Không gia hạn thời gian di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở quận 12

Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12) vừa kiến nghị với cơ quan chức năng cho gia hạn thời gian di dời đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM về vấn đề này là buộc các cơ sở sản xuất phải di dời trước cuối tháng 12-2016.
Không gia hạn thời gian di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở quận 12

Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12) vừa kiến nghị với cơ quan chức năng cho gia hạn thời gian di dời đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM về vấn đề này là buộc các cơ sở sản xuất phải di dời trước cuối tháng 12-2016.

Hoạt động của các nhà máy tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM sáng 27-9. Ảnh: THÀNH TRÍ

“Thêm một ngày gia hạn cũng không được”

Đó là khẳng định của ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT TPHCM, về việc này. Ông Cao Tung Sơn giải thích quyết định của mình: UBND TPHCM, Sở TN-MT và các đơn vị liên quan đã vận dụng tất cả những chính sách có thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở di dời đến nơi sản xuất mới, an toàn và phù hợp với sức chịu tải môi trường. Những giải pháp, chính sách hỗ trợ này đã được thực hiện từ rất lâu, không phải mới đầu năm 2016. Đơn cử, trước đây, các cơ sở cho rằng không thể di dời vì không có điểm đến an toàn về môi trường; việc di dời sẽ chịu nhiều rủi ro vì sau di dời một thời gian, rất có thể người dân lại đến ở xung  quanh cơ sở và lại yêu cầu cơ sở phải di dời. Giải quyết băn khoăn này cho các đơn vị, UBND TPHCM  đã chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG gấp rút xây dựng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về hạ tầng nhằm đảm bảo tiếp nhận và xử lý tốt chất thải phát sinh cho các cơ sở di dời đến. Đến nay, theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, những yêu cầu về hạ tầng đã hoàn tất và sẵn sàng đón các cơ sở trên di dời tới. Về giá thuê đất đầu tư nhà xưởng, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM,Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đang áp dụng mức thuê ưu đãi nhất: 80 USD/m² thay vì 150 USD/m² như các doanh nghiệp khác đang thuê. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG còn đang nghiên cứu, tính toán thêm mức thu phí điện, nước, xử lý nước thải, cấp hơi, cấp nhiệt... vừa hợp lý với doanh nghiệp vừa đúng quy định.

Chưa hết, Sở TN-MT đã  tham mưu UBND TPHCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của các cơ sở thuộc diện di dời từ đất sản xuất sang đất thổ cư để các cơ sở di dời có điều kiện tạo vốn từ đất, phục vụ công tác di dời. Hiện đã có 7/16 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở liên quan đề xuất thêm các chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn, lãi suất cho cơ sở di dời, đồng thời lập hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng có văn bản báo cáo UBND TPHCM.

Đầu tháng 4-2016, HĐND TPHCM đã kiên quyết yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở đây, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân trong khu vực. Ngay từ thời điểm đó, UBND quận 12 đã thành lập đội chuyên trách tuyên truyền, vận động thuyết phục cơ sở chấp hành quyết định di dời. “Vậy thì không có lý do gì mà các cơ sở này vẫn tiếp tục chây ì không di dời”, ông Cao Tung Sơn nói.

Các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm tại quận 12, TPHCM, sẽ phải di dời. Ảnh: THÀNH TRÍ

Mở rộng danh sách cơ sở buộc phải di dời

Phường Đông Hưng Thuận có 21 cơ sở sản xuất. Hiện đã có 2 cơ sở tự di dời không đề nghị hỗ trợ và 3 cơ sở chuyển đổi ngành nghề. 16 cơ sở phải di dời, đến Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Trong 16 cơ sở này, đã có 13/16 cơ sở lập phương án di dời, 14/16 cơ sở liên hệ để được hỗ trợ vay vốn tại Quỹ Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT, 9/16 đơn vị ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết theo quy định, thời hạn chót để 21 cơ sở đang sản xuất tại đây phải chấp hành quyết định di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc buộc ngưng sản xuất là đến tháng 12-2016. Sở TN-MT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan lên phương án chuẩn bị các biện pháp xử lý đối với trường hợp cơ sở không chấp hành quyết định di dời.

Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận là trường hợp thí điểm để rút kinh nghiệm triển khai rộng công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên toàn địa bàn TP. Hiện các cơ quan chức năng đang kiểm tra, rà roát, lập danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tính đến tháng 6-2016, Sở TN-MT đã thống kê bước đầu được 10 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và 17 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sẽ trình UBND TPHCM xem xét và phê duyệt kế hoạch di dời các cơ sở này trong thời gian tới.

Nhiều người dân phường Đông Hưng Thuận bị các bệnh về hô hấp

Năm 2008, tại khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận có 42 cơ sở sản xuất giấy, bao bì, dệt, nhuộm... Dù có đầu tư trang bị hệ thống xử lý khí thải, nước thải, nhưng do thiết bị quá lạc hậu nên hầu hết các cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Từ đó đến nay, Sở TN-MT và chính quyền quận 12 đã có nhiều giải pháp xử lý, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không giảm. Nhiều người dân sống tại khu vực phường Đông Hưng Thuận cho biết, họ và gia đình đã mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, do khí thải tại khu vực này rất nặng mùi.

Trước thực tế đó, đầu năm 2016, UBND TPHCM đã đưa ra lộ trình buộc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải giảm thiểu ô nhiễm và tiến hành di dời. Cụ thể, yêu cầu 21 cơ sở trên phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như lập kế hoạch giảm công suất sản xuất, thay đổi công nghệ sản xuất. Bắt đầu từ đầu tháng 6, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có các cuộc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở này. Cơ sở nào vi phạm sẽ bị phạt mức cao nhất. Theo nhiều chuyên gia cũng như người dân ở đây, sở dĩ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chậm di dời là do tâm lý ngại di chuyển ra xa nội thành.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục