Lượng rác thải Việt Nam tăng chóng mặt

Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại các cuộc họp lấy ý kiến của các tỉnh thành về Chương trình thúc đẩy, giảm thiểu, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn đến năm 2015.

(SGGP).- Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại các cuộc họp lấy ý kiến của các tỉnh thành về Chương trình thúc đẩy, giảm thiểu, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn đến năm 2015.

Cụ thể, năm 2008, lượng rác thải của nước ta khoảng 28 triệu tấn, so với năm 2003 tăng 200%. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì lượng chất thải này sẽ cán mức 44 triệu tấn/năm. Và đến năm 2020 sẽ là 67 triệu tấn/năm. Thực trạng này đang tạo gánh nặng khá lớn cho ngân sách các địa phương chi trả cho việc xử lý rác thải, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Không chỉ vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động xử lý rác thải cũng rất đáng lo ngại khi công nghệ xử lý rác thải của các tỉnh thành đều bằng phương pháp chôn lấp.

Hiện tại, nhiều địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng lượng rác tái chế, giảm thiểu lượng rác phải xử lý. Trong đó, tập trung nhất là giải pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, các dự án này chỉ triển khai mô hình thí điểm nên khi kết thúc không duy trì được hiệu quả lâu dài. Một vấn đề quan trọng khác là tình trạng bất cập trong thu gom và xử lý rác thải cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý bị thất bại.

Để có thể kiểm soát chất lượng cũng như nâng cao hiệu quả xử lý rác thải từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ 13 giải pháp. Cụ thể, sửa đổi quy định về tái chế, tái sử dụng chất thải trong các bộ ngành; xây dựng các hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai có hiệu quả các hoạt động giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn cấp tỉnh; xây dựng chính sách mua sắm công phải ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế từ nguồn ngân sách và chính sách thu phí phát sinh chất thải theo khối lượng; thúc đẩy hoạt động sản xuất tiêu thụ túi ni lông thân thiện môi trường.

Đồng thời, ban hành những quy định về việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông truyền thống tại các trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển thị trường chất thải, năng lực tái chế và xây dựng mạng lưới các cơ sở thu gom, tái chế chất thải rắn; xây dựng mô hình điểm về phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…

PHÙNG VÂN

Tin cùng chuyên mục