Thay đổi tư duy quản lý đô thị

Phát triển “nóng” dẫn đến thiếu bền vững, thiếu bản sắc… Đó là những bất cập của đô thị hiện nay mà các nhà quản lý và người dân đều đã nhìn thấy. Không chỉ vậy, một bộ phận dân cư đã và đang phải nhận lãnh những hậu quả xấu từ quá trình này. Với trách nhiệm và kinh nghiệm trong bộ máy quản lý nhà nước (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP về vấn đề quản lý đô thị hiện nay.
Thay đổi tư duy quản lý đô thị

Phát triển “nóng” dẫn đến thiếu bền vững, thiếu bản sắc… Đó là những bất cập của đô thị hiện nay mà các nhà quản lý và người dân đều đã nhìn thấy. Không chỉ vậy, một bộ phận dân cư đã và đang phải nhận lãnh những hậu quả xấu từ quá trình này. Với trách nhiệm và kinh nghiệm trong bộ máy quản lý nhà nước (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP về vấn đề quản lý đô thị hiện nay.

Tư duy quy hoạch của... thế kỷ trước

- Phóng viên: Trên rất nhiều diễn đàn, người ta đã chỉ ra căn nguyên của những bất cập đô thị hiện nay. Đó là việc phát triển quá ồ ạt, không theo quy hoạch, chất lượng quy hoạch đô thị còn thiếu và yếu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế… Là người tâm huyết với vấn đề quản lý đô thị đã nhiều năm, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Thay đổi tư duy quản lý đô thị ảnh 1

- TS PHẠM SỸ LIÊM: Thật ra, vấn đề đô thị đã bức xúc từ hơn 10 năm trước, vào khoảng từ năm 2000 đến 2005 trở lại đây lại càng bức xúc. Nguyên nhân chính, theo quan điểm của tôi, đó là do tư duy xây dựng và quản lý đô thị của chúng ta chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thực tế và không bắt nhịp được với tư duy quản lý hiện đại trên thế giới. Đơn cử, muốn phát triển đô thị trước hết phải là vấn đề quản lý đất đai.

Luật Đất đai năm 1993 có xếp đất đô thị vào 1 trong 6 loại đất, nhưng đến Luật Đất đai 2003 lại bỏ loại đất đô thị, chỉ còn đất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Cách phân loại như thế đã không đánh giá được đúng vai trò của đô thị trong yêu cầu phát triển chung của đất nước. Hậu quả, bây giờ không ai thống kê được diện tích đất đô thị là bao nhiêu, hiện chỉ có thống kê đất công sở, đất nhà ở, đất quốc phòng an ninh…

Không nắm được quỹ đất đô thị thì làm sao chúng ta quy hoạch chính xác cho sự phát triển của đô thị, chưa nói đến việc lãng phí nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng này, bởi chúng ta không thể đánh thuế đất đô thị. Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch của chúng ta vẫn là tư duy của thế kỷ trước, sử dụng đất đai một cách riêng rẽ từng chức năng, khu nhà ở, khu công sở, khu nhà máy, khu thể thao, thương mại…

Chúng ta đã nhìn thấy những khu đô thị mới ở Hà Nội đều phát triển nhà ở là chính với những khối nhà riêng rẽ, không hình thành phố phường, không dịch vụ, không trường học, không bệnh viện… Trong khi đó, tư duy hiện đại lại khuyến khích sử dụng đất đai chức năng hỗn hợp cả nhà ở, thương mại, công sở, học hành…

Người dân có thể đi mua sắm, đi học, đi chơi rất gần. Việc sử dụng đô thị đa chức năng sẽ giảm bớt phụ thuộc vào ô tô, giảm cự ly, giảm thời gian đi lại, lúc đó chúng ta sẽ có đủ thời gian, sức lực tập trung phát triển mạnh giao thông công cộng. Theo tôi, tư duy phát triển đô thị sử dụng đất đai hỗn hợp là rất quan trọng. 

Đô thị Đà Nẵng về đêm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đô thị Đà Nẵng về đêm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

- Nhưng nếu chỉ như vậy thì dường như chúng ta lại chưa đề cập đầy đủ vai trò quản lý đô thị của chính quyền địa phương?

- Sự phát triển quá nhanh của đô thị trong khi thể chế, chính sách của chúng ta lại đang giậm chân tại chỗ thì những bất cập tất yếu sẽ xảy ra. Chúng ta đều hiểu đô thị khác nông thôn nhưng trong thể chế chính quyền nước ta hiện hành thì thể chế hành chính theo dạng chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã là chính, còn các đô thị được quy về cấp tương đương.

Ví dụ, thành phố trực thuộc trung ương thì quy về đơn vị hành chính cấp tỉnh, thị xã quy về tương đương cấp huyện, thị trấn quy về tương đương cấp xã… Các quy định cũng đều quy định cho tỉnh, huyện, xã, chỉ có một vài chỗ bổ sung đôi chút cho chính quyền đô thị. Trong khi đó, các đô thị mới thật sự là cỗ máy tăng trưởng, chiếm đến 70% GDP của đất nước.

Một góc khu vực trung tâm TPHCM (quận 1) với kiến trúc mới cũ đan xen lẫn nhau. Ảnh: CAO THĂNG
Một góc khu vực trung tâm TPHCM (quận 1) với kiến trúc mới cũ đan xen lẫn nhau. Ảnh: CAO THĂNG

- Chính vì thế mới đây, TPHCM đã đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị và được Bộ Chính trị đồng ý cho xây dựng mô hình này. Ông có nghĩ rằng chính quyền đô thị sẽ là “cây đũa thần” làm thay đổi về chất đô thị của chúng ta hiện nay?

- Đô thị khác nông thôn ở nhiều điểm căn bản. Dễ nhận thấy nhất là rất đông khách vãng lai, mà khách vãng lai thì không cần phân biệt địa giới hành chính. Bên cạnh đó, từ hệ thống hạ tầng của đô thị như đường sá, cống rãnh, điện nước… cho đến các hoạt động sinh hoạt, học tập, giải trí của người dân cũng đều không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Do đó quản lý đô thị phải là cấp chính quyền đô thị với những quyền hạn tập trung, thống nhất.

TPHCM đề nghị thực hiện chính quyền đô thị là theo tư duy như vậy. Nếu thực hiện thành công, hiệu lực chính quyền sẽ mạnh lên, đồng thời tiết kiệm chi phí bộ máy hành chính rất nhiều.

Quản lý đô thị có nhiều mô hình khác nhau, mô hình hiện tại của chúng ta là dân bầu ra HĐND, HĐND bầu ra chủ tịnh UBND, coi như thị trưởng nhưng là mô hình thị trưởng yếu, người đứng đầu ít quyền hành. Mô hình thứ 2, nhân dân đồng thời bầu riêng rẽ HĐND và thị trưởng, gọi là mô hình thị trưởng mạnh. Mô hình thứ 3, là nhân dân bầu ra Hội đồng thị chính còn thị trưởng do Chính phủ cử về, gọi là mô hình thị trưởng cực mạnh. Tôi nghĩ, hiện chính quyền Hà Nội, TPHCM cũng đã khá mạnh rồi, nếu thành lập chính quyền đô thị với quyền hạn được phân cấp thêm nữa thì sẽ có tác động rất mạnh đến quản lý đô thị.

Trị “bệnh” đô thị, muộn còn hơn không

- Nhưng nhiều người lo ngại rằng khi phân cấp mạnh cho chính quyền đô thị sẽ nảy sinh ra những vấn đề có thể gây bức xúc dư luận, ví dụ có chính quyền đô thị muốn sử dụng giải pháp hạn chế người nhập cư, muốn áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính tăng mạnh để thiết lập trật tự xã hội… Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Về vấn đề hạn chế người nhập cư tôi cho đó là tư duy cục bộ, hẹp hòi. Phải hiểu rằng theo quy luật thị trường, lao động sẽ tập trung vào những đô thị phát triển, có nhiều công ăn việc làm. Đô thị đó muốn phát triển cũng rất cần đến lực lượng lao động ngoại tỉnh này. Ngăn sông cấm chợ chính là mình tự bóp cổ mình. Chúng ta phải nhìn vào thực chất vấn đề ở đây là, ý định hạn chế nhập cư xuất phát từ năng lực của các ngành chức năng trong đô thị còn quá yếu kém, điện nước thiếu, hạ tầng giáo dục yếu, hạ tầng giao thông kém… Nhưng nếu vì vậy mà không hoan nghênh dân nhập cư thì coi như không nhìn vào lợi ích tổng thể của cả đô thị.

- Vậy thử hình dung nếu chúng ta không thay đổi tư duy trong quản lý đô thị thì đô thị Việt Nam sẽ ra sao trong 10, 20 năm tới?

- Chắc chắn sẽ ngày càng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, hai “bệnh” đô thị quan trọng nhất. Lẽ ra, cách đây 10 năm chúng ta đã phải cử người đi học quản lý đô thị, quy hoạch đô thị ở các nước tiên tiến. Đến thời điểm này là muộn, nhưng muộn còn hơn không, chúng ta đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao về quản lý đô thị hiện đại.

- Xin cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN thực hiện

Tin cùng chuyên mục