Gắn kinh tế biển với môi trường

Gắn kinh tế biển với môi trường

Chiếm 1/3 diện tích TPHCM, được bao bọc bởi các con sông lớn và giáp với biển, từng chứng kiến và tham gia nhiều sự kiện lịch sử, huyện Cần Giờ có nhiều bước phát triển sau ngày giải phóng, trong đó có nhiều nét đổi thay sau nhiệm kỳ vừa qua. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Cần Giờ định hướng tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường thành phố, trong đó có khu Rừng Sác ngập mặn - được ví là “lá phổi xanh” của thành phố và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bốn điều được của Cần Giờ

Bốn điều có được lớn nhất ở Cần Giờ sau 40 năm giải phóng, đó là rừng, đường, điện, nước - đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và cuộc sống của bà con nơi đây. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Cần Giờ tiếp tục đầu tư các công trình phúc lợi xã hội từ nhiều nguồn vốn nhằm nâng cao đời sống người dân như trường, trạm, nuôi trồng thủy sản, lễ hội văn hóa... Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Cần Giờ đang đứng trước thời cơ và thách thức mới nhằm phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng và trong lao động của thời kỳ đổi mới.

Đường Rừng Sác qua xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Ảnh: CAO THĂNG

Ngay từ sau khi sáp nhập trở về thành phố, việc trồng lại rừng cùng với việc xây dựng tuyến đường nối từ bến phà Bình Khánh đến thị trấn Cần Thạnh được triển khai sớm. Trong chiến tranh, chất độc hóa học đã hủy diệt như toàn bộ rừng đước nguyên sinh, với gần 60 lít chất độc trên mỗi hécta. Với tất cả sự cố gắng trồng lại rừng, hàng trăm tấn trái đước giống được chuyên chở từ miền Tây về trồng và giờ đây màu xanh đã bao phủ trên 38.000ha. Từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển vào năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ chính thức gia nhập vào mạng lưới 368 Khu dự trữ sinh quyển thuộc 91 quốc gia của thế giới, người dân nơi đây càng thấy trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị có được từ rừng.

Được khởi công từ năm 2002, đường Rừng Sác dài 36,5km được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011, là con đường cửa ngõ hướng ra biển của TPHCM, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển của huyện Cần Giờ, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời, tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị ngành điện, nước đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân. Đây là con đường không chỉ do ngành giao thông làm mà là công trình có sự huy động các lực lượng thanh niên thành phố tham gia đào đắp. Cùng với việc hoàn thành tuyến đường bộ huyết mạch, Cần Giờ đang kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tàu thủy, trong đó, có thể xây dựng bến tàu cánh ngầm. Việc mở rộng đường Rừng Sác là mở đường cho Cần Giờ phát triển, để người dân Cần Giờ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đưa Cần Giờ phát triển nhanh hơn, hòa với sự phát triển chung của TP.

Năm 1995, Cần Giờ được điện khí hóa và đến đầu năm 2015, điện lưới quốc gia đã kéo đến xã đảo Thạnh An với tuyến cáp dài 5.600m, góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cần Giờ. Năm 2011, công trình cung cấp nước ngọt cho Cần Giờ được khánh thành, đáp ứng niềm mơ ước ngàn đời của người dân nơi đây. Cần Giờ hôm nay không chỉ có ruộng muối tự nhiên mà còn có ruộng muối trải bạt, không chỉ có những vùng nuôi tôm tự nhiên mà còn có những vùng nuôi tôm thâm canh, tăng năng suất, rồi những ruộng nghêu, ốc rộng lớn, hấp dẫn...

Dấu ấn trên cửa ngõ hướng ra biển

Noài các hoạt động du lịch, như khám phá chiến trường xưa, thăm khu căn cứ Rừng Sác - nơi vang danh chiến tích của Đoàn 10 anh hùng, thăm các đảo có cuộc sống gắn với thiên nhiên trong lành..., Cần Giờ còn hấp dẫn bởi các lễ hội Nghinh Ông, các vùng cây ăn trái, các khu du lịch biển... Nhiệm kỳ vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt, trong đó con số đầy ấn tượng của năm 2014 là giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.123 tỷ đồng, tôm, cua, nghêu, sò, hàu đạt hơn 14.000 tấn, muối trên 110.000 tấn, sản lượng chim yến nuôi đạt 2,5 tấn. 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, bảo hiểm y tế đạt trên 83%, 32/33 ấp văn hóa. Cần Giờ có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại cũng đã cơ bản đạt các tiêu chí, đang phấn đấu để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới toàn huyện. Đảng bộ Cần Giờ hiện có 2.032 đảng viên, phát triển đảng trong nhiệm kỳ đạt 636/500, không có cơ sở yếu kém 2 năm liền.

Thành tựu đạt được của Cần Giờ trong chặng đường qua, trong đó có nhiệm kỳ vừa qua, là rất lớn, đáng tự hào nhưng một số mặt cũng còn có khoảng cách so với thành phố và so với yêu cầu phát triển. Trong đó đòi hỏi sự chủ động quảng bá, tập trung thực hiện các giải pháp mang tính đột phá. Sắp tới, Cần Giờ sẽ phát triển mạnh về kinh tế biển, rồi sẽ có cầu lớn bắc qua như Phước Khánh, Bình Khánh, vùng đất này sẽ tiếp tục được đầu tư, được đánh thức bởi các công trình. Nhưng thách thức lớn phải chăng là giữ cho Cần Giờ luôn có được môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển thêm mảng xanh, có môi trường văn hóa, có con người đậm chất văn hóa, chân chất, mạnh mẽ, mặn mòi của miền biển, cùng với những sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm dấu ấn và sự khác biệt của Cần Giờ.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục