Làm sạch, đẹp môi trường bằng trách nhiệm và danh dự

Vừa qua, thông tin du khách của một số nước trên thế giới khi đi du lịch xả rác, khạc nhổ tùy tiện, thậm chí cho con tè vào bồn rửa tay… gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, trông người lại ngẫm đến ta, vì thói quen của một bộ phận người dân nước ta cũng chưa được thể hiện đúng mực, lịch sự. Không ít cá nhân chưa rèn được thói quen vì môi trường sống xanh, sạch một cách có trách nhiệm và danh dự.

Chị Nguyễn Thái Hằng, ngụ chung cư H.N (đường Dương Thị Mười, quận 12, TPHCM), bức xúc: “Khu chung cư sạch sẽ, thoáng mát, khuôn viên dạo bộ khá rộng rãi, thế mà thỉnh thoảng một số người ý thức kém sẵn sàng vứt cả bọc rác to đùng xuống đất. Có hôm, mọi người, nhiều nhất là trẻ em, đang vui chơi bỗng thấy nước văng ướt đầu, do một túi rác hôi thối bị ném từ một căn hộ trên cao xuống. Rất may không ai bị thương tích, nhưng rõ ràng hành vi này không thể chấp nhận được. Điều đáng nói, dân cư phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ, thế hệ 7X và 8X sinh sống, trình độ dân trí khá cao”. Thực sự, đây là bức xúc không riêng chị Hằng mà là nỗi ám ảnh chung của các cư dân sống tại các căn hộ chung cư ở nước ta, mà chung quy cũng chỉ vì sự biếng nhác, ích kỷ của một bộ phận người dân bất chấp môi trường sống chung của cộng đồng.

Ngoài ra, hàng loạt thói quen tùy tiện khác như vứt rác thải trên đường, khạc nhổ bừa bãi… cũng diễn ra thường xuyên; rất cần được chấn chỉnh, thông qua việc giáo dục, tuyên truyền của gia đình, xã hội. Người dân chúng ta khi lưu thông trên đường chắc hẳn chẳng lấy làm lạ khi chứng kiến cảnh một số em nhỏ mặc đồng phục học sinh được ba mẹ khuyến khích ném chai, vỏ hộp sữa qua sử dụng xuống đường; thay vì yêu cầu bé bỏ vào thùng rác công cộng để giữ vệ sinh môi trường. Hoặc như một việc khác tưởng chừng rất nhỏ, nhưng có tác dụng vì an toàn môi trường bền lâu, như thói quen dùng túi ni lông chẳng hạn. Từ khi túi ni lông xuất hiện trên thị trường, người dân đã quên mất việc sử dụng các giỏ nhựa, túi vải truyền thống… để đi chợ, mua sắm. Không thể phủ nhận tiện ích của túi ni lông trong cuộc sống hiện đại, nhưng nếu mọi người biết rằng, để phân hủy một túi ni lông như thế cần mất thời gian hàng chục, có khi hàng trăm năm, thì chắc hẳn trong chúng ta sẽ xem lại thói quen tiêu dùng của mình.

Chia sẻ về nhận định này, một kiến trúc sư có tiếng tại TPHCM, cho rằng, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, mỗi chúng ta đều phải học rất nhiều, từ việc đi đứng nói năng đến cách thức ứng xử trong cuộc sống. Văn hóa là thứ không mua được, nhưng có thể rèn giũa được thông qua việc trau dồi, học hỏi. Xu hướng chung của xã hội loài người là hướng tới việc phát triển thân thiện, ổn định, an toàn. Tư tưởng chỉ biết làm sạch đẹp cho mình mà không quan tâm đến môi trường sống xung quanh, cho thấy tâm lý “sống chết mặc bay”, sự thờ ơ vô cảm… Dù bạn ở cương vị nào, có mức sống ra sao, thì vẫn không thể sống tách rời cộng đồng. Hàng ngày, bạn vẫn phải hít thở không khí, ăn uống thực phẩm do cộng đồng cung cấp.

“Tôi đã từng chứng kiến một số bạn bè nước láng giềng cư xử thô lỗ khi đi du lịch khiến mình là người ngoài cuộc cũng phải xấu hổ. Nhưng vấn đề ở chỗ, sự lỗ mãng của một số du khách này lại khá tương đồng với lối sống của một bộ phận người dân nước ta. Mỗi người dân thường vô hình trung trở thành một tấm gương tham chiếu, đại diện hình ảnh của quốc gia, dân tộc khi ra nước ngoài, giao lưu với bạn bè quốc tế. Điều này, mỗi người nhất định nên biết và phải ý thức được để tự điều chỉnh hành vi của mình, hướng đến trách nhiệm và danh dự của bản thân; mà trước hết là ý thức vì môi trường, vì cộng đồng ngay tại nơi mình ở”, vị kiến trúc sư trên tâm sự.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục