Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông “vun” và “giãn” dân

Sáng nay 15-3, Báo SGGP tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông “vun” và “giãn” dân. Phó Tổng biên tập Lê Tiền Tuyến chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự có lãnh đạo các sở và các chuyên gia về quy hoạch, giao thông.

(SGGPO).- Sáng nay 15-3, Báo SGGP tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông “vun” và “giãn” dân. Phó Tổng biên tập Lê Tiền Tuyến chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự có lãnh đạo các sở và các chuyên gia về quy hoạch, giao thông.

Phó Tổng biên tập Lê Tiền Tuyến chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

Mở đầu buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến nhấn mạnh: Đây là những vấn đề lớn mà TPHCM cần làm và tất cả chúng ta góp sức cùng nhau làm. Trên tinh thần đó, mong các lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp có ý kiến đóng góp phản biện hiến kế để tọa đàm có kết quả thực chất. Chống ùn tắc giao thông báo SGGP đã có loạt bài phản ảnh mang tính chất điều tra với chủ đề: “Cần đột phá về quản lý và tổ chức thực hiện”. Trung ương và TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện các giải pháp đó như thế nào? Thời gian qua, TPHCM đã quyết liệt trong việc lấy lại vỉa hè cho người dân, không chỉ ở thành phố mà nay đã lan ra khắp cả nước.

Về cấu trúc đô thị chưa hợp lý, mong muốn lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp có ý kiến về việc này. Chúng ta tự hào thành phố trên 10 triệu dân nhưng người dân sống như thế nào? Thực tế hiện nay nhà cao tầng xem kẻ nhà dân cư, các trục đường chính nhà cao tầng mọc lên dày đặt gây ùn tắc và rất khó cho công tác tổ chức vận tải công cộng. Đô thị vệ tinh được đặt ra từ lâu nhưng đến nay thực hiện ra sao? Quyết liệt hay từ tốn và chắp vá…? Trước đây, TPHCM được ví như Hòn ngọc Viễn Đông chỉ có 2,5 triệu dân, nay đã hơn 10 triệu dân thì quy hoạch dân cư ra sao? Các tuyến giao thông như thế nào?… Trong khi đó, việc học tập, làm việc, làm giấy tờ… đều phải vào nội thành. Chính vì thế, xây dựng các khu dân cư xung quanh cần phải giải quyết những việc này thì người dân mới không vào nội thành để làm những việc này.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến. Ảnh: Cao Thăng

TPHCM đã đạt được một số kết quả về chấn chỉnh đô thị và ùn tắc giao thông. Đây là 2 vấn đề lớn là làm sao để giãn dân, vun dân và giải quyết bài toán giao thông công cộng là quan trọng. TP đầu tư cho xe buýt nhiều nhưng hành khách tham gia loại hình này ngày càng giảm. Vì vậy, TP cần làm một cuộc cách mạng lớn trong quy hoạch không gian đô thị để giao thông công cộng đóng vai trò đầu tàu trong một đô thị lớn như TPHCM. Nếu có giải pháp đúng dân sẽ đồng tình. Xây dựng TPHCM có chất lượng sống văn minh hiện đại nghĩa tình. Sống tốt là dân phải có vỉa hè để đi. Cần bài toán tổng thể chứ ko chỉ vai trò của chính quyền.

Nếu không giải quyết các vấn đề này sẽ khó lấy lại vị thế Hòn ngọc Viễn Đông của Sài Gòn như trước kia theo đề nghị của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng. 

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Lê Văn Tám: Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia về việc TPHCM phải gắn với quy hoạch vùng vì đây là quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Liên quan đến quy hoạch, liên kết vùng cũng đã phê duyệt đây là vấn đề mang chiến lược mang tầm Quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Lê Văn Tám. Ảnh: Cao Thăng

Về vấn đề tổ chức giao thông, ông Tám mong muốn người dân TP cùng tham gia thực hiện. Làm sao chúng ta kiểm soát được thời gian đi và thời gian đến để giảm được thời gian lưu thông trên đường. Trong năm 2017, Sở GTVT TPHCM xác định mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình đột phá của TP về giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ngập nước. Trong đó, tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp với 160 nhiệm vụ cụ thể để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị theo quy hoạch được duyệt, cải thiện tình hình giao thông, ngập nước và cảnh quan, môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó, phải giải quyết cơ bản 37 điểm ùn tắc giao thông. Phấn đấu thi công hoàn thành các công trình trọng điểm cấp bách của ngành, đặc biệt là các công trình thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông của thành phố; tổ chức khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Tổ chức giao thông một số tuyến đường, một số khu vực theo phương thức hạn chế lưu thông của một số loại phương tiện trên trong các thời điểm nhất định.

Nguyễn Thanh Toàn- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM: Mới xây "bên trên" chưa để ý đến "bên dưới"

Trình bày về nguyên nhân tại sao tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP ngày càng nghiêm trọng, ông Toàn nhìn nhận có nguyên nhân do quy hoạch dự báo chưa chính xác, việc tổ chức thực hiện quy hoạch chưa hẳn hoi.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết, Thành phố thực hiện Quyết định số 24/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 về mô hình phát triển thành phố theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển đến nay đã gần 7 năm. Theo quy định, quy hoạch đô thị 5 năm phải rà soát. Hiện  Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với các sở, ngành để báo cáo thành phố để thành phố báo cáo với Chính phủ về lập quy hoạch chung của thành phố.

Nguyễn Thanh Toàn- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, qua 7 năm thực hiện quy hoạch chung thành phố theo Quyết định 24/2010 có nhiều mặt tốt nhưng vẫn có những dự báo về quy hoạch chưa chính xác. Ông Toàn cũng nhìn nhận hiện thành phố vẫn chưa có một chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách bài bản và hệ thống. Quyết định 24/2010 đặt ra nhiều vấn đề cần phải thực hiện nhưng có nhiều việc vẫn chưa được thực hiện hoặc có làm nhưng chưa đến nơi đến chốn.

Theo ý kiến cá nhân của ông, thành phố cần có một chương trình thực hiện quy hoạch phát triển một cách hẳn hoi. Hiện thành phố đang thực hiện theo hàng ngang, chưa đồng bộ: cầu thiếu đường dẫn, khu dân cư thiếu hạ tầng xã hội và cây xanh… nên không thể phát triển một khu đô thị đồng bộ hoàn chỉnh và bền vững được.

Ông Toàn cũng nêu thực tế, hiện nay các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển bất động sản chỉ là phần nổi nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng là từ ngân sách. Hai nguồn lực này đang có độ vênh rất lớn nên cần có kế hoạch và căn cứ vào quy hoạch để xem ưu tiên phát triển cái nào trước, cái nào phát triển sau chứ không thể làm hàng ngang như hiện nay được.

Ông Toàn cũng cảnh báo đã có tình trạng ùn tắc giao thông khu vực phía đông khá lớn. Nếu không rà soát và đánh giá lại quy hoạch thì cửa ngõ phía Đông thành phố sẽ ùn tắc. Chính vì thế, thành phố đang thành lập tổ phát triển đô thị phía Đông để rà soát lại quy hoạch chung tại các quận 2, 9 và Thủ Đức.

Liên quan đến vấn nạn công trình cao tầng nằm trong nội thành, gây ùn tắc giao thông, Sở cũng đã rà soát và sẽ báo cáo với Thành ủy, UBND thành phố về vấn đề này. Trong đó, Sở đưa ra giải pháp là triển khai các dự án theo quy hoạch và có lộ trình. “Quy hoạch phát triển đô thị cần có sự đồng bộ thì mới phát triển bền vững. Trong khi đó, lâu nay thành phố chỉ mới xây dựng các công trình bên trên mà chưa lo đến công trình bên dưới thì chưa thể phát triển bền vững được”- ông Toàn cho hay.

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM: Cấu trúc đô thị nén hiệu quả kinh tế cao

Tại buổi tọa đàm, nhận diện các nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại TPHCM, TS Võ Kim Cương cho biết, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân nhưng được xếp trong hai nhóm, nhóm về xã hội và nhóm về kỹ thuật.

Nhóm về xã hội liên quan đến pháp luật, thái độ người sử dụng phương tiện, công tác quản lý giao thông… Nhóm về kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống công trình giao thông, công trình kiến trúc khác  trong đô thị…

Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

KTS Võ Kim Cương cho biết, chỉ đề cập nguyên nhân về quy hoạch đô thị. Ùn tắc giao thông xảy ra khi nhu cầu giao thông lớn mà lượng đường giao thông nhỏ và không đồng bộ. Lượng đường giao thông được đo bằng chỉ tiêu % diện tích mặt đường trên diện tích đất đô thị; chỉ tiêu này được tính theo số dân trong khu quy hoạch (số dân phản ánh nhu cầu giao thông). Theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng tỷ lệ đất giao thông tính đến đường có lộ giới ≥ 13m tối thiểu phải đạt 18%. Các khu đô thị kiểu mẫu tỷ lệ này thường là 25% – 30 %.

Tính đồng bộ được đo bằng chỉ tiêu mật độ đường, được tính bằng tỷ lệ chiều dài mỗi loại đường trên diện tích đô thị (km/km²). Chỉ tiêu này phản ánh tính liên tục của các luồng giao thông từ đường nhỏ đổ vào đường lớn, thể hiện tính đồng bộ của hệ thống đường giao thông. Theo quy chuẩn trong đô thị có 3 cấp đường là cấp đô thị, cấp khu vực và cấp nội bộ và có 9 loại đường cả ba cấp. Chỉ tiêu mật độ đường (Km/Km²) quy định cho từng loại đường. Dễ thấy nếu khu đô thị có nhiều đường nhưng toàn đường hẻm nhỏ thì vẫn xảy ra ùn tắc.

Theo TS Võ Kim Cương, không gian đô thị TPHCM có cấu trúc không bình thường, nhìn khái quát mặt bằng thành phố sẽ thấy nó có hình lát bánh tét. Vùng nhân bánh là khu vực quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, là khu vực có hệ thống hạ tầng giao thông đủ tiêu chuẩn nêu trên. Phần lớn diện tích khu vực các quận nội và ngoại thành còn lại được phát triển tự phát trong và sau chiến tranh. Cấu trúc các khu vực đô thị thiếu quy hoạch này chủ yếu là đường hẻm và nhà phố dạng ống. Nhà cửa trong các khu dân cư ở đây được xây dựng dàn trải, mật độ xây dựng dày đặc nhưng hệ số sử dụng đất thấp (do phần nhiều là nhà một hai tầng). Không những thiếu các trục đường chính đô thị mà thiếu cả hệ thống cây xanh, thoát nước và công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân cư.

Dạng cấu trúc đô thị đặc trưng này chỉ phù hợp với giao thông bằng xe gắn máy. Do dàn trải nên khó phát triển xe buýt công cộng. Khi kinh tế phát triển, nhiều người chuyển từ xe gắn máy lên ôtô con, dẫn đến ùn tắc giao thông. Cấu trúc đô thị này là nguyên nhân cơ bản nhất của các “vấn nạn đô thị” cũng như ùn tắc giao thông hiện nay.

Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn - người dân TPHCM rất bức xúc. Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: T.L

“Vun” và “dãn” dân có vẻ như là hình ảnh của hai mô hình phát triển không gian đô thị là “đô thị nén” và “đô thị dàn trải”. Cấu trúc nén hay dàn trải ảnh hưởng như thế nào đến giao thông? Cần phân tích hai mặt: về nhu cầu giao thông và về khả năng của hệ thống hạ tầng.

Về nhu cầu, nhu cầu đi lại hàng ngày của dân cư là nhu cầu đi từ chỗ ở đến chỗ làm (học tập, làm việc, mua sắm), khoảng cách càng ngắn thì nhu cầu đi trên đường càng ít. Hai mô hình “nén” và “dàn trải”, mô hình nào có khoảng cách đi lại ngắn hơn, số lần đi lại ít hơn sẽ có nhu cầu giao thông nhỏ hơn. Rõ ràng đối với đô thị nén, dồn dân trên một diện tích đất nhỏ và nếu tổ chức dịch vụ đô thị tại chỗ tốt thì khoảng cách đi lại cũng như nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân ít hơn so với cấu trúc dàn trải.

Cấu trúc đô thị nén còn có hiệu quả sử dụng đất cao hơn, trong đô thị nén hệ số sử dụng đất có thể gấp 5 lần đô thị dàn trải. Việc bố trí hệ thống hạ tầng đồng bộ trong một khu vực nhỏ phục vụ được nhiều người cũng làm tăng hiệu quả đầu tư cho hạ tầng đô thị. Cấu trúc đô thị nén còn hỗ trợ tốt cho giao thông công cộng vì có lượng hành khách tập trung.

Chính vì vậy xu hướng chung của thế giới trong thời gian qua là phát triển đô thị nén với các tòa nhà chọc trời, giao thông công cộng khối lớn, đường cao tốc và đi bộ.  Đô thị nén quanh các ga metro là một mô hình quy hoạch hiện đại.

Mặc dù vậy, KTS Võ Kim Cương cũng cho rằng, mặc dù mô hình đô thị nén có hiệu quả cao về kinh tế, nhưng không thuận lợi lắm về môi trường sống. Khi thu nhập của người dân đạt đến mức cao, đa phần người ta muốn sống tự do, có một lãnh địa riêng, phương tiện đi lại riêng và môi trường sinh thái tốt nhất. Đây là xu hướng ra đời các đô thị sinh thái hiện đại ở các nước phát triển, đó là các đô thị xanh, hệ số sử dụng đất thường nhỏ hơn 1. Tuy nhiên để phát triển được như vậy, sự cân bằng giữa nhu cầu và cung ứng hạ tầng đạt mức độ cao, khi lượng đường đủ cho mọi người dân có xe ôtô cá nhân. Đối với các nước đang phát triển, thỏa mản nhu cầu đi lại bằng ôtô cá nhân chỉ bằng phát triển đường là việc khó, hoặc không thể.

Hiến kế cho việc TPHCM nên chọn mô hình tổ chức không gian nào? KTS Võ Kim Cương cho rằng, TPHCM không giống bất cứ thành phố nào trên thế giới hiện nay. Cấu trúc không gian dàn trải, hệ thống giao thông không đồng bộ, không đủ lượng đường giao thông cần thiết. Chúng ta có một số khu vực trong khu đô thị cũ đủ tiêu chuẩn về tỷ lệ đất dành cho giao thông, đồng bộ về mật độ đường, nhưng lại không có các trục đường chính nối kết từ đó ra ngoài.

Với cấu trúc chung của thành phố là dàn trải như vậy thì nên “vun” dân hay “dãn” dân, KTS Võ Kim Cương cho rằng, tổ chức không gian để “vun” dân có hiệu quả kinh tế cao hơn dãn dân nhưng phải với điều kiện đảm bảo hạ tầng tại chỗ để “vun” và giao thông đối ngoại của chỗ “vun” với bên ngoài cũng hải bảo đảm. Khi không bảo đảm điều kiện đó việc “vun” dân sẽ làm đô thị kẹt cứng. “Dãn” dân không nên hiểu là tiếp tục phát triển dàn trải bằng các khu dân cư thấp tầng ra ngoại vi thành phố. Việc đưa dân ra ngoài mà không có công việc và dịch vụ đi kèm chỉ làm tăng nhu cầu giao thông và tăng nguy cơ ùn tắc mà thôi. “Dãn” dân nên hiểu là một quá trình “vun” dân vào những nơi có điều kiện giao thông đối nội và đối ngoại tốt nhất. Đây chính là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo quy hoạch chung của thành phố. Mỗi một trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội và được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lớn và các trục đường chính đô thị.

Theo TS Võ Kim Cương, đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước. Khi chưa có điều kiện cải tạo hệ thống hạ tầng thì tuyệt đối không “vun” dân vào các khu vực đó.

>> Video buổi tọa đàm:

Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông “vun” và “giãn” dân ảnh 8

Quốc Hùng - Hạnh Nhung
Video: Quang Khoa 

Tin cùng chuyên mục