Hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển vùng TPHCM

Hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển vùng TPHCM

Phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, có cập nhật xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, vấn đề chống ngập úng đã được đặt ra đúng tầm mức. Đó là ý kiến đánh giá chung của các chuyên gia về bản điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 tại hội nghị thẩm định do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày 19-10.

Theo ông Ngô Quang Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam, điểm khác biệt quan trọng so với quy hoạch vùng TPHCM năm 2008 là, thay vì phát triển theo hệ thống hình sao, bản điều chỉnh quy hoạch lần này lại theo hệ thống phát triển tập trung đa cực, nghĩa là mỗi khu vực đều có sự phát triển riêng của mình, tạo thành các cực tăng trưởng, liên kết với cực tăng trưởng trung tâm là TPHCM bằng một hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Trong đó, TPHCM được xác định là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm tài chính thương mại dịch vụ chất lượng cao, là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức sáng tạo, là động lực phát triển kinh tế của toàn vùng và quốc gia, kết nối mạnh mẽ với quốc tế. Đặc biệt, việc điều chỉnh lần này sẽ không còn duy ý chí mà điều chỉnh không gian vùng theo hướng tăng cao tính khả thi và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và ngập lụt, một vấn đề nan giải mà TPHCM đang phải đối mặt.

Tác động xấu của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng quy hoạch phát triển vùng TPHCM


Theo đó, sau khi nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến tình hình ngập lụt của các khu vực trong vùng, các chuyên gia đã nhận định, lũ lụt đang gia tăng về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, ngập úng đô thị thường xuyên hơn do mưa lớn và triều cường, lượng mưa suy giảm làm thay đổi nguồn nước mặt và nước ngầm, xâm nhập mặn ngày càng tăng, nắng nóng và hiệu ứng đảo nhiệt. Vì vậy, các chuyên gia đã đề xuất, trung tâm vùng TPHCM cần hạn chế tối đa việc mở rộng vùng đô thị trung tâm về phía Nam và Tây Nam nhằm giảm thiểu các nguy cơ ngập lụt, chuyển hướng phát triển về phía Bắc và Đông Bắc có vị trí cao hơn, an toàn và ít bị tác động bởi biến đổi khí hậu hơn. Còn tại các vị trí dễ bị ngập lụt, đô thị cần được phát triển theo hướng thích nghi.

Để thực hiện quy hoạch vùng này, các chuyên gia cũng đề xuất một cơ chế mới, lần đầu tiên có tại Việt Nam nhưng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đó là cơ chế quản lý vùng. Cụ thể, sẽ có một Ban chỉ đạo trung ương vùng TPHCM do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp hội đồng vùng TPHCM, gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng được bầu luân phiên, điều phối các dự án, chương trình đầu tư, phát triển liên quan đến quy hoạch. Hội đồng vùng sẽ có nhiều trách nhiệm, từ phát triển kinh tế, phát triển hành lang, phục hồi nông nghiệp sau quy hoạch… nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng là mở rộng vai trò của trung tâm chỉ đạo chống lụt bão TPHCM với sự tham gia của các địa phương trong vùng.

Đánh giá khá cao về sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, có cập nhật các thông tin mới về xu hướng phát triển cũng như tình hình biến đổi khí hậu của bản quy hoạch này, song ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, cho rằng, các chuyên gia cần làm rõ hơn về vị trí, vai trò của hành lang biên giới, hành lang ven biển, cũng như vị thế của sân bay Long Thành và đô thị liền kề đối với sự phát triển của vùng. Các ý kiến chuyên gia cũng mong muốn bản quy hoạch này làm rõ hơn ý nghĩa của các con sông lớn đối với quy hoạch vùng như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đánh giá cao bản quy hoạch mới khi nhận định các chuyên gia trong đó có các chuyên gia tư vấn nước ngoài đã tính đến những cơ hội mới, thách thức mới, dựa trên các quan điểm mới, tư duy mới để nghiên cứu. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho rằng, với vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, TPHCM và vùng TPHCM cần được điều chỉnh quy hoạch hợp lý, hạn chế được những tác động xấu của biến đổi khí hậu, khai thác tốt hơn lợi thế địa - kinh tế - chính trị của vùng, tăng khả năng cạnh tranh và vai trò quốc tế của vùng xứng với tiềm năng.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục