Phát triển hạ tầng giao thông đô thị TPHCM: Lời giải từ mô hình hợp tác công - tư

Mỗi năm TPHCM cần 23.740 tỷ đồng cho riêng lĩnh vực giao thông. Trong khi đó, ngân sách TP đáp ứng khoảng 3.400 tỷ đồng và nếu kể cả nguồn vốn ODA và ngoài ngân sách thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8.000 tỷ đồng (khoảng 30% nhu cầu vốn) mỗi năm. Trước áp lực rất lớn lên ngân sách TP, theo Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), việc ứng dụng mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân (PPP) - mô hình còn mới mẻ ở Việt Nam được đánh giá là “chìa khóa” giải bài toán nhu cầu vốn.
Phát triển hạ tầng giao thông đô thị TPHCM: Lời giải từ mô hình hợp tác công - tư

Mỗi năm TPHCM cần 23.740 tỷ đồng cho riêng lĩnh vực giao thông. Trong khi đó, ngân sách TP đáp ứng khoảng 3.400 tỷ đồng và nếu kể cả nguồn vốn ODA và ngoài ngân sách thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8.000 tỷ đồng (khoảng 30% nhu cầu vốn) mỗi năm. Trước áp lực rất lớn lên ngân sách TP, theo Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), việc ứng dụng mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân (PPP) - mô hình còn mới mẻ ở Việt Nam được đánh giá là “chìa khóa” giải bài toán nhu cầu vốn.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, một trong những dự án tiêu biểu mô hình PPP tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hướng đi thiết thực

Một trong những dự án tiêu biểu của mô hình PPP trên địa bàn TP là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến nút giao Tân Vạn) với tổng chiều dài 15,7km. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, có sự tham gia của công ty tư nhân: Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Trong dự án này, HFIC với vai trò tài trợ tín dụng cho dự án từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức vốn tài trợ gần 600 tỷ đồng.

Vai trò của nhà nước trong dự án này được thực hiện dưới hình thức nhà nước sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngân sách. Do đây là dự án thực hiện theo mô hình PPP nên CII (nhà đầu tư) có trách nhiệm đảm bảo huy động vốn đáp ứng được tiến độ của dự án. Trong suốt vòng đời của dự án, CII duy trì, vận hành. Việc hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua thu phí. Sau khi hoàn tất thu phí, CII sẽ chuyển giao toàn bộ quyền quản lý, khai thác tuyến đường cho Nhà nước.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, việc kêu gọi được tư nhân cùng tham gia vào các dự án giao thông sẽ giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Tư nhân tham gia các dự án thuộc lĩnh vực giao thông cũng giúp cho các dự án này được quản lý hiệu quả hơn. Tiến độ của các dự án này được triển khai nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc tư nhân tham gia cũng giúp minh bạch hóa công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Về tình hình thu hút các nguồn lực xã hội, đến nay, có tổng cộng 37 dự án (tổng mức đầu tư khoảng 212.700 tỷ đồng) đã, đang và dự kiến triển khai thực hiện theo nhiều hình thức đầu tư khác nhau như BOT, BT, BOO, ứng vốn đầu tư… Bên cạnh gánh nặng về nguồn vốn đã được san sẻ, sự hợp tác này còn mở ra điều kiện tiếp cận, khai thác công nghệ - khoa học kỹ thuật tiên tiến nước ngoài trong việc xây dựng công trình (như cầu vòm Nielsen trong dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu dây văng trong dự án xây dựng cầu Phú Mỹ…). Đồng thời doanh nghiệp và người lao động trong nước có điều kiện tích lũy và nâng cao năng lực kinh nghiệm, tay nghề.

Hoàn thiện khung pháp lý đầu tư PPP

Ông Diệp Dũng, Tổng giám đốc HFIC cho rằng, việc ứng dụng mô hình PPP để phát triển hạ tầng giao thông đô thị TP là hướng đi thiết thực và phù hợp trong tình hình hiện nay. Hình thức này được áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, PPP vẫn còn là hình thức mới mẻ, có nhiều khó khăn và thách thức khi triển khai thực hiện như chưa tạo lập khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để triển khai mô hình này.

Một lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Nghiên cứu phát triển của HFIC góp ý thêm, hiện nay các nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà với PPP chủ yếu vì cơ sở pháp lý chưa đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Các dự án PPP kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn vì chưa chứng minh rõ khả năng sinh lời, khó tính toán rủi ro pháp lý và rủi ro thị trường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng hiện nay khó có thể định giá những thiệt hại do thay đổi chính sách hoặc sự chậm trễ giải ngân nguồn vốn nhà nước, ngoài ra chính sách nhà nước nên có sự đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư nếu doanh thu thực tế thấp hơn tính toán trong những năm đầu thực hiện dự án.

Để cho đầu tư hình thức PPP thu hút các nhà đầu tư tư nhân hơn, theo bà Fanny Quertamp, đồng Giám đốc Trung tâm Dự báo và nghiên cứu đô thị (PADDI), bên cạnh các giải pháp chính sách vĩ mô như xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, cần đảm bảo tính thống nhất và minh bạch. Thủ tục thực hiện cần đơn giản hóa, thông thoáng.

Mong muốn nhà nước sớm hoàn thiện khung pháp lý về PPP để tránh phát sinh thủ tục hành chính và rủi ro cho nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình kiến nghị, đối tác công là nhà nước phải bố trí đủ nguồn vốn cho việc tham gia PPP, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch… Đặc biệt, cần có tiêu chí đánh giá nhà đầu tư rõ ràng nhằm tránh việc nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Để chuẩn bị, HFIC cũng đã mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn cho nhân lực các quỹ đầu tư phát triển địa phương, một số sở ngành ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Thời gian tới, theo ông Diệp Dũng, HFIC tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng “chìa khóa” PPP cũng như tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP và cả khu vực.

PHƯƠNG BẢO

Tin cùng chuyên mục