Chuỗi đô thị phía Đông TPHCM: Thay đổi lớn trong năm mới

TPHCM đang rà soát, đánh giá lại việc thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách nay 5 năm. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đơn vị chủ trì thực hiện công tác này, có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về các hướng phát triển của thành phố đã được xác lập trong đồ án quy hoạch nêu trên. Tuy nhiên, phát triển mạnh về hướng Đông vẫn được đại đa số ý kiến đánh giá là quyết định đúng đắn.
Chuỗi đô thị phía Đông TPHCM: Thay đổi lớn trong năm mới

TPHCM đang rà soát, đánh giá lại việc thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách nay 5 năm. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đơn vị chủ trì thực hiện công tác này, có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về các hướng phát triển của thành phố đã được xác lập trong đồ án quy hoạch nêu trên. Tuy nhiên, phát triển mạnh về hướng Đông vẫn được đại đa số ý kiến đánh giá là quyết định đúng đắn.

Nằm ở hướng Đông của TPHCM là ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Cách nay gần 20 năm, đi trên xa lộ Hà Nội (trục đường chính của khu vực phía Đông thành phố) vào ban đêm, rất có thể bạn sẽ cảm thấy hơi… sợ vì đường vắng quá. Nay thì ngược lại, cả đêm lẫn ngày, xe chạy rầm rập. Thậm chí, bạn sẽ phải tính toán để không đi qua đây vào giờ cao điểm nếu không muốn bị kẹt xe.

Khu dân cư sầm uất bên xa lộ Hà Nội tại quận 2  Ảnh: CAO THĂNG

Không chỉ có khu vực xa lộ Hà Nội mà gần như toàn bộ khu vực phía Đông của thành phố đều tấp nập như thế. Vì là hướng phát triển chính nên thời gian qua, khu vực này đã được thành phố ưu tiên đầu tư: Mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn 2… Đặc biệt, tuyến metro đầu tiên của thành phố: tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng đang được xây dựng ở đây. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư mới, hiện đại đã ra đời như khu Thảo Điền, Khang Thông… Dấu tích của huyện Thủ Đức ngày xưa - vốn gần như bao trùm toàn bộ quận 2, 9 và Thủ Đức đã bị đẩy lùi ra rất xa… Người ta chỉ còn có thể tìm thấy dấu tích này ở các khu vực giáp với tỉnh Bình Dương.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, người được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành tổ điều phối thực hiện quy hoạch phát triển đô thị ở hướng Đông, mặc dù được đầu tư nhiều nhưng việc phát triển đô thị ở đây vẫn còn ngổn ngang. Nhiều khu dân cư mới hình thành chưa được kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực xung quanh. Một số dự án đô thị mới còn chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thiếu trường học, chợ, bệnh viện… nên chưa thu hút được nhiều người đến ở. Tình trạng nhà trống ở khu  vực này còn nhiều, vừa lãng phí tài nguyên đất, vừa làm giảm đi sức hấp dẫn của các khu đô thị.

“Sẽ có sự thay đổi lớn ở đây trong năm mới”, ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định. Sự thay đổi lớn này là để khắc phục những bất cập nêu trên. Trước hết, các quận sẽ phải rà soát lại hiện trạng các dự án phát triển đô thị đang triển khai để từ đó cùng các sở ngành của thành phố có kế hoạch khắc phục những bất cập và đặc biệt xây dựng lộ trình phát triển nhà ở đồng bộ với lộ trình phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu ở thật sự của người dân. Hạn chế đến mức tối đa hiện tượng khu dân cư không có người ở. Ông Nguyễn Thanh Toàn cũng cho hay, việc di dời Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 và khu cảng cạn ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) đã được thành phố lên kế hoạch thực hiện trong năm 2016. Hai khu đô thị mới, hiện đại, kết nối đồng bộ với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh sẽ được xây dựng ở hai khu đất mà hai cơ sở trên di dời đi. Một diện mạo đô thị mới: ít ô nhiễm môi trường (do Nhà máy Xi măng Hà Tiên di dời), ít kẹt xe (do cảng cạn dời đi) bắt đầu từ năm 2016 cho khu vực phía Đông của thành phố, là điều chắc chắn.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục