Tăng tần suất kiểm tra, giám sát quản lý môi trường

Tăng tần suất kiểm tra, giám sát quản lý môi trường

Báo SGGP số ra ngày 8-8 đăng bài “Bất cập công tác quản lý môi trường”, phản ánh việc chất lượng quét dọn vệ sinh đường phố trên địa bàn TPHCM không đồng đều. Thậm chí cùng một tuyến đường, mặt cầu nhưng nửa bên này sạch sẽ, bên còn lại nhếch nhác. Để nâng chất lượng thu gom, quét dọn rác thải, làm sạch môi trường, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM.

* PV: Việc thu gom, quét dọn rác đang phân cho nhiều sở, ngành cùng quản lý dễ dẫn tới cảnh “cha chung không ai khóc”. Theo ông có cách nào để giải quyết vấn đề này

* Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG:
Để giải quyết vấn đề trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm, UBND TPHCM đã chỉ đạo về việc thực hiện định mức công tác vét đất lề để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên địa bàn thành phố. Trong đó, chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có trách nhiệm khẩn trương làm việc với Sở TN-MT và UBND quận, huyện phân rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp về việc thu gom rác, vệ sinh mặt đường hàng ngày trên địa bàn quản lý. Từ đó rà soát định mức công tác vét đất lề đối với từng loại đường cho phù hợp thực tế, tránh trùng lắp làm tốn kém chi phí ngân sách.

Các đơn vị thống nhất chọn phương án phân cấp cho UBND quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện, quản lý công tác vệ sinh mặt đường, vỉa hè, lề đường tất cả các tuyến đường, các công trình cầu… Tuy nhiên, đối với công tác có yêu cầu đặc thù về mặt kỹ thuật như vệ sinh khe co giãn, vệ sinh miệng thu nước mặt cầu, tiếp tục giao Sở GTVT thực hiện. Vừa qua, Sở TN-MT đã có công văn kiến nghị Sở GTVT, UBND quận, huyện tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát công tác quét dọn, vệ sinh miệng cống, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy trình, định mức được phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường.

Đưa rác vào một trạm trung chuyển rác tại quận Thủ Đức (Ảnh: THÀNH TRÍ)

* Thực tế cho thấy, chính sự phân cấp cho từng quận, huyện thực hiện cải tạo vệ sinh môi trường đã dẫn đến sự phân tán trong quản lý, lãng phí nguồn lực xã hội, chi phí đầu tư. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thực trạng môi trường thành phố ngày càng nhếch nhác, nhất là khu vực giáp ranh Vậy liệu giải pháp trên có hợp lý

* Trước tiên cần phải nhìn nhận thực tế chất lượng vệ sinh môi trường của thành phố ngày càng được cải thiện. Cụ thể như giải tỏa 20 trạm trung chuyển gây ô nhiễm môi trường, cải tạo 18/31 trạm trung chuyển (có hệ thống xử lý nước, khí thải, phun xịt khử mùi), mở rộng các tuyến quét dọn vệ sinh, tăng tần suất vớt rác trên các tuyến sông, kênh rạch. Các phương tiện thu gom thô sơ đã từng bước được thay thế bằng thùng 660 lít, xe tải nhỏ… Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa dẫn đến tồn tại nhiều bất cập. Việc phân cấp quản lý cho quận, huyện không phải nguyên nhân dẫn đến sự phân tán trong quản lý. Chất lượng vệ sinh các dịch vụ đã được ban hành và thống nhất trên địa bàn thành phố. Do đó, phân cấp công tác quản lý cho UBND quận, huyện hay tập trung tại Sở TN-MT thì cũng phải cần tổ chức lực lượng nhân sự như nhau.

Việc phân cấp tạo điều kiện nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, nhân sự địa phương không đủ, do phải kiêm nhiệm dẫn đến không đánh giá đầy đủ, hiệu quả chất lượng cung ứng dịch vụ khiến công tác giám sát không được thực hiện thường xuyên. Để chấn chỉnh công tác này, Sở TN-MT đã có công văn đề nghị tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Để giải quyết căn cơ tồn tại, sở cũng đã kiến nghị UBND TP áp dụng mô hình kiểm tra, giám sát và nghiệm thu chất lượng vệ sinh môi trường của quận Tân Phú, khi đó các quận, huyện sẽ có nhân sự chuyên trách đảm nhận nhiệm vụ này.

* Có sự thiếu đồng nhất về chất lượng trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh môi trường ở các quận, huyện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vệ sinh môi trường thành phố. Với vai trò tham mưu về vấn đề môi trường, sở đã có những kiến nghị gì để giải quyết bất cập trên

* Dựa trên các định mức của Bộ Xây dựng về lĩnh vực quản lý chất thải rắn và Quyết định số 1177/QĐ-TNMT-CTR ngày 16-7-2013 của Sở TN-MT (liên quan đến quy trình quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố), các đơn vị phải trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện thực hiện công tác cung ứng dịch vụ. Ví dụ như, công tác quét dọn phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ lao động… Hiện nay, để giải quyết vấn đề đồng bộ trang thiết bị vận chuyển, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, Sở TN-MT đang xây dựng đề án đấu thầu trong đó định hướng công nghệ và tiêu chuẩn của các phương tiện vận chuyển, đồng bộ công tác thu gom và kết nối hiệu quả trạm trung chuyển.

* Theo ý kiến của các chuyên gia về môi trường, để có thể nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố cần thiết phải có sự hợp nhất trong công tác quản lý giống như hoạt động cung cấp điện, nước Ông nghĩ sao về vấn đề này

* Việc hợp nhất hay phân cấp đều có ưu nhược điểm và để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường thì cơ quản quản lý nào cũng cần phải trang bị đầy đủ nhân sự. Tuy nhiên, để quản lý tốt công tác này thì lực lượng quản lý tại địa phương thực hiện sẽ hiệu quả hơn vì lực lượng này tiếp cận địa bàn, tiếp nhận và giải quyết phản ánh kịp thời. Do đó, để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, Sở TN-MT tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; tiến hành xây dựng đề án hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng ven, ngoại thành; chuyển đổi mô hình thu gom và chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị của lực lượng thu gom tại nguồn; xây dựng tiêu chí xác định các tuyến đường quét dọn, tiêu chí tuyến đường quét máy, thủ công… Song song đó, Sở TN-MT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện đúng quy trình, định mức đã được cơ quan có chức năng phê duyệt; có hình thức xử phạt nặng, thường xuyên đối với người dân kém ý thức.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

ÁI VÂN - THI HỒNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục