Khó chuyển hóa các cụm công nghiệp

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố còn 13 cụm công nghiệp (CCN) chưa có cơ sở hạ tầng. Điều đáng nói là các CCN này thực chất là các điểm sản xuất công nghiệp xen cài trong khu dân cư, sau đó được UBND TP quy hoạch lại thành CCN. Do vậy, việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng là hết sức khó khăn.

Đơn cử như CCN Phú Mỹ, tính cho đến nay toàn cụm có 25 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất các loại ngành nghề như sản xuất dầu ăn, thiết bị điện, sản phẩm nhựa, sản xuất các loại nước chấm, gia vị, gia công cơ khí, chiết nạp gas… Thế nhưng, cho đến nay cụm vẫn chưa có chủ đầu tư hạ tầng, chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung… Tương tự, tại CCN Bình Đăng quận 8; CCN Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức; CCN Tân Quy A và B huyện Củ Chi; CCN Đông quốc lộ 1A quận Bình Tân; CCN Tân Hiệp A, B huyện Hóc Môn; CCN Trần Đại Nghĩa, Tân Túc; CCN Tân Thới Nhất quận 12… đều đang có doanh nghiệp hoạt động nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các CCN trên được hình thành do quá trình di dời tự phát của các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm khu vực nội thành ra và được các quận huyện cấp phép thành lập chỉ một số ít trong các doanh nghiệp này có đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng cũng rất ít khi hoạt động, thường chỉ để hoạt động đối phó với các cơ quan chức năng. Phần lớn doanh nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì xả trực tiếp vào hệ thống kênh rạch hoặc cống thải nước sinh hoạt của khu dân cư. Điều đáng nói là thời gian gần đây, tình trạng người dân ở xen cài với các cơ sở sản xuất ngày càng dày đặc cộng với hệ thống giao thông, hạ tầng thoát nước tại nhiều CCN xuống cấp nghiêm trọng không được đầu tư cải tạo nên nước thải sản xuất của các doanh nghiệp đã tràn vào khu dân cư.

Thực trạng trên khiến cho việc thu hút và lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng cho các cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp đang hoạt động từ trước gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ranh giới quy hoạch của CCN đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Do vậy, việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng mới hạ tầng bao gồm phần đất của các doanh nghiệp hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch gặp rất nhiều trở ngại. Chưa hết, về công tác quản lý đối với CCN cũng rất rối rắm.

Theo quyết định của UBND TP, công tác quản lý nhà nước đối với CCN không tập trung vào một cơ quan như khu chế xuất - khu công nghiệp mà phân tán về nhiều sở ngành chuyên môn khác nhau như xây dựng và điều chỉnh quy hoạch (Sở Công thương), quy hoạch chi tiết xây dựng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - đầu tư), quản lý môi trường và sử dụng đất (Sở Tài nguyên và môi trường)… Hệ quả là trình tự và thủ tục đầu tư vào CCN kéo dài. Công tác kiểm tra hậu đầu tư cũng như thống kê báo cáo cũng không thống nhất và đồng bộ.

Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN đã tồn tại quá lâu gây nhức nhối trong cộng đồng dân cư. để có thể đẩy nhanh tiến độ cải thiện chất lượng môi trường tại các CCN, trước hết cần phải chuyển giao các CCN về Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp để hợp nhất quản lý về thẩm định đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý doanh nghiệp, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công tác bảo vệ môi trường... Từ đó, tạo điều kiện, chính sách hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng cho những CCN trên. Đồng thời, tạo tâm lý ổn định cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

XUÂN MINH

Tin cùng chuyên mục