Xây dựng khu phố đi bộ - Khuyến khích người dân tham gia

Xây dựng khu phố đi bộ - Khuyến khích người dân tham gia

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng khu phố đi bộ là kinh phí để thực hiện. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Có nên để Nhà nước và nhân dân cùng làm” không? Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng phụ trách nghiên cứu văn hóa xã hội của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã có cuộc trao đổi thú vị với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

Nên để người dân trực tiếp đóng góp công sức

- PV: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là giải pháp được nhắc đến trong rất nhiều chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố. Ở không ít địa phương, người dân đã mệt mỏi với những khoản đóng góp. Vậy, làm thế nào để có thể thực hiện giải pháp này với tinh thần tự nguyện của người dân?

Vỉa hè thông thoáng tại trung tâm TPHCM rất thuận lợi cho việc đi bộ. Ảnh: KIM NGÂN

Vỉa hè thông thoáng tại trung tâm TPHCM rất thuận lợi cho việc đi bộ. Ảnh: KIM NGÂN

- Bà NGUYỄN THỊ HẬU: Theo tôi, quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không chỉ là hướng tới việc vận động người dân đóng góp tài chính mà còn là kêu gọi cộng đồng đóng góp sức lực và cả những ý tưởng để cùng với Nhà nước trong việc hình thành nên một khu phố đi bộ như mong muốn. Tuy nhiên, trong việc này Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch, xây dựng chương trình, thiết kế kỹ thuật… kể cả về kinh phí thực hiện. Người dân chỉ tham gia một phần công việc với kinh phí phù hợp.

Chỉnh trang đô thị nói chung trong đó có việc xây dựng một khu phố đi bộ - một không gian sinh hoạt công cộng cho nhiều thành phần dân cư là công việc đòi hỏi có tính kỹ thuật và mỹ thuật, vì vậy không nên để người dân tự phát làm. Tôi đã chứng kiến một số đô thị ở miền Tây Nam bộ khi yêu cầu người dân chủ động gắn một ống sắt nhỏ trước cửa nhà để làm nơi cắm cờ cho đẹp và trang trọng, thì lại “quên” hướng dẫn người dân cách làm. Vì vậy nhiều người đã “vô tư” để cho ống sắt chồi lên trên vỉa hè tới gần 1 tấc, rất nguy hiểm cho người đi trên vỉa hè.

Nếu chỉ kêu gọi người dân đóng góp tiền cho Nhà nước thực hiện thì sẽ không khuyến khích ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn các công trình Nhà nước làm, vì việc đóng tiền tạo ra tâm lý “nộp thuế” cho xong. Nếu để người dân tham gia vào một phần việc nhất định mà họ được lựa chọn theo sở thích thì “khi người ta trực tiếp đồ mồ hôi, công sức để làm một việc gì đó, người ta sẽ trân trọng và giữ gìn thành quả lao động của mình nhiều hơn”.

Tôi tin rằng, nếu Nhà nước thiết kế các mảng xanh trên vỉa hè và kêu gọi người dân cư ngụ ở đấy tham gia trồng cây (theo thiết kế) thì chắc chắn cây sẽ được người dân quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Từ đó ý thức bảo vệ mảng xanh trồng trước nhà, ý thức bảo vệ, trân trọng những giá trị khác trong đô thị của người dân cũng sẽ được tăng lên. Đó là chưa kể đến tình huống nếu cứ kêu gọi người dân đóng tiền sẽ xuất hiện những băn khoăn trong việc sử dụng nguồn tiền này.

- Sự tham gia lẻ tẻ của từng người dân sẽ khó cho ra một không gian hài hòa-một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc tổ chức không gian ở khu phố đi bộ?

- Để hạn chế tình trạng người dân tham gia lẻ tẻ, khó quản lý, Nhà nước cần có sự bàn bạc với chính quyền địa phương, cụ thể là đến từng tổ dân phố trước khi đưa ra phương án chỉnh trang đô thị. Phần việc nào phù hợp với khả năng của người dân thì để người dân làm. Tuy nhiên, việc làm này nên cùng được triển khai trong phạm vi từng khu phố với sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng.

Tôi đã từng thấy, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới vào mỗi dịp lễ hội chính quyền địa phương bao giờ cũng khuyến khích người dân tham gia trang trí phần không gian công cộng trước cửa nhà mình. Nhà nước chỉ đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cơ bản nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cháy nổ… phần còn lại để người dân sáng tạo. Nhiều nơi còn tổ chức cuộc thi cho các hoạt động này. Những việc làm thường xuyên như vậy đã làm cho người dân rất vui và thêm gắn bó, yêu thương thành phố của mình.

Tôi đã từng rất ấn tượng với những khung cảnh như vậy và tôi chắc nhiều du khách khác cũng cùng cảm nghĩ với tôi. Nếu TPHCM tổ chức được một khu phố đi bộ với những sinh hoạt cộng đồng như thế, tôi tin rằng nó sẽ là điểm du lịch vô cùng hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, là điểm nhấn quan trọng trong các tuyến điểm du lịch của thành phố.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia

- Cùng với người dân, không ít doanh nghiệp cũng rất muốn tham gia chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên cũng có sở ngành chức năng lo ngại rằng đây là trò quảng cáo trá hình và thường yêu cầu các doanh nghiệp này xây dựng một đề án “xin được đóng góp” khá phiền toái. Bà nghĩ sao về thực tế ấy?

- Tôi không hiểu tại sao lại có sự lo ngại này. Sự tham gia của doanh nghiệp là điều rất tốt bởi họ có tiềm lực kinh tế dồi dào. Nếu có điều gì chưa yên tâm, Nhà nước có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể và đề nghị doanh nghiệp chấp hành. Theo tôi, việc này cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng ý thức vì cộng đồng của doanh nghiệp, vì những lợi ích của sự đóng góp này mang tới cho thành phố.

Tôi lấy ví dụ, khi làm con đường gốm sứ chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã có một số ý kiến cho rằng một vài doanh nghiệp tham gia tài trợ “treo logo quá lớn” trong bức tranh chỉ để quảng cáo cho mình, từ đó “phủ nhận” cả sự đóng góp của doanh nghiệp. Tôi nghĩ như vậy không hay. Nếu nhận thấy logo đó ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bức tranh gốm thì Ban tổ chức và doanh nghiệp cùng bàn bạc để sửa lại. Rõ ràng, nếu cứ có thành kiến với doanh nghiệp thì Hà Nội đã không thể có con đường gốm sứ - một công trình văn hóa “xã hội hóa” mà thủ đô Hà Nội có thể tự hào vì được ghi vào kỷ lục Guinness.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục