Phát triển cửa hàng tiện lợi để hạn chế lấn chiếm vỉa hè buôn bán

Ngày 18-3, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết, huyện đang thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự vỉa hè, lòng lề đường.

(SGGPO).- Ngày 18-3, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết, huyện đang thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự vỉa hè, lòng lề đường.

Số người chết vì TNGT tại Bình Chánh cao nhất nước

Trong buổi triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông và công tác bảo đảm trật tự vỉa hè, lòng lề đường năm 2017 vào sáng 18-3, UBND huyện Bình Chánh cho biết, trong năm 2016, trên địa bàn huyện xảy ra 115 vụ tai nạn giao thông (TNGT), khiến 115 người chết và 10 người bị thương. So với cùng kỳ 2015, số vụ TNGT tăng hơn 30%, số người chết tăng 32%. Tình trạng vỉa hè, lòng, lề đường bị tái lấn chiếm vẫn diễn ra; chợ tự phát tiếp diễn ở các khu vực nhà máy, xí nghiệp, khu vực đông dân cư.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM đánh giá, trong các quận, huyện khắp cả nước, chỉ có huyện Bình Chánh có số người chết vì TNGT vượt trên 100 người, cụ thể là 115 người chết trong năm 2016 (chiếm hơn 1/8 tổng số người chết vì TNGT của TPHCM). Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, nguyên nhân có chủ quan, có khách quan song huyện cần tập trung chỉ đạo, đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì đây là vấn đề bức xúc. Và trách nhiệm không ai khác là người đứng đầu: Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và Trưởng Công an huyện Bình Chánh.

Các xã, thị trấn huyện Bình Chánh ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường năm 2017. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM phân tích, 90% TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt, trong 115 người chết vì TNGT nói trên, có 42 người có liên quan đến rượu bia. Ông Nguyễn Ngọc Tường đề nghị, huyện cần đi mạnh vào tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền sao cho ngắn gọn, dễ hiểu để đến từng nhóm đối tượng học sinh, công nhân, người dân trên địa bàn dân cư…

Bên cạnh ý thức kém của người tham gia giao thông, một vấn đề kèm theo cần quan tâm là hạ tầng giao thông. Lưu ý 4 tuyến đường có trên 10 người chết vì TNGT là Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Nguyễn Văn Linh  và Trần Văn Giàu, ông Nguyễn Ngọc Tường đề nghị huyện Bình Chánh cần tuần tra kiểm tra lại và có trách nhiệm khắc phục các hạn chế. “Không để xảy ra TNGT do ổ gà, thiếu đèn tín hiệu, biển báo… “ ông Nguyễn Ngọc Tường lưu ý.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, Bình Chánh là huyện cửa ngõ nên lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông qua địa bàn đông. Hạ tầng kỹ thuật 822 tuyến đường (chiếm 85% tổng số tuyến đường trong huyện) còn chưa hoàn chỉnh, chưa có vỉa hè. Nhiều tuyến đường như Vĩnh Lộc, Đinh Đức Thiện, Quốc lộ 50 đường quá nhỏ, chật hẹp so với lưu lượng phương tiện, không đủ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Một số tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp theo các tuyến đường đê bao thủy lợi hoặc đường làng nên mặt đường chỉ vừa 2 làn xe lưu thông, mỗi khi các phương tiện giao thông tránh vượt dễ va chạm xảy ra TNGT.

Trong khi đó, ý thức người dân tuân thủ quy định khi tham gia giao thông còn hạn chế. Hiện nay, nhiều chợ truyền thống được quy hoạch xây dựng sát với các tuyến đường có mật độ giao thông cao, không có khoảng lùi nên các hộ kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Mạng lưới cửa hàng tiện lợi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là khu vực đông dân cư nên các chợ tự phát mọc lên.

Cho thôi việc cán bộ không làm được việc, tiêu cực

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh: năm 2017, huyện phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2016 (cao hơn 5% so với mức chung TP đề nghị là 5%); không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; không để phát sinh “điểm đen” về TNGT; giảm số vụ, số điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông; tạo đường thông, vỉa hè thoáng, đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tạo vẻ mỹ quan đô thị trên địa bàn huyện.

Nhằm duy trì ổn định trật tự đô thị, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ nêu ra nhiều giải pháp. Trọng tâm năm 2017, huyện lấy phương châm tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm chính. Việc tuyên truyền được đưa tới công nhân trong khu công nghiệp, nhà trọ, người kinh doanh vận tải, lái xe và người điều khiển phương tiện cá nhân; tuyên truyền tới từng hộ dân, hộ kinh doanh buôn bán để nâng cao nhận thức, ý thức không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

Các hộ dân, hộ kinh doanh, buôn bán sẽ ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường và được cho một khoảng thời gian để tự tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè, xây dựng không phép. Sau đó, huyện kiểm tra 3 lần và lần thứ 3 sẽ xử lý nghiêm các trường hợp hộ dân, hộ kinh doanh, buôn bán không thực hiện đúng cam kết. Huyện củng cố hoạt động của đội trật tự đô thị, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những cán bộ có hành vi tiêu cực.

Về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đoàn viên, hội viên phải nêu gương đi đầu không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Huyện đưa tiêu chí quản lý trật tự lòng, lề đường vào tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cán bộ thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Đi đôi với siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, huyện chú trọng tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; khắc phục kịp thời các “điểm đen”, vị trí mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, huyện quy hoạch lại và khuyến khích đầu tư các cửa hàng tiện lợi tại khu vực đông công nhân để tổ chức chợ phiên, hỗ trợ di dời và tái bố trí cho người dân buôn bán tại các chợ tự phát. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các quầy hàng buôn bán của các chợ truyền thống thường xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, đưa các đơn vị bán hàng bình ổn vào chợ truyền thống để thay thế dần các trường hợp buôn bán lấn chiếm; kết hợp tổ chức lại khu vực mặt tiền các chợ có đủ điều kiện để tạo dải cây xanh cách ly, bố trí khu vực đậu xe cho người dân đi chợ. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục