Việt Nam hướng đến xây dựng các đô thị thông minh

Ngày 28-8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các ban, bộ ngành và địa phương có liên quan tổ chức hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam 2016-2030”.
Việt Nam hướng đến xây dựng các đô thị thông minh

(SGGPO). – Ngày 28-8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các ban, bộ ngành và địa phương có liên quan tổ chức hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam 2016-2030”.

Chủ trì hội thảo có Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng lãnh đạo nhiều bộ ngành TƯ, đại diện Đại sứ quán các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ. Đặc biệt, Nhóm Sáng kiến Việt Nam.

4 vấn đề lớn của đô thị hiện nay cần phải giải quyết

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hội thảo diễn ra xuất phát từ thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách có liên quan đến quốc kế, dân sinh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó đô thị có quy mô lớn là 2 đô thị đặc biệt: Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (quy mô trung bình 7-8 triệu người); khoảng gần 30 đô thị tương đối lớn bao gồm: các đô thị loại I và loại II có quy mô từ 25 vạn đến 1,5 triệu người. Năm 2014, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị là 34.017 km2 (10,26% diện tích đất tự nhiên cả nước), nội thành, nội thị là 14.760 km² (4,42% diện tích đất tự nhiên cả nước). Khu vực đô thị chiếm 10,26% diện tích đất tự nhiên cả nước, khoảng 33,6% dân số, song đóng góp khoảng 60% GDP cả nước và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Chỉ tính riền 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai chiếm 5,5% diện tích và 26,4% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn hiện nay cần phải giải quyết: đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) – Vấn đề của đô thị tăng (môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…); hạ tầng lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (giáo dục, y tế, chính quyền). “Với vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất. Ở đó, CNTT và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Theo Chủ tich Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng và phát triển các đô thị thông minh: Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung quốc, Singapore, Ân Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh

Tại Việt Nam, mặc dù còn nhiều bất cập, song hiện nay, các đô thị Việt Nam đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển CNTT, truyền thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh. Cụ thể, tỷ lệ người sử dụng internet/tổng dân số năm 2014 đạt 43,8%, cao hơn tỷ lệ của thế giới là 42,2% và châu Á là 34,8%. Việt Nam có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT với 500.000 lao động và doanh thu lớn. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực đời sống xã hội, rõ nhất là ở các lĩnh vực quản lý ngân sách và kho bạc, quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, quản lý giao thông, quản lý đất đai, qui hoạch, xây dựng, môi trường…“Từ bức tranh của các đô thị Việt Nam, có thể thấy Việt Nam cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu. Đô thị thông minh nhằm đạt tới 4 mục tiêu: hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao (2025: diện tích đô thị khoảng 15% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% (dân số), tạo ra khoảng 75% GDP); môi trường sống ngày càng tốt hơn; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.

Đô thị thông minh là vấn đề mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, hội thảo lần này nhằm giới thiệu thực tế và bài học kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; góp ý cho Đề án khung “Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam 2016 - 2030”; tìm hiểu khả năng các nước hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển các đô thị thông minh 2016 – 2030. Đặc biệt, đây cũng là dịp để làm rõ hơn thực tiễn ứng dụng CNTT – truyền thông ở các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị cơ sở trong ngành... cũng như thực trạng và khả năng phát triển các ứng dụng CNTT và viễn thông của các tập đoàn CNTT – viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT và FPT đối với tương lai phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam.

Theo  đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sau hội thảo này, MTTQ Việt Nam và các bộ ngành sẽ phối hợp kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

 Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc sáng kiến Việt Nam tại hội thảo, khái niệm thành phố thông minh đã được giới thiệu ở Việt Nam trong những năm gần đây. Một số nơi đã có những bước triển khai. Ví dụ, từ tháng 5-2012, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam và là một trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM hỗ trợ phát triển dự án ‘‘Thành phố thông minh hơn’’. Hiện tại, một số thành phố khác như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh của TP thông minh, như thử nghiệm thẻ thay vì bán vé xe buýt theo kiểu truyền thống. Việc triển khai wifi ở một số nơi, những đề xuất của việc sử dụng điện thoại di động để truyền tải tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hóa những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày… là rất đáng chú ý. Nhưng dường như những yếu tố của thành phố thông minh ở Việt Nam hiện nay dường như chưa được nhắc đến nhiều. Những nhân tố hay công nghệ mới được đưa vào cả hai kênh là Nhà nước và thị trường trên thực tế chỉ được công chúng đón nhận ở mức độ chừng mực nào đó. Để áp dụng và điều kiện khả thi ở Việt Nam, khái niệm và tầm nhìn tổ chức đô thị thông minh cần được nghiên cứu kỹ, có lộ trình.

Trong khi đó, từ thực tế xây dựng 50 đô thị thông minh của Hàn Quốc, Tiến sĩ Jae Yong Lee, Uỷ Viên Ban Dự án thành phố thông minh- Gyeongsangbuk-do, Thư ký Ban hỗ trợ lập kế hoạch thành phố thông minh đến từ Hàn Quốc khuyến nghị: Để xây dựng đô thị thông minh, Hàn Quốc ban hành luật vì cơ sở pháp lý là rất quan trọnng. Việt Nam đang xây dựng đô thị mới, chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh, mang lại tiện ích cực lớn cho người dân. Theo chuyên gia này, để xây dựng đô thị thông minh, Việt Nam cần xác định rõ khái niệm, mục tiêu. Vì việc lựa chọn khái niệm, mục tiêu này sẽ tác động đến chính sách. Mục tiêu của Hàn Quốc là quản lý đô thị hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, dựa trên 2 mục tiêu này mà xây dựng quy hoạch và chính sách. Muốn làm đô thị thông minh, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý, tiếp đến là vấn đề quy hoạch (các đô thị thông minh đều là dự án quốc gia của Hàn Quốc).

Trước tiên, cần xây dựng hạ tầng thông minh, ví dụ khi đường bị tắc thì lái xe có thể được cung cấp thông tin để họ có thể chuyển sang đường khác. Để làm được điều đó thì phải có những trung tâm điều khiển. Đây là đầu mối để quản lý giao thông, phòng tránh thiên tai.. và rất nhiều nội dung khác.

 Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục