Cả nước có hơn 500.000 hộ tham gia giữ rừng

Ngày 24-3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đồng chủ trì hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững sau 5 năm triển khai”.

(SGGP).- Ngày 24-3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đồng chủ trì hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững sau 5 năm triển khai”.

Các đại biểu đã thống nhất cao với nhận định, chi trả dịch vụ môi trường rừng là xu hướng tất yếu để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu. Đến nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã triển khai được 5 năm, bình quân mỗi năm thu tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 1.300 tỷ đồng. Số tiền chi trả cho các chủ rừng trong giai đoạn 2011 - 2015 là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý, bảo vệ 5,87 triệu hécta rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Ảnh: VGP

Nhờ xã hội hóa, diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm từ 58,2% (giai đoạn 2006 - 2010) xuống còn 32,9% (giai đoạn 2011 - 2016). Hiện cả nước có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua hình thức trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán. Số tiền này sẽ tiếp tục tăng thêm khi Nghị định của Chính phủ về sửa đổi bổ sung các bên cung ứng, sử dụng dịch vụ môi trường rừng được áp dụng. Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sớm trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục