Cạnh tranh kém do thiếu trách nhiệm môi trường

Sản xuất thiếu trách nhiệm với môi trường
Cạnh tranh kém do thiếu trách nhiệm môi trường

Trong bối cảnh Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại kinh tế với nhiều nước, đã mở ra rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan giảm dần về 0% thì hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề môi trường lại được dựng lên rất nhiều. Và đây chính là điểm yếu của các DN Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất không bảo vệ môi trường sẽ gặp rào cản khi xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thiếu trách nhiệm với môi trường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện còn hơn 300 DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong Quyết định 64 của Chính phủ phải di dời, chuyển đổi công năng hoặc đóng cửa sản xuất. Ngoài ra, trên cả nước đã phát sinh hơn 1.600 DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường mới. Các tỉnh thành có số DN gây ô nhiễm môi trường trải đều cả nước, trong đó tập trung mạnh tại những tỉnh thành có lượng DN đầu tư nhiều như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TPHCM. Việc kiểm tra và xử lý các DN có hành vi vi phạm môi trường ngày càng khó khăn do DN vi phạm ngày càng tinh vi. Nhất là những DN nằm trên hệ thống sông, kênh rạch hoặc tại những khu vực giáp ranh các tỉnh. Lợi dụng sự khó khăn của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử phạt những hành vi vi phạm môi trường khu vực giáp ranh, nhiều DN đã không ngần ngại kết nối các ống xả thải ra kênh và lén lút xả ra vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã đến mức báo động. Ô nhiễm không khí luôn vượt tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần, nhất là tại khu vực thành phố có đông dân cư sinh sống và khu công nghiệp tập trung như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Lượng chất thải rắn tăng nhanh trung bình 35 triệu tấn/năm vào 2010 lên khoảng 44 triệu tấn/năm vào năm 2015. Và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 68 triệu tấn/năm vào năm 2020. Đó là chưa kể còn hàng triệu tấn hóa chất độc hại đang bị thải vào nguồn nước thông qua hệ thống sông, kênh rạch và đồng ruộng. Chỉ tính riêng tại 3 hệ thống lưu vực sông lớn của nước ta là sông Cầu, Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm cục bộ chất hữu cơ. Chất rắn lơ lửng, hàm lượng BOD5 luôn vượt ngưỡng cho phép. Cá biệt, có nơi chỉ số kim loại, dầu mỡ và vi sinh vượt ngưỡng cho phép. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có đến 200 ngàn người bị ung thư mà nguyên nhân một phần là do tiếp xúc chất thải ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này cho thấy, mức độ nguy hại của ô nhiễm môi trường đang tác động nặng nề lên sức khỏe con người.

Doanh nghiệp mất cơ hội phát triển

Xuất phát từ thực tế đó mà nhiều nước trên thế giới đã rất coi trọng việc sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường. Việc coi trọng này không chỉ giới hạn trong nội bộ của DN mà cả với đối tác hợp tác của DN. Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nếu DN vẫn chọn cách hoạt động gian dối như thế thì có thể có lợi trước mắt nhờ ăn gian vào chi phí xử lý môi trường, nhưng ngược lại sẽ có hại về lâu dài. Thực tế thời gian qua, hiệp hội đang phải hỗ trợ xử lý nhiều DN bị trả lại đơn hàng xuất khẩu vì lý do không đảm bảo trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc trong tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa và thường mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Tuy nhiên, một khi các đối tác nước ngoài phát hiện DN có hành vi thiếu trách nhiệm xã hội như không đóng thuế, không đảm bảo an toàn lao động, lạm dụng lao động trẻ em hay không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường… thì dù sản phẩm của DN có đạt chất lượng tốt theo yêu cầu cũng sẽ bị trả về. Đồng thuận với quan điểm này, bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết, trong số các rào cản kỹ thuật mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng, có rào cản về môi trường. Đặc biệt là với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có thể thấy, quan điểm phát triển của các nước phát triển nói chung là kêu gọi các nước phải gìn giữ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chất thải. Với hoạt động sản xuất thì ưu tiên chuyển công nghệ sản xuất tiên tiến nhiều nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên và phát sinh nhiều ô nhiễm sang công nghệ sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, chỉ cần DN bị phát hiện có một hành vi vi phạm môi trường dù nhỏ thì rủi ro thiệt hại kinh tế mà doanh nghiệp phải đối mặt là rất lớn. Thậm chí, DN phải mất thời gian khá dài để lấy lại uy tín và năng lực của mình đối với đối tác khách hàng.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục