Dừng hội họp, dồn lực chống siêu bão Haiyan

Dừng hội họp, dồn lực chống siêu bão Haiyan

Chiều 8-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành miền Trung để chỉ đạo các giải pháp khẩn nhằm phòng chống bão Haiyan.

        Sơ tán dân trước 19 giờ ngày 9-11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, theo dự báo của cơ quan khí tượng nước ta và cả các đài khí tượng quốc tế thì bão Haiyan là siêu bão, một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam từ trước tới nay. Bão di chuyển với tốc độ rất nhanh và diễn biến phức tạp. Thủ tướng chỉ đạo: “Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị phải tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng và tài sản”.

Ngư dân phường Thọ Quang (Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão chiều ngày 8 - 11. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngư dân phường Thọ Quang (Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão chiều ngày 8 - 11. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết: chiều 8-11, bão Haiyan đã đạt tới cấp 16 và giật cấp 17. Từ chiều hoặc đêm 9-11, khi bão gần bờ, trung tâm sẽ tăng thời lượng dự báo lên khoảng 1 giờ có một bản tin để cảnh báo cho nhân dân, các cơ quan để phòng tránh, đối phó kịp thời và chính xác hơn về vị trí cũng như đường đi của bão. “Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta. Chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm đối phó với một trận bão có sức hủy diệt lớn như bão Haiyan. Chúng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này có lẽ cần phải xem xét có thể công bố tình trạng khẩn cấp đối với những vùng bão có thể đổ bộ vào” - ông Bùi Minh Tăng đề xuất.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương Cao Đức Phát kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sơ tán dân. Khu vực sơ tán dân từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, có thể một phần phía Bắc tỉnh Bình Định. Tất cả khu dân cư ở ven biển phải sơ tán triệt để. Theo dự báo, thời gian bão đổ bộ sớm là 4 giờ sáng ngày 10-11. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Trước 19 giờ ngày 9-11, tất cả phụ nữ, người già, trẻ em phải sơ tán trước, sau đó đến thanh niên, đàn ông. Nếu ở lại thì không thể cứu được”.

Cũng theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, bão Haiyan di chuyển với vận tốc 30km/giờ, gấp 3 lần vận tốc của tàu thuyền. Bộ đội biên phòng tuyến biển đã thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện với 385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Còn tình hình hồ chứa, Tổng cục Thủy lợi cho hay, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp. Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Đến 7 giờ sáng 8-11, có 17 hồ thủy điện trong khu vực đang xả tràn để rút bớt nước.

Người dân Đà Nẵng xúc cát về chèn mái nhà chống bão.

Người dân Đà Nẵng xúc cát về chèn mái nhà chống bão.

        Lập ban chỉ huy tiền phương ứng phó với bão

Để chủ động và phản ứng nhanh với bão, Bộ NN-PTNT đã cử các đoàn công tác, chuyên gia để giúp địa phương trong công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa và neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn. Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm tới Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân, tàu thuyền của Việt Nam vào tránh trú bão và hỗ trợ trong trường hợp bị nạn, gặp sự cố.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trực tiếp vào các tỉnh dự kiến bão đổ bộ, lập ban chỉ huy tiền phương để ứng phó với bão. Thủ tướng nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh ủy chịu trách nhiệm trước Trung ương trong việc bảo vệ người dân. Tập trung nỗ lực ở mức cao nhất, giải pháp nào tốt nhất phải cố gắng thực hiện”.

Về việc ngừng giao thông ở hai đầu tuyến bão, đặc biệt trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện. Trước mắt, dừng các hoạt động khác, hội họp để tập trung đối phó với bão Haiyan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phải tập trung chỉ huy, sơ tán dân, hoàn tất trước 19 giờ ngày 9-11.

Người dân ven biển Đà Nẵng chèn chống nhà cửa, đối phó với bão Haiyan. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Người dân ven biển Đà Nẵng chèn chống nhà cửa, đối phó với bão Haiyan. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

        TPHCM chủ động các phương án ứng phó

Chiều 8-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo các địa phương, sở - ngành thuộc TPHCM trực 24/24, nắm chắc diễn biến, chủ động các phương án ứng phó với siêu bão Haiyan. Đặc biệt là huyện Cần Giờ, chuẩn bị sẵn việc di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền cũng như các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố, an toàn ngay khi có lệnh của UBND TP. Tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân; tổ chức chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư tránh bão.

Trước đó, để chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do siêu bão Haiyan gây ra, UBND TPHCM có công điện hỏa tốc yêu cầu, các nơi hoãn những cuộc họp chưa cần thiết, tập trung phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị. Tùy theo diễn biến của siêu bão Haiyan, giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi. Hoàn lưu của siêu bão Haiyan sẽ gây mưa lớn trên thượng nguồn, đề phòng khả năng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xả lũ khẩn cấp. Khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp như quận Thủ Đức, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn rà soát tại các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa, bão và mực nước triều dâng cao đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão. Khu vực có nguy cơ sạt lở cao (huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2…) tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn.

Trên 40.000 tàu thuyền vào bờ trú bão

Chiều 8-11, Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết: Đến nay, đã có trên 40.000 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh, thành miền Trung đã vào bờ trú bão. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 71 tàu với 576 lao động đang ở khu vực Bắc biển Đông. Đối với 7 tàu cá của ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng bị nạn trên biển trong 2 ngày qua đến nay đã được ứng cứu kịp thời, lai dắt vào bờ an toàn.

Theo kế hoạch của các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sẽ có khoảng 150.000 hộ dân với gần 700.000 nhân khẩu sẽ được sơ tán khi bão đổ bộ. Đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên đã có gần 150 nhà dân bị sập, tốc mái, hư hại, 2 người chết (ở Thừa Thiên - Huế và Bình Định), 3 người mất tích (Quảng Ngãi: 2; Quảng Trị: 1).

Tính đến 5 giờ ngày 8-11, miền Trung và Tây Nguyên có 15 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500m³/s đến 4.400m³/s.

NHÓM PV 

- Bão Haiyan được đặt tên theo tiếng Trung Quốc, có nghĩa là Hải Âu hoặc Hải Yến, là cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và có vị trí hình thành ban đầu ở vào khoảng 5 - 6 độ vĩ Bắc và ở tận giữa Thái Bình Dương (147 - 148 độ kinh Đông).

- Phạm vi bán kính ảnh hưởng của bão rộng tới 400 - 500km.

- Dự báo vùng tâm bão tiếp cận khu vực đất liền sớm nhất ở khu vực Quảng Ngãi - Thừa Thiên - Huế.

- Các tỉnh có gió mạnh từ cấp 12 - 15: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và các đảo ven bờ như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư.

- Các tỉnh có gió mạnh từ cấp 8 - 12: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

- Từ chiều 9-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh - Khánh Hòa sẽ có mưa to đến rất to, sau đó vùng mưa to sẽ lan dần ra phía Bắc. Lượng mưa cả đợt ước tính từ 300 - 500mm, có nơi trên 600mm.

- Khu vực ven biển và những đảo thuộc các tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4 - 6m. Sóng biển 5 - 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.

- Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử từng vào biển Đông và có khả năng trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử đổ bộ vào đất liền nước ta.

- Bão được xếp ở cấp bão số 5 (theo thang của Mỹ): tàn phá một cách thảm khốc.

- Đối với người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ rất cao bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Có thể phá hủy gần như hoàn toàn tất cả các nhà cấp 4, bất kể đã xây dựng bao nhiêu năm hoặc kết cấu tốt thế nào.

- Một tỷ lệ cao của các nhà khung sắt hoặc khung bê tông sẽ bị phá hủy, với toàn bộ mái và tường sụp đổ. Phá hủy ghê gớm hơn nữa cho mái nhà, cửa sổ và cửa ra vào. Số lượng lớn các mảnh vỡ do gió bay trong không khí cũng rất nguy hiểm.

- Các mảnh vỡ do gió cuốn sẽ xảy ra cho hầu hết các cửa sổ không được bảo vệ cũng như nhiều cửa sổ được bảo vệ yếu. Thiệt hại đáng kể cho mái nhà của các tòa nhà lớn do mất che chắn. Sụp đổ hoàn toàn của nhiều tòa nhà khung kim loại lớn hơn có thể xảy ra. Bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sụp, dẫn đến sự sụp đổ của tòa nhà.

- Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích bị phá hủy. Gần như tất cả các cây sẽ gãy hoặc bật gốc và cột điện bị đổ. Cây đổ và cột điện sẽ cô lập các khu dân cư. Mất điện sẽ kéo dài hàng tuần, liên lạc đình trệ, giao thông bị chia cắt và gián đoạn có thể cả tháng. Tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm tăng khốn khó cho người dân. Phần lớn diện tích nhà sẽ không thể ở được trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

(Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương)


Siêu bão mạnh nhất trong vòng 10 năm

- Bão Haiyan mạnh cấp 17 đang tiến vào biển Đông

- TPHCM chủ động phòng chống bão

- Siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines

Tin cùng chuyên mục