Tạo thói quen tiêu dùng xanh: Cần sức bền

Thời điểm kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp thường tập trung vào những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế tức thời. Trong khi đó, để có được hiệu quả kinh tế bằng việc đầu tư vào những hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh nói riêng lại cần sức bền. Vậy làm thế nào để tạo tiếng nói chung giữa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng?
Tạo thói quen tiêu dùng xanh: Cần sức bền

Thời điểm kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp thường tập trung vào những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế tức thời. Trong khi đó, để có được hiệu quả kinh tế bằng việc đầu tư vào những hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh nói riêng lại cần sức bền. Vậy làm thế nào để tạo tiếng nói chung giữa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng?

Chọn lợi ích doanh nghiệp hay cộng đồng

Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh đã được tổ chức từ năm 2010. Đến năm 2012, chiến dịch này đã trải qua 3 năm hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch, mục đích của việc phát động chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh nhằm làm tạo thói quen tiêu dùng bền vững trong xã hội, tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, thông qua thói quen tiêu dùng đó, khuyến khích, từng bước buộc doanh nghiệp tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường. Đáng tiếc là cho đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn chưa nhiều. Điều này cũng đang khiến cho hoạt động tuyên truyền gặp nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, qua thực tế tổ chức các chương trình môi trường tại hệ thống cho thấy, vẫn còn rất ít doanh nghiệp tham gia dù họ có thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường hay không. Điều này xuất phát từ quan điểm của doanh nghiệp, khi tham gia vào bất kỳ chương trình nào đều đòi hỏi phải có hiệu quả tức thời, tức là doanh thu các sản phẩm của họ phải tăng ngay.

Trong khi đó, để có gặt hái hiệu quả về mặt kinh tế từ việc đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng ủng hộ tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp xanh lại rất cần sức bền. Sức bền này không không chỉ thể hiện ở chỗ các cơ quan chức năng phải đảm bảo duy trì hoạt động tuyên truyền được thường xuyên, thông tin tuyên truyền phải cụ thể hơn, sát thực hơn đến với cộng đồng, giúp cộng đồng nhận diện rõ đâu là sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư phát triển thương hiệu gắn với hoạt động bảo vệ môi trường dài hơi hơn.

Chiến dịch tiêu dùng xanh ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người

Chiến dịch tiêu dùng xanh ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người

Đại diện thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, hiện đang có sự đánh đồng giữa doanh nghiệp xanh và doanh nghiệp đen trên thị trường. Sự đánh đồng này xuất phát từ việc thông tin về doanh nghiệp xanh cũng như doanh nghiệp đen chưa được rõ ràng. Điều này đã và đang tạo nên không ít thiệt thòi cho các doanh nghiệp xanh do bị cạnh tranh không công bằng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, đường Lý Thường Kiệt, quận 11 cho biết, người dân sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp phải có sự đầu tư cho hoạt động thông tin, truyền thông. Trong đó, nhấn mạnh tác dụng của thói quen tiêu dùng xanh đến chính sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Có như vậy mới tạo hiệu quả như mong muốn.

Cần sự đồng thuận từ 4 nhà

Trước thực tế đó, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, với việc tăng cường công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm môi trường nghiêm trọng, đơn vị sẽ phối hợp với các phương tiện truyền thông để công khai thông tin những đơn vị vi phạm môi trường.

Theo Ban chỉ đạo giải thưởng Doanh nghiệp xanh (do UBND TP phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì), trong thời gian tới sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung phổ biến chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào đạt những tiêu chí như đầu tư hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo chất thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn quy định; có đầu tư cho công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và đặc biệt là không bị cộng đồng dân cư khiếu kiện vì gây ô nhiễm… sẽ được chứng nhận doanh nghiệp xanh.

Đây cũng là cơ sở để thực hiện tuyên truyền, phổ biến doanh nghiệp xanh được rõ hơn, cụ thể hơn đến cộng đồng, tạo điều kiện khuyến khích cộng đồng nhận diện và ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Thành Nhân cũng nhấn mạnh thêm, với những nhà cung cấp là các doanh nghiệp xanh, Saigon Co.op cũng sẽ ưu tiên trong việc trưng bày, quảng bá… không chỉ trong tháng Tiêu dùng xanh mà sự hỗ trợ còn được duy trì trong suốt những thời gian còn lại trong năm. Từ việc thu mua, trưng bày đến hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xây dựng các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tới các sản phẩm xanh sẽ được đặc biệt ưu tiên…

Mặt khác, Co.opmart kiên quyết tẩy chay các sản phẩm của các doanh nghiệp có những hoạt động gây tác động xấu đến môi trường.

Có thể nói, để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường nói chung, cần có sự phối hợp và đồng thuận giữa 4 nhà là người dân, nhà phân phối, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm xanh nói riêng và cải thiện môi trường sống nói chung.

Theo TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Việt Nam nói chung và TPHCM đang phải trả giá cho sự phát triển kinh tế nhưng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có thói quen sản xuất và tiêu dùng chưa bền vững. Do đó, để hạn chế những nguy cơ do ô nhiễm môi trường quá mức do sản xuất và tiêu dùng chưa bền vững gây ra cũng như xây dựng thói quen tiêu dùng có lợi cho môi trường nhất thiết phải tạo sự hài hòa giữa sản xuất, tiêu dùng với bảo vệ môi trường. Chương trình môi trường như Giờ Trái đất, Chiến dịch tiêu dùng xanh, Ngày hội tái chế chất thải, Tháng hành động không sử dụng túi ni lông… bước đầu đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Tuy nhiên để những hoạt động trên có thể nhân rộng và đi sâu vào trong xã hội ngoài sự cần thiết phải có sự hợp tác của 4 nhà trên, rất cần có các chính sách và thể chế hỗ trợ phù hợp. Quan trọng hơn, chính sách và thể chế đó phải dựa trên nguyên tắc là bảo vệ môi trường phải dựa vào cộng đồng.

Thống kê, doanh thu của các doanh nghiệp tham gia chiến dịch Tháng Tiêu dùng xanh tăng 40% so với ngày thường. Mức tăng trưởng này thực sự rất đáng khích lệ so với mức tăng trưởng bình quân chung chung 25% của toàn hệ thống. Kết quả này có được trước hết là nhờ nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền của các phương tiện truyền thông và đặc biệt là lực lượng tình nguyện viên hùng hậu lên đến gần 9.000 người. Sự tuyên truyền của đội ngũ tình nguyện viên này đã thực sự có tác động đến ý thức của người dân trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm xanh trong cuộc sống hàng ngày.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục