Thực phẩm nhiễm hóa chất: Khó kiểm soát

Nhiều loại thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên thị trường. Thực trạng này đang khiến cho tình hình ngộ độc thực phẩm gia tăng, nhất là tại khu vực tập trung đông người như khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều đáng nói là việc kiểm soát chặt chẽ thực phẩm bẩn này của cơ quan chức năng đang còn rất bất cập

Nhiều loại thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên thị trường. Thực trạng này đang khiến cho tình hình ngộ độc thực phẩm gia tăng, nhất là tại khu vực tập trung đông người như khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều đáng nói là việc kiểm soát chặt chẽ thực phẩm bẩn này của cơ quan chức năng đang còn rất bất cập.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong số 343 mẫu thực phẩm được chọn xét nghiệm, có 163 mẫu phát hiện có chất phụ gia thực phẩm vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong số hơn 250 cơ sở bị thanh, kiểm tra, có đến gần 1/3 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia thực phẩm. Hơn 1.000kg thực phẩm bẩn các loại đã được thu hồi và tiêu hủy. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, số sản phẩm vi phạm ATVSTP bị phát hiện và tiêu hủy đều chỉ là số ít thực phẩm bẩn bị phát hiện đang bày bán trên thị trường.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), nhấn mạnh thêm, ATVSTP hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Có nhiều sản phẩm không đảm bảo ATVSTP lưu hành trên thị trường nhưng bằng mắt thường không thể phân biệt được mà cần có trang thiết bị kiểm định. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm định thực phẩm nước ta còn yếu, không đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Điều này cũng lý giải, những vụ việc thực phẩm bẩn bị phát hiện thời gian qua đều xuất phát từ kết quả kiểm tra, phân tích từ nước tiên tiến trên thế giới. Còn tại Việt Nam, phải dựa trên thông tin đã phát hiện để triển khai kiểm tra. Mặt khác, theo các chuyên gia môi trường, hiện có khoảng 200.000 hóa chất được sử dụng trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống mà không một loại máy móc nào có thể kiểm định hết được. Do vậy, các cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát diễn biến vấn đề vi phạm ATVSTP.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, nguyên nhân thực trạng này một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng sản phẩm mà không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng của người tiêu dùng nước ta. Người tiêu dùng cũng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình như mua hàng không lấy hóa đơn; không xem nhãn mác, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng; ngại khiếu nại, khiếu kiện. Bên cạnh đó, năng lực thanh, kiểm tra còn kém khiến cho tình trạng không tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhiều DN vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo thành sức mạnh để buộc các DN không chân chính, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với người tiêu dùng. Do vậy, để có thể kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ngoài việc cần nâng cao năng lực đội ngũ thanh, kiểm tra, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng để đảm bảo cho thị trường, luật và chính sách cạnh tranh phải trở thành công cụ hữu hiệu nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng.

HỒNG HÀ

Tin cùng chuyên mục