Giải quyết ô nhiễm chưa thống nhất giữa các địa phương

Không chỉ đối diện với thực trạng ô nhiễm, Việt Nam còn phải đối diện với lượng chất thải tăng nhanh khó kiểm soát. Nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được đưa ra nhưng chỉ mới giải quyết phần ngọn. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, có đến hơn 9.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng?

Không chỉ đối diện với thực trạng ô nhiễm, Việt Nam còn phải đối diện với lượng chất thải tăng nhanh khó kiểm soát. Nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được đưa ra nhưng chỉ mới giải quyết phần ngọn. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, có đến hơn 9.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng?

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện trạng ô nhiễm môi trường nước ta tăng nhanh từng năm. Đơn cử, với chất thải rắn, năm 2010, lượng chất thải rắn chỉ khoảng 35 triệu tấn/năm. Thế nhưng, đến năm 2014, lượng chất thải rắn là 44 triệu tấn/năm. Và cùng với tốc độ gia tăng này, con số chất thải rắn sẽ tăng lên 68 triệu tấn/năm vào năm 2020. Lượng chất thải rắn tăng nhiều nhất là ở các đô thị lớn. Chưa hết, các đô thị lớn còn phải đối mặt với nạn ô nhiễm khí thải. Tại các nút giao thông của các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí luôn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước… Không dừng lại đó, tình trạng ô nhiễm làng nghề, khu công nghiệp, ngập úng và những hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đang tác động nặng nề đến môi trường sống của người dân.

Lý giải thực tế này, theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân trước hết là khâu kêu gọi đầu tư. Hiện nay, ngoại trừ một số thành phố lớn, có năng lực thu hút đầu tư tốt mới đề cập đến yếu tố đầu tư xanh. Có nghĩa là ngay từ kêu gọi đầu tư, họ đã có sự lựa chọn những nhà đầu tư ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại với những nhà đầu tư ngành nghề có chất thải phát sinh lớn, khó có khả năng xử lý ô nhiễm môi trường triệt để thì bị từ chối. Tuy nhiên, với những tỉnh thành nghèo trên cả nước thì không hoàn toàn như vậy. Kêu gọi đầu tư bằng mọi giá vẫn luôn là giải pháp mà họ đang áp dụng. Do vậy mà trên thực tế, vẫn còn những trường hợp cục bộ tại tỉnh thành này không còn cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhưng tính trên tổng thể vùng thì ô nhiễm môi trường vẫn đang hoành hành. Đơn cử như hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Trong khi các tỉnh thành khu vực hạ nguồn đã bắt đầu thực hiện thanh lọc những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp buộc di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào những điểm đến an toàn hơn với môi trường hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất thì những tỉnh khu vực thượng nguồn vẫn tiếp nhận cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Hệ quả là toàn bộ lượng chất thải ô nhiễm vẫn thải vào một dòng sông chung là hệ thống lưu vực sông Đồng Nai.

Luật Bảo vệ môi trường và những điều kiện cần thiết để thực thi luật còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Cho đến nay, những trường hợp có hành vi vi phạm môi trường ngoài biện pháp xử phạt hành chính thì vẫn chưa áp dụng những biện pháp mạnh hơn là khởi tố hình sự. Do vậy mà vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt vi phạm môi trường thay vì đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Mặt khác, sự yếu kém về nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác thanh kiểm tra môi trường tại các tỉnh thành đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp từ chối tự giác thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đến cộng đồng.

Quan trọng hơn, những chính sách đầu tư để phục hồi cho môi trường vẫn chưa tương xứng với tốc độ hủy hoại môi trường do phát triển kinh tế và sự gia tăng đô thị hóa gây ra. Từ năm 2006, cho phép ngân sách trích lại 1% chi cho hoạt động cải thiện môi trường bao gồm đầu tư dự án xử lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là một con số quá hạn chế so với núi công việc cải thiện ô nhiễm môi trường cần thực hiện. Đã vậy, không phải địa phương nào cũng có ngân sách 1% đủ để dành cho hoạt động cải thiện môi trường.

Chính vì tất cả những yếu tố trên mà theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam đang giải quyết phần ngọn của vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, với cách ưu tiên hạn chế cho hoạt động bảo vệ môi trường thì Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với những thách thức ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục