Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015

(SGGP).- Sáng 20-3, tại Bắc Giang, Bộ TN-MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015 (22-3).

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kêu gọi mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; cùng nhau hợp tác để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ là “đảm bảo bền vững về môi trường”.

Cũng tại buổi lễ, bà Victoria Kwaka, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề cung cấp nước sạch thông qua việc thực hiện và phát triển “Chương trình nhân rộng cung cấp nước sạch vùng nông thôn”.

ANH THƯ

Của trời cho đang cạn

Nếu ai đó còn nghĩ tài nguyên nước là “của trời cho” không bao giờ cạn, chắc chắn sẽ phải nghĩ lại khi chứng kiến những cánh đồng khô nẻ, gia súc gầy mòn xơ xác và những người nông dân đen sạm mệt mỏi ở Ninh Thuận - cảnh thường thấy trên truyền hình những ngày gần đây. Đó là hậu quả của hơn 300 ngày không một giọt mưa, là một cảnh báo sâu sắc và trực quan đúng vào dịp Ngày Nước thế giới 22-3.

Theo số liệu điều tra, Việt Nam có trên 3.400 sông, suối tương đối lớn với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m³, nhưng gần 2/3 là từ nước ngoài chảy vào, còn lượng nước nội sinh chỉ chiếm gần 1/3. Mặt khác, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70% - 80% tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng nhưng chỉ có khoảng 20% - 30% tổng lượng nước. Do đó, về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác và tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả chưa được cải thiện.

Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều theo không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong 4 - 5 tháng mùa mưa, chiếm 75% - 85% tổng lượng mưa hàng năm. Trong khi đó lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15% - 25%. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước do hoạt động kinh tế - xã hội phát triển tự phát; các hoạt động khai thác rừng bừa bãi làm triệt tiêu nguồn sinh thủy; biến đổi khí hậu cũng tác động rất lớn đến tài nguyên nước, như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng gây nhiễm mặn diện rộng… Sẽ có những thời điểm khắc nghiệt không thể dự đoán và kể cả đã biết trước mà không sao tránh được.

Trong khi đó, “cơn khát” ngày càng gia tăng: hiện nay mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,6 tỷ m³ nước. Đến năm 2020, con số này được dự báo tăng lên đến 120 tỷ m³.

Trong khu vực, những năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, hoạt động xây đập, chặn dòng làm thủy điện và chuyển nước sang các lưu vực sông khác cũng đã và đang là nguy cơ làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Trước những thách thức về tài nguyên nước, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước, đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, lồng ghép với điều tra cơ bản về tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. Đây là một cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược và kế hoạch giải quyết đồng bộ các vấn đề phức tạp đang xảy ra, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững. Bên cạnh đó, do tính chất liên vùng, liên khu vực của tài nguyên nước, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các quốc gia có chung nguồn nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế để đạt được sự ủng hộ, đồng thuận giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia theo nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, mà Việt Nam là thành viên chính thức thứ 31.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục