TPHCM 15 năm chống ngập - Quản lý manh mún, chậm chạp

Lạc hậu
TPHCM 15 năm chống ngập - Quản lý manh mún, chậm chạp

TPHCM có 5 lưu vực chính: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Các lưu vực này kết nối khá chặt chẽ với nhau bởi những tuyến rạch nhỏ lẻ khác. Chưa kể, công tác chống ngập còn liên quan đến rất nhiều công trình khác như hệ thống cống thoát nước, hệ thống cầu, đường, các công trình xây dựng… Chính vì vậy, công tác chống ngập đòi hỏi phải có sự thống nhất quản lý, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Thế nhưng…

Cắt khúc…

TPHCM đã thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc UBND TPHCM có chức năng tham mưu, thực hiện các chương trình, dự án thoát nước, chống ngập là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm) . Trung tâm được giao làm chủ đầu tư một số dự án chống ngập quan trọng như dự án cải tạo kênh Ba Bò, dự án thoát nước đô thị, dự án 1547…, đồng thời được giao tổ chức quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Thế nhưng, trên thực tế, quản lý hệ thống thoát nước TPHCM còn phân tán trong nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Đơn cử, Trung tâm chỉ quản lý tuyến cống cấp 1, 2. Các tuyến cống thuộc các tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Các tuyến cống còn lại thuộc quyền của UBND các quận, huyện. Riêng Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn quản lý tuyến cống ở đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 quản lý tuyến cống đường Phạm Văn Đồng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác thủy lợi quản lý các tuyến sông, kênh, rạch phụ trách tưới tiêu, thoát nước. Đáng nói, việc phân cấp một phần hệ thống thoát nước cho quận - huyện quản lý nhưng chưa quan tâm đầu tư đúng mức về nhân lực và kinh phí, trang thiết bị cho nhiều quận, huyện đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên thông và đồng bộ của hệ thống cống, nhất là từ cống nội bộ nhà dân, cống hẻm (cấp 4), cống cấp 3, cấp 2, cửa xả và kênh, rạch (cấp 1). Hệ thống thoát nước không được nạo vét đồng bộ, không phát huy tối đa hiệu quả thoát nước của toàn hệ thống.

Quản lý tốt kênh rạch sẽ giúp chống ngập hiệu quả cao. Ảnh Thành Trí

Về quản lý chuyên ngành, Sở GTVT được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý về thoát nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, tưới tiêu. Theo quy định tại Quyết định số 319/2003 của UBND TP, đây cũng là hai đơn vị tổ chức quản lý, công bố danh mục và thỏa thuận san lấp, xây dựng công trình trên các sông, kênh, rạch, đầm, hồ. Đã vậy, trách nhiệm quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch lại bị phân tán theo vai trò của các Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện theo Quyết định số 150/2004 về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Hậu quả của bất cập này: quy định về bảo vệ hệ thống thoát nước, kênh, rạch, vùng đệm, vùng trũng điều tiết nước chưa được thực hiện triệt để, chưa có những quy định phù hợp về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp, thiếu kiên quyết trong việc kiểm tra, xử phạt, ngăn chặn tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép và xả rác trên kênh, rạch… Chính sự bất cập về mặt thể chế đã khiến cho quy trình, thủ tục triển khai dự án chống ngập thêm phức tạp, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.       

Lạc hậu

Ngay từ khi những thước cống thoát nước đầu tiên được lắp đặt vào hệ thống thoát nước của các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, chuyên viên của các sở, ngành chức năng TPHCM đã phát hiện tiết diện thiết kế của cống không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi hầu hết các cống được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình từ 75 - 92mm trong thời gian mưa 3 giờ, thì những cơn mưa có vũ lượng lớn hơn trong thời gian mưa ngắn hơn, dồn dập hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều ở TPHCM.

Có đến 4 cơ quan tư vấn trong và ngoài nước cùng nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống thoát nước của 3 lưu vực nêu trên, gồm PCI (Nhật Bản), CDM (Mỹ), Black and Veatch (Bỉ) và Phân viện Nghiên cứu thủy văn phía Nam. Các cơ quan này đã dựa vào số liệu thống kê về các cơn mưa tại TPHCM trong thời gian 40 năm trước để đưa ra các đề xuất về tiêu chuẩn thiết kế. Lúc ấy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chưa hiển hiện nhiều nên chưa được nghiên cứu. Những cơn mưa lớn cũng đã được lưu ý nhưng căn cứ vào các quy định về xây dựng của Bộ Xây dựng, chúng chỉ được tính với chu kỳ tràn cống 2 năm/lần đối với tuyến cống cấp 3; 3 năm/lần đối với tuyến cống cấp 2 và 5 năm/lần đối với tuyến cống cấp 1. Tuy nhiên, lúc ấy các dự án đang được triển khai và cũng có không ít ý kiến cho rằng, không nên quá lo lắng về những cơn mưa lớn, vì có thể đó chỉ là đột biến. Do vậy, TPHCM đã không xem xét đến việc điều chỉnh thiết kế cống thoát nước.

Hậu quả của việc công trình chống ngập không theo kịp những diễn biến bất thường của thời tiết là tình trạng ngập ở TPHCM ngày càng nan giải, cứ mưa là ngập, rõ nét nhất là mùa mưa năm 2014. Nhiều khu vực trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn đã được xóa ngập từ nhiều năm trước nhưng nay bắt đầu tái ngập. Dù có nhiều cách lý giải về tình trạng ngập này nhưng nhiều chuyên gia cũng thống nhất, nguyên nhân lớn nhất là thiết kế của cống đã trở nên lạc hậu so với diễn biến thất thường của thời tiết. Mùa mưa năm nay mới bắt đầu bằng những cơn mưa chưa lớn, nhưng ở nhiều khu vực thuộc các lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm vừa được nạo vét và lắp đặt cống mới đã bị ngập. Thậm chí một phần đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần quận 6, quận 8 vừa mới được xây dựng cách đây chưa lâu, lại nằm ngay các lưu vực vừa được cải tạo, cũng… ngập! 

Cống mới mà còn lạc hậu thì tất nhiên cống cũ chẳng thể khá hơn. Hầu hết các tuyến cống cũ của TPHCM chỉ đáp ứng tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng 30 - 40mm, chưa kể còn bị lún, sụt, bồi lấp… Đến thời điểm hiện nay, tuy nhận thức được những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng những động thái về mặt thể chế, chính sách cũng chưa có chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế. Nhiều kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai rất chậm, do liên quan đến nhiều sở, ban, ngành nên việc đi đến thống nhất mất nhiều thời gian điều chỉnh và bổ sung.

 NGUYỄN KHOA

>>Vì sao chống cứ chống, ngập vẫn ngập? 

Tin cùng chuyên mục