Ô nhiễm nguồn nước đang tăng nhanh

Hơn 20 triệu dân và toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang sử dụng nguồn nước từ sông Đồng Nai.
Ô nhiễm nguồn nước đang tăng nhanh

Hơn 20 triệu dân và toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang sử dụng nguồn nước từ sông Đồng Nai.

Do vậy, bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai là một trong những vấn đề cấp bách được đặt ra từ năm 2003. Tuy nhiên, những kết quả đo đạc chất lượng nguồn nước gần đây cho thấy, nguồn thải ô nhiễm trên sông Đồng Nai không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng nhanh.

Gánh nặng ô nhiễm dồn về hạ lưu sông Đồng Nai

Kết quả đo đạc nguồn nước chất lượng sông Đồng Nai thời gian gần đây cho thấy, sông Đồng Nai đang có dấu hiệu ô nhiễm từ dinh dưỡng, hữu cơ và mức độ ô nhiễm tăng dần từ thượng lưu đến hạ lưu. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm này cũng được chỉ rõ là do sự phát triển công nghiệp gia tăng. Nước thải, chất thải công nghiệp, đô thị chưa được thu gom, xử lý triệt để hoặc đã được thu gom, xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép nhưng vẫn thải ra môi trường. Hiện trung bình mỗi ngày, sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 1,73 triệu m³ nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, đô thị và 1,54 triệu m³ nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Chất thải rắn trong vùng được quản lý theo phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, không tiết kiệm quỹ đất. Thậm chí, tại nhiều khu vực, chất thải chôn lấp tại các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sông Đồng Nai đoạn gần cầu Hóa An. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lý giải thực tế này, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dân số toàn vùng chiếm 17,7% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 48%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước. Về sản xuất đóng góp hơn 42% GDP của cả nước và chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp 60% ngân sách quốc gia. Điều này cho thấy, cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ và sự hình thành, phát triển nhanh chóng của các ngành nghề, sản xuất trong thời gian qua, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, mặt khác làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, từ đó làm phát sinh vấn đề ô nhiễm.

Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững nhưng kinh phí tái đầu tư cho hoạt động xử lý môi trường hiện còn rất khiêm tốn. Kinh phí đầu tư lại cho môi trường vẫn giữ mức 1% tổng chi ngân sách trong khi đúng ra là mức chi này cần phải được điều chỉnh là không dưới 1% tổng chi ngân sách và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Từ những hạn chế trong kinh phí để lại tái đầu tư cho môi trường đã kéo theo hàng loạt những chậm trễ, bất cập trong việc xây dựng giải pháp công trình cải thiện chất lượng, bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Cụ thể, việc triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn còn chậm do chưa huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn; trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, giám sát nguồn thải còn thiếu; nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý môi trường còn kiêm nhiệm và yếu năng lực chuyên môn do thiếu được đào tạo cập nhật phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý chất thải rắn chưa đạt yêu cầu…

Không gỡ nút thắt kinh phí, khó cải thiện ô nhiễm

Nếu tình trạng trên không được đưa vào thành một trong những vấn đề trọng tâm của Chính phủ thì những thu nhận từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp được số chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường, phục hồi chất lượng nước sông Đồng Nai. Đó là khẳng định của các chuyên gia môi trường. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được những vấn đề bức thiết trên, cần có lộ trình đầu tư phù hợp. Trước mắt, Chính phủ cần phải giải quyết nút thắt về đầu tư tài chính cho dự án cải thiện môi trường. Kế đến, cần có những biện pháp tích cực để khai thác các nguồn đầu tư từ xã hội, vận động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường. Nguồn vốn đầu tư cho công tác này cũng cần được hợp nhất, quản lý sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, nhằm ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng về môi trường, đẩy mạnh hoạt động Quỹ bảo vệ môi trường…

Một vấn đề khác là sự phối hợp liên vùng trong xử lý ô nhiễm tại những khu vực giáp ranh các tỉnh, thành. Đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, những đối tượng có hành vi vi phạm môi trường thường chọn những khu vực giáp ranh các tỉnh thành để thực hiện bởi các cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Trong trường hợp có phát hiện thì việc xử lý cũng rất nhiêu khê do phải đợi có cơ chế phối hợp giữa hai tỉnh thành. Do đó, việc tạo ra cơ chế hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc xử lý hành vi vi phạm môi trường khu vực giáp ranh sẽ giúp cải thiện tình trạng vi phạm môi trường trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM nhấn mạnh, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng quy hoạch sử dụng nguồn nước và đất toàn vùng. Đối với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cần có định chế kiểm soát toàn vùng về vận hành hệ thống xử lý nước thải tương ứng với điều kiện sản xuất thực tế để kiểm soát không cho thải nước ô nhiễm vào vùng tiếp nhận. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước sinh hoạt cho vùng, việc quy hoạch sử dụng đất toàn cần xác định các quỹ đất dành cho việc xây dựng các hồ dự trữ nước thô (nước mặt) tại các khu vực kết hợp với tiền xử lý nước thô để đảm bảo khả năng cung ứng nước sạch cho các nhà máy cấp nước của vùng. Đồng thời xây dựng kế hoạch hạn chế khai thác nước ngầm kết hợp bổ cập nguồn nước ngầm. Ưu tiên xây dựng những hồ trữ nước ngọt tại khu vực nội thành. Và quan trọng nhất là cần có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường. Hạn chế xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục