Hóc Môn: Nhiều tuyến đường sẽ xuống cấp và ngập do hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh

Đó là cảnh báo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM tại buổi làm việc của HĐND TPHCM về nông thôn mới (NTM) với huyện Hóc Môn ngày 20-10. Hệ thống thoát nước nhiều tuyến đường các xã NTM chưa có hoặc có nhưng đã lạc hậu do bị đô thị hóa nhanh, nhà cửa xây dựng liền nhau, nước mưa không thoát kịp nên mặt đường dễ bị xuống cấp trong thời gian tới.
Hóc Môn: Nhiều tuyến đường sẽ xuống cấp và ngập do hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh

(SGGP).- Đó là cảnh báo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM tại buổi làm việc của HĐND TPHCM về nông thôn mới (NTM) với huyện Hóc Môn ngày 20-10. Hệ thống thoát nước nhiều tuyến đường các xã NTM chưa có hoặc có nhưng đã lạc hậu do bị đô thị hóa nhanh, nhà cửa xây dựng liền nhau, nước mưa không thoát kịp nên mặt đường dễ bị xuống cấp trong thời gian tới.

Giải thích về vấn đề này, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết do trước đây việc bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng hàng năm còn hạn chế, nên khi làm các tuyến đường hầu như không làm hệ thống thoát nước. Nước thoát chủ yếu qua mương hở 2 bên đường. Hiện nay do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhiều công trình xây cất lấn chiếm hành lang thoát nước làm cho việc thoát nước gặp khó khăn và gây ngập cục bộ. Theo đề án nâng chất tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, huyện sẽ rà soát, đầu tư thêm cho hệ thống thoát nước để giảm bớt tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực.

Nhiều tuyến đường sẽ xuống cấp và ngập do hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhấn mạnh Hóc Môn nằm trong 3 huyện hoàn thành và được Trung ương công nhận huyện NTM, thời gian tới huyện cần rà soát các quy hoạch cũng như có dự báo chính xác khi quy hoạch, nhất là giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp sẽ chuyển dịch như thế nào và theo xu hướng nào để có đầu tư trọng điểm. Mục tiêu hướng tới nâng thu nhập bình quân ít nhất từ 63 triệu đồng/người trở lên vào năm 2020, nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp lên 800 triệu đồng/ha/năm (so với hiện nay là 44 triệu đồng/người/năm và 272 triệu đồng/ha đất nông nghiệp/năm).

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục