Ngân hàng quá "ưu ái" trong cho vay dự án khoáng sản

Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và kiến nghị” được Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), Hội Địa chất kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay 29-7.
Ngân hàng quá "ưu ái" trong cho vay dự án khoáng sản

(SGGPO).- Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và kiến nghị” được Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), Hội Địa chất kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay 29-7.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, khoáng sản ở Việt Nam đang được khai thác ở những trình độ công nghệ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng khai thác, rất lãng phí. Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản sang Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng. Trong khi đó, mặc dù khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang được ưu đãi trong phân bổ nguồn lực, nhất là trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, song doanh thu của một số Tập đoàn, Tổng Công ty được phân bổ nguồn lực này lại bị “bào mòn” bởi hoạt động kinh doanh đa ngành (bất động sản, chứng khoán, du lịch...)

Ở nhiều nơi, hoạt động khoáng sản đang tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: T.L

Đáng lưu ý, trong nhiều trường hợp, mặc dù không trực tiếp tham gia vào hoạt động khoáng sản, các tổ chức tín dụng lại gián tiếp tạo ra những rủi ro về môi trường và xã hội khi đã quá “ưu ái” ngành này. Dẫn số liệu từ Vietcombank năm 2016, chuyên gia Trần Thanh Thủy (PanNature) cho hay, dư nợ của ngành khoáng sản tại ngân hàng này lên tới 20.000 tỷ đồng, ngành năng lượng là 25.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho nông nghiệp (gồm cây công nghiệp) chỉ có 2.000 tỷ đồng...     

Vẫn theo bà Trần Thanh Thủy, trên thực tế, một số tổ chức tín dụng đã “bơm” một lượng vốn lớn cho các dự án khoáng sản hoạt động không hiệu quả, bất chấp tổn hại về môi trường. Đơn cử, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do EVN làm chủ đầu tư và Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) làm tổng thầu, có tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 1.400 tỷ đồng) đã gây ra nhiều vấn đề môi trường liên quan đến khói, bụi, xỉ than và bị cộng đồng nhân dân địa phương phản ứng gay gắt. “Do vấn đề môi trường, dự án phải tạm dừng nhiều lần, chi phí cho mỗi lần khởi động lại hệ thống lên đến hàng tỷ đồng. Dĩ nhiên, chính các tổ chức tín dụng cũng phải đối phó với rủi ro nợ xấu", bà Thanh Thủy dẫn chứng.

Vì vậy, các tổ chức tín dụng được khuyến nghị quan tâm áp dụng đầy đủ chính sách an toàn môi trường và xã hội khi quyết định cho vay nói chung, cho vay đối với các dự án khoáng sản, nói riêng. “Chính sách môi trường chưa được áp dụng một cách bắt buộc và đồng bộ trong hệ thống ngân hàng. Các cơ chế tài chính đặc thù chưa được xây dựng đối với các dự án thân thiện môi trường. Hơn nữa, các ngân hàng cũng phải căn cứ vào mức độ tin cậy về tác động môi trường của dự án để xem xét cấp tín dụng”, chuyên gia từ PanNature nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục