Đại hội biển Đông Á lần thứ 5: Ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường

(SGGP).- Ngày 18-11, trong khuôn khổ hoạt động đại hội biển Đông Á lần thứ 5, Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và Việt Nam đã tổ chức phiên họp toàn thể 2 với chủ đề “Hành động của địa phương góp phần vào cam kết toàn cầu” tại TP Đà Nẵng.

Tại phiên họp này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đạt đủ các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho cư dân sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ có đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức cao nhất của người dân sống. Chính quyền thành phố cũng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sạch, xây dựng các dự án theo cơ chế sạch, lồng ghép môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương. Thành phố cũng từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khai thác tiềm năng vị thế. Có thể thấy việc triển khai một cách nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết thể hiện trách nhiệm của Đà Nẵng đối với khu vực cũng như toàn cầu, bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết cũng mang lại cho thành phố nhiều cơ hội trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực đổi mới công nghệ.

Trước đó, trong phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, biển và hải đảo có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng; có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH và giao thương của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang dần cạn kiệt, việc khai thác, sử dụng quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, xả thải gây ô nhiễm môi trường biển; nhất xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn trái với quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và biển Đông Á, làm ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia, tới cuộc sống của con người. Do vậy, để phát triển bền vững không chỉ cần nỗ lực của mỗi quốc gia mà còn cần sự chung tay của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục