Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Thừa Thiên - Huế) và Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà (Bắc Ninh) luôn sát cánh trong đời binh nghiệp. Khi trở về cuộc sống đời thường, hai vị Đại tướng ở cùng khu nhà số 5A Hoàng Diệu (Hà Nội). Trong niềm thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Phạm Văn Trà đã chia sẻ những cảm xúc của mình.
I
Đại tướng Lê Đức Anh đã công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến từng bước lên chính quy hiện đại. Trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.
Là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ông có nhiều đóng góp hết sức to lớn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, năm 1982, ông nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia. Năm 1984, ông được phong quân hàm Đại tướng, sau đó giữ các trọng trách: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 12-1986 đến 1991). Ông được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992-1997.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào mà vẫn chiến thắng kẻ thù. Trong 3 cuộc chiến tranh, đồng chí Lê Đức Anh đều ở chiến trường: trong chống Pháp thì ở Đông Nam bộ, trong chống Mỹ thì ở Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; chiến tranh biên giới Tây Nam đồng chí là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Dấu ấn lớn nhất của đồng chí Lê Đức Anh là có tầm nhìn rất sâu về chiến lược, bao giờ cũng dự đoán trước tình hình, nên khi tình hình đến thì không bị động, mà chủ động ứng phó được ngay và đều có kết quả tốt. Đó là tầm cỡ của Tướng Lê Đức Anh.
Thời điểm 30-4-1977, chiến trường Tây Nam phức tạp, đồng chí về làm Tư lệnh Quân khu 9. Sau hòa bình, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số rất nhiều, nhưng riêng đồng chí về quân khu 9 thì lại thành lập sư 30 và chọn trung đoàn đánh tốt trong thời kỳ chống Mỹ để giữ lại, kể cả anh em miền Bắc đồng chí cũng giữ lại không cho ra quân, nên giữ được chất chiến đấu. Khi quân Pol Pot đánh sang thì sư 30 chiến đấu rất hiệu quả. Điều đó chứng tỏ đồng chí đã nắm trước được tính hình nên đã chuẩn bị trước mấy năm, khi quân khu 9 bị Pol Pot đánh thì không bị động, đánh lại được ngay và giữ được biên giới.
Một cái hay nữa là đồng chí đi sát chiến trường lắm, biên giới ác liệt nhưng ở đâu đồng chí cũng đến, kể cả chiến trường sát Thái Lan, đồng chí đều đến và hướng dẫn, chỉ đạo xử lý tình huống cụ thể. Tướng sát chiến trường thì thương vong của người lính đỡ đi. Nhiều chỉ đạo của đồng chí đã giúp bộ đội ta thực hiện tốt.
Khi đồng chí là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia thì tôi là Sư trưởng Sư 30 của quân khu 9. Khi giải phóng tuyến biên giới Camphuchia - Thái Lan thì đồng chí chỉ đạo chặn tuyến biên giới, không cho Pol Pot tràn sang, khóa được biên giới từ năm 1980-1987, nhờ đó biên giới Camphuchia - Thái Lan dần êm, Pol Pot tan rã dần. Khi bạn đứng vững thì biên giới ổn định. Điều đó thể hiện tầm nhìn rất sâu của đồng chí.
II
Năm 1990-1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ, đồng chí đã gọi Tư lệnh các quân khu lên, lúc đó tôi là Tư lệnh Quân khu 3. Anh ấy chỉ nói một câu: phải hết sức theo dõi tình hình Liên Xô, nếu Liên Xô đổ thì thế giới sẽ có biến động rất lớn, các nước XHCN có thể mất, nên Việt Nam phải hết sức chú ý. Anh chỉ đạo, nếu Liên Xô đổ thì tất cả quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật, có lệnh của Bộ Quốc phòng thì mới được hành động.
Vì thế, khi Liên Xô sụp đổ thì chúng tôi không bị hẫng nữa, vì đã được anh báo trước 6 tháng. Quân đội Việt Nam lúc đó rất vững vàng, giữ vững lòng trung thành với Đảng, với đất nước để giữ vững chế độ, nhờ đó Việt Nam không bị xáo trộn. Nếu lúc đó quân đội không vững vàng, rối ren thì sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Nhất là trong TPHCM, Tư lệnh Quân khu 7 đã nắm chắc tình hình từ anh Lê Đức Anh, nên khi bọn xấu treo cờ ba sọc chạy khắp TPHCM nói Liên Xô đổ thì Việt Nam sẽ đổ... thì đã được Quân khu 7 xử lý, tình hình ổn định trở lại. Chúng ta đều thấy, quân đội ổn định, vững vàng thì đất nước sẽ ổn định. Công của anh Lê Đức Anh là rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự cho đất nước thời điểm bấy giờ.
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, anh lên Hà Giang nửa tháng, sau khi về thì gọi các Tư lệnh quân khu lên và nói rằng, nếu cứ đánh thế này thì không được, chúng ta bắn 1 phát thì địch bắn 2 phát, cứ thương vong kéo dài, không giải quyết được cục diện. Vì vậy, anh yêu cầu chúng tôi tính lại. Đồng chí nói Trung Quốc là nước lớn, lại có công giúp ta đánh Pháp, đánh Mỹ nên Việt Nam phải xử sự thế nào để ổn định tình hình và đề nghị khi bắn pháo sang thì bắn pháo truyền đơn, nói rõ nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ, mục đích nhằm làm hòa dịu tình hình.
Quả nhiên một thời gian thì bên kia không bắn pháo sang nữa, tình hình ổn dần, sau đó đồng chí cho rút quân, hai bên hòa hoãn dần, ngồi lại để giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước. Vì vậy, trong chiến tranh biên giới phía Bắc, công của đồng chí Lê Đức Anh rất lớn.
III
Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn có tư tưởng đổi mới. Trong thời bình, đồng chí luôn có quan điểm xây dựng mối quan hệ với nước ngoài cho tốt, xây dựng quan hệ với các nước anh em thật tốt, để làm sao đất nước mãi mãi hòa bình. Khi tôi sang Mỹ, đồng chí cũng dặn: về nguyên tắc mình phải giữ độc lập tự chủ, nhưng cũng có những lúc, mình cũng phải nói thẳng với họ để họ biết rằng, Việt Nam luôn luôn muốn giữ hòa bình với thế giới.
Đồng chí dặn, với tù binh, đây là vấn đề nhân đạo, không phải vấn đề chính trị, Việt Nam sẽ giúp Mỹ tìm được hài cốt lính Mỹ chết ở Việt Nam, đây là tình nhân đạo của Việt Nam, không đặt vấn đề đền bù. Khi tôi nói điều này, người Mỹ họ rất thích.
Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho đất nước, cho Đảng. Năm 1992, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và là người đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều năm gắn bó với đồng chí, tôi nhận thấy, trong cuộc sống gia đình, đồng chí không bao giờ can dự vào vị trí công việc của các con mà để con tự phát triển theo năng lực của bản thân. Đồng chí là một tướng lĩnh giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, luôn đoán được trước tình hình, là một người mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình.