tuổi, ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và ông Lầu Chờ Sát, sinh năm 1955, ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ. Các nạn nhân thiệt mạng đều do bất cẩn khi đi làm nương hoặc ở nhà bị sạt lở đất đá đè chết.

3 nạn nhân mất tích là bà Lò Thị Òng, 60 tuổi, bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; ông Dương Ngọc Hưng, 58 tuổi (trú tại thành phố Lai Châu) là chủ trại cá nước lạnh tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và ông Ly Pờ Ti, bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn.

Ngoài ra, có 5 người khác bị thương ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên do đất sạt lở vào nhà. Hiện các nạn nhân đang được điều trị tại gia đình, trạm y tế xã và bệnh viện huyện.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, cho biết nơi xảy ra mưa to và thiệt hại nhất là 2 huyện Than Uyên và Mường Tè. Mưa lũ đã cuốn trôi một cây cầu ở xã Phúc Than - Than Uyên; hơn 40ha lúa, hoa màu tại huyện Mường Tè bị ngập. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 20 tỷ đồng.

Các tuyến quốc lộ đến Lai Châu bị ách tắc nghiêm trọng. Lực lượng cứu hộ ở Lai Châu đã nỗ lực thông tuyến quốc lộ 32. Đường quốc lộ 4D từ Lai Châu đi Sa Pa (Lào Cai) dự kiến sẽ thông trở lại vào ngày 25-6. Hai huyện Mường Tè, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu vẫn bị cô lập, tuyến đường sang Điện Biên cũng trong tình trạng tương tự. Tại tỉnh Lào Cai, 2 huyện Sa Pa và Văn Bàn cũng có lũ lớn. Hàng trăm hécta hoa màu bị ngập úng. Quốc lộ 279 từ huyện Văn Bàn (Lào Cai) sang huyện Than Uyên (Lai Châu) bị tê liệt do sạt lở.

Mưa, lũ tại miền núi phía Bắc: 13 người chết, mất tích và bị thương ảnh 1 Các khu vực bị sạt lở nặng trên quốc lộ 4D từ TP Hà Giang đi 4 huyện ở cao nguyên đá Đồng Văn ngày 24-6
Thời tiết phức tạp những ngày tới

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam đi qua Bắc bộ kết hợp với xoáy thấp phát triển lên tới độ cao 5.000m trên khu vực vùng núi phía Bắc nước ta sẽ còn gây mưa to đến ngày 26-6, có nơi mưa rất to (thời gian mưa to tập trung vào đêm và sáng). Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

Trong khi đó, nắng nóng vẫn đang xảy ra ở các tỉnh ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ với nền nhiệt độ cao nhất lên tới 37°C, trọng tâm là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… Mặc dù hiện vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động yếu dần, nhưng hiệu ứng gió phơn vẫn còn duy trì trên khu vực miền Trung. Vì vậy, ngày 25-6, nắng nóng vẫn tiếp tục xuất hiện diện rộng ở các tỉnh ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, nền nhiệt cao nhất lên hơn 37°C

Theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó

Khẩn trương khôi phục giao thông khu vực Tây Bắc sau mưa lũ

Ngày 24-6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến chiều 24-6, 2 tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề là quốc lộ 279 và 4D đã được thông, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm sạt lở nhỏ trên tuyến nên các phương tiện phải lưu thông với tốc độ chậm. Nếu ngừng mưa, công tác khắc phục sẽ được triển khai nhanh để khôi phục giao thông trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, tất cả các tuyến quốc lộ khu vực Tây Bắc sẽ được thông xe tạm thời từ ngày 25-6.

BÍCH QUYÊN

Do tình hình mưa lũ đầu mùa ở miền Bắc diễn biến phức tạp, chiều 24-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh và các bộ ngành liên quan yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đang có lũ lớn, diễn biến sạt lở.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo, đây là đợt mưa lũ lớn đầu mùa, đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản tại Lai Châu, Hà Giang. Vì vậy, các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò để hướng dẫn người, phương tiện qua lại…

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ; đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình; rà soát việc chuẩn bị theo “phương châm 4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ. 

Công điện nêu rõ: Từ đêm 23-6, ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ lớn đầu mùa đã gây sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang, một số người hiện còn đang mất tích. 

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. 

Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng tránh. 

Tin cùng chuyên mục