Đảm bảo an ninh nguồn nước cho hạ du sông Hồng

Ngày 27-2, tại Hà Nội, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp tổ chức tọa đàm về “Hiện trạng suy giảm mực nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho hạ du sông Hồng”.

(SGGP).- Ngày 27-2, tại Hà Nội, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp tổ chức tọa đàm về “Hiện trạng suy giảm mực nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho hạ du sông Hồng”.

Theo GS-TS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), những năm gần đây về mùa khô, mực nước ở hạ du đồng bằng Bắc bộ, cụ thể là trên các lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình đều bị khô hạn nghiêm trọng so với trước, gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông thủy và sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt… Nguyên nhân là do tình trạng hạ thấp cao độ, mở rộng lòng sông (khai thác cát và vật liệu xây dựng quá mức) và tăng tỷ lệ phân nước sang sông Đuống ở vùng mực nước thấp. Lòng dẫn sông Hồng, sông Lô, sông Đuống trong những năm gần đây đang bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ướt ở nhiều đoạn.

Trong khi đó, các hồ thủy điện ở thượng nguồn Tây Bắc và Việt Bắc tăng cường tích nước về mùa khô. Để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho dân cư ở hạ du, các hồ thủy điện lớn như Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La… phải tăng cường xả nước và tiết kiệm nước. Xả nước cứu lúa ở hạ du Bắc bộ là bắt buộc và được coi là nhiệm vụ của các hồ chứa thượng nguồn. Mùa khô hàng năm, các hồ chứa phải xả xuống hạ du một lượng nước lớn trên dưới 5 tỷ m³ và sẽ không đủ nước để phát điện theo công suất yêu cầu thời kỳ cuối mùa kiệt. Đồng thời, nếu trước và sau thời kỳ đổ ải, các hồ chứa thủy điện phải điều tiết theo công suất đảm bảo để duy trì mực nước sông tại Hà Nội từ 1,4m - 1,7m thì điện năng có thể không thiệt hại nhiều nhưng số tháng thiếu nước cuối mùa kiệt là thường xuyên.

Còn theo GS-TS Hà Văn Khối thuộc Trường Đại học Thủy lợi, vấn đề nguồn nước ở Bắc bộ đang được báo động. Để khắc phục tình trạng thiếu nước và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát điện và sản xuất - sinh hoạt, cần tính các phương án hữu hiệu như xây dựng một số đập ngầm nâng đáy sông, xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp các trạm bơm, xây dựng các công trình điều tiết ở hạ du sông Hồng và sông Đuống. Đồng thời, hạn chế tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép, khơi thông luồng lạch đúng theo kỹ thuật và quy hoạch để tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục