Giải cứu thế khó ở “phố Đông”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang chuyển mình mạnh mẽ, mới hôm nào hoang hóa mà nay thành đại công trường, vóc dáng đô thị hiện đại định hình lên từng ngày! Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản níu chân Thủ Thiêm, đòi hỏi phải tháo gỡ kịp thời...

Bán được nhà tái định cư “tồn kho”

Quỹ nhà tái định cư (TĐC) của Thủ Thiêm đang bị tồn đọng. Trước đây, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai khu đô thị, TP tập trung xây dựng quỹ nhà TĐC 12.500 căn, an cư cho người dân để sớm có mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Khi pháp luật về đất đai thay đổi, người dân có quyền chọn nhà TĐC hoặc chọn nhận tiền, thế là quỹ nhà thừa ra, bây giờ trở thành gánh nặng trong việc quản lý, trả vốn và lãi cho ngân hàng!

Nằm trong cụm nhà chung cư TĐC Thủ Thiêm ở phường Bình Khánh, xây xong và bàn giao sớm nhất là chung cư Đức Khải. Trong tổng số 1.080 căn được chia làm 2 khu, chỉ bố trí TĐC tại khu R7 với 741 căn hộ. Tuy nhiên, kể từ tháng 4-2015 bắt đầu đưa người dân vào cư ngụ, cho tới nay chỉ dừng lại con số 320 căn có người ở. Một thành viên ban quản lý chung cư Đức Khải cho biết việc bố trí TĐC rất chậm, có tháng bàn giao chỉ được vài ba căn, còn từ trước tết âm lịch đến nay chỉ tăng thêm… 1 căn nhà có người ở. Sau gần 3 năm đưa chung cư vào vận hành, mọi việc gần như không đổi thay: 30 ki ốt nằm bao quanh tầng trệt tòa nhà vẫn tiếp tục đóng cửa, từ cây kim, sợi chỉ cho đến gạo, mắm người dân phải đi mua nơi khác, hết sức bất tiện. Lối chính vào tòa nhà vẫn phải chui theo hầm giữ xe lô D đi lên! Người dân ở ít, lại bố trí rải rác trong các lô A, B, D, E nên về hạ tầng điện nước, thang máy… phải vận hành toàn bộ. Thế là việc quản lý toàn nhà rơi vào tình trạng âm, thu không đủ chi. Chủ đầu tư cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn, nhà trống bị xuống cấp, phải thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng!

Chung cư TĐC ở Thủ Thiêm (mặt đường Mai Chí Thọ) do liên doanh Thuận Việt - Sacomreal thi công đang hoàn thiện

Chưa hết, cũng trong cụm chung cư Đức Khải, khu R6 với 339 căn bỏ trống từ ngày hoàn thành đến nay. Bao quanh đó lại là những cụm chung cư TĐC nối tiếp mọc lên. Khu chung cư liên doanh Vietrancimex - POS - A.C.Co.Ltd với 1.570 căn đã xây dựng hoàn tất. Kế bên là cụm chung cư Thuận Việt với 2.220 căn cũng xây xong, đang tiến hành làm công viên tiểu cảnh. Cách đó không xa, nằm ngay mặt tiền đường Mai Chí Thọ, liên doanh Thuận Việt - Sacomreal với 1.330 căn hộ đang làm nốt phần thô của tòa nhà! Trên tổng quan, báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, tổng số căn hộ TĐC (bao gồm đã xây, đang xây và mua) là 10.529 căn, đã bố trí TĐC 3.296 căn, còn tồn 7.233 căn hộ; đất TĐC cũng tồn 1.275 nền nhà!

Một lãnh đạo UBND TPHCM cho biết TP muốn đưa quỹ nhà này ra đấu giá, nhưng phải xin phê duyệt của Trung ương vì tính pháp lý. Do trước đây chương trình TĐC của Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt, nên nay muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phải xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, hồ sơ vẫn còn nằm ở các bộ nên chưa thể xử lý trong một sớm một chiều. Trong khi đó, nhà “tồn kho” để lâu sẽ khiến TP phải gồng mình gánh khoản nợ hơn 16.000 tỷ đồng, trả lãi hàng ngày rất lớn. Lãng phí tiếp theo chính là nhà trống, không người ở sẽ bị xuống cấp, phải chi phí tốn kém cho việc duy tu bảo dưỡng.

Đấu giá phần đất còn lại

Đối với đầu tư của Thủ Thiêm, hầu hết theo hình thức BT, tức là nhà đầu tư xây dựng công trình rồi chuyển giao, TP cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận… Qua thống kê, có 101 lô đất đầu tư theo hình thức này. Hiện tại, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ còn 26 lô đất để kêu gọi đầu tư, theo tính toán trị giá gần 11.000 tỷ đồng, tất nhiên sẽ không đủ trả khoản vay hơn 16.000 tỷ đồng đã nói ở trên.

Tại cuộc họp mới đây dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, một phương án được nhiều lãnh đạo sở đề xuất là tổ chức đấu giá các lô đất còn lại. Dưới góc nhìn quản lý đất đai, ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhận xét: “Nếu sử dụng hình thức đầu tư BT, hoặc hoán đổi quá nhiều lô đất sẽ uổng đi. Khi nền tảng hạ tầng phát triển, cộng với một số khu đất đã được đầu tư thành hình hài thì tự động giá trị đất sẽ tăng. Do đó, những nơi nào có quỹ đất mà chưa gấp trong xây dựng thì chúng ta lên kế hoạch khai thác sử dụng chậm hơn, lúc đó đem ra đấu giá, TP sẽ lợi hơn”. Đồng quan điểm này, một lãnh đạo Sở Tài chính nói: “Trước đây chúng ta chưa có nhà đầu tư, thiếu vốn thì kêu gọi hình thức đầu tư BT. Hiện nay, một số khu chưa giải phóng mặt bằng, chúng ta đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, làm hoàn tất đường sá thì giá trị sẽ tăng. Đất sạch còn lại nên đưa ra đấu giá là tốt nhất”. Theo một chuyên gia về bất động sản, với tốc độ vươn lên từng ngày của Thủ Thiêm, 26 lô đất còn lại nếu đem ra đấu giá sẽ thu được rất nhiều chứ không đơn thuần 11.000 tỷ đồng như tính toán của cơ quan chuyên môn.

Như vậy, nếu có cơ chế mới: đưa ra đấu giá quỹ nhà TĐC “tồn kho”, đồng thời tổ chức đấu giá quỹ đất còn lại, chắc chắn TP sẽ sớm giải phóng được gánh nặng nợ nần, tăng lực đẩy cho Thủ Thiêm. Lúc đó “phố Đông” nhanh chóng vươn lên, đóng góp phát triển cho TP, trở thành biểu tượng của một TP năng động, hiện đại tầm cỡ khu vực.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục