Thi công cẩu thả, ai xử lý?

Thời gian qua, TPHCM triển khai hàng loạt công trình đào đường để lắp đặt hệ thống thoát, cấp nước, điện, điện thoại... Điều này đã giúp bộ mặt hạ tầng giao thông của thành phố dần thay đổi về mỹ quan đô thị. Không chỉ ở các quận trung tâm, hàng loạt tuyến đường mới ở các quận ven như Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, kênh Tân Hóa - Lò Gốm… đã được ngầm hóa toàn bộ, trông rất hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề khiến người dân bức xúc, đó là nhiều tuyến đường cứ đào đi đào lại nhiều lần, việc tái lập mặt đường sau khi thi công xong thực hiện một cách cẩu thả, gây nguy hiểm cho người đi đường và mất mỹ quan đô thị.

Theo quy định, các công trình đào đường lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật, sau khi hoàn thành, đơn vị thi công phải tái lập, hoàn trả mặt đường theo đúng hiện trạng với mặt đường hiện hữu. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều đơn vị thi công xong, tái lập mặt đường qua loa khiến nhiều tuyến đường nham nhở. Đơn cử, tại các đường Hai Bà Trưng, Hồng Bàng, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, khu vực mũi tàu công viên Phú Lâm và đường An Dương Vương (quận 6)… mặt đường tháng nào cũng được “phẫu thuật” chằng chịt. Không những tái lập cẩu thả mà còn đào tới đào lui không biết bao nhiêu lần, khiến mặt đường “lăn tăn” như “sóng biển”. Thậm chí có nơi, đơn vị thi công sau khi hoàn thành công trình đã lấp lại mặt đường bằng bê tông xi măng chứ không phải bằng nhựa đường. Đáng lo, tại những quận ven như quận 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp…, do tái lập cẩu thả, mặt đường nhấp nhô đã trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc lưu thông mà còn làm ứ đọng nước, khiến đường sá nhanh xuống cấp.

Trong các cuộc họp về cơ sở hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành khi thực hiện các công trình ngầm dưới lòng đường phải phối hợp cùng thi công một lần và tiến tới chấm dứt tình trạng một tuyến đường đào đi đào lại nhiều lần. Tức là khi triển khai nâng cấp, sửa chữa tuyến đường nào đó, Sở Giao thông Vận tải phải thông báo cho tất cả các đơn vị như thoát nước, cấp nước, điện, điện thoại, cáp quang... có kế hoạch cùng thực hiện, nếu có dự án ngầm trên tuyến đường đó. Nếu đã thông báo, đơn vị nào không thực hiện thì sẽ không được cấp phép đào đường trong vòng 1 năm, thậm chí 3 - 5 năm. Điều này sẽ hạn chế việc đào đi đào lại nhiều lần trên một tuyến đường.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra giao thông cũng đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt như tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng, đình chỉ thi công các công trình vi phạm. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy các đơn vị thi công dường như đã lờn thuốc, nên tình trạng vi phạm vẫn cứ tái diễn nhan nhản trên mặt đường. Thi công cẩu thả, vi phạm này cứ như câu chuyện dài không có hồi kết!

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục