Bão số 2 đổ bộ vào miền Bắc

Thanh Hóa, Nam Định: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 2
Bão số 2 đổ bộ vào miền Bắc

* Thanh Hóa, Nam Định: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 2
* 15 người bị thiệt mạng và mất tích
* Hủy 6 chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 2

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều và tối qua (24-6), bão số 2 đã đổ bộ vào tỉnh Thái Bình. Trước đó, bão gây mưa to trên diện rộng cho toàn miền Bắc. Cơn bão đầu tiên đổ vào đất liền đã làm 15 người bị thiệt mạng và mất tích, hàng trăm người bị thương.

Ngôi nhà của anh Vũ Văn Thành, xóm Sim, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng bị đổ sập sau trận lốc xoáy.

Ngôi nhà của anh Vũ Văn Thành, xóm Sim, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng bị đổ sập sau trận lốc xoáy.

  • Nhiều nơi sạt lở, ngập lụt

Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Trái với dự báo của vài ngày trước là bão số 2 sẽ đi vào khu vực biên giới Việt - Trung, chiều và tối qua (24-6), tâm bão đã bất ngờ đổ bộ vào tỉnh Thái Bình gây mưa lớn cho toàn miền Bắc.

Trước đó, bão đã không hề suy yếu khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), rồi thẳng tiến vào vịnh Bắc bộ lướt dọc theo bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng xuôi xuống Nam Định, Thái Bình. Từ sáng 24-6, bão số 2 đã gây gió giật cấp 9 ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh).

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khi đổ bộ, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có cường độ cấp 6-7, đi vào khu vực các tỉnh ở Nam đồng bằng Bắc bộ.

Cũng theo ông Hải, sau khi suy yếu, áp thấp nhiệt đới còn gây mưa to cho toàn khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong 2-3 ngày tới, lượng mưa khoảng 50mm.

Do ảnh hưởng của bão số 2 tràn nhanh vào bờ nên hôm qua (24-6), ở Bắc bộ đã có mưa rất to trên diện rộng. Hai khu vực mưa lớn nhất là Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Tính đến chiều qua, lượng mưa đo được ở các tỉnh thuộc miền Bắc đều ở mức 50 - 80mm. Nhiều nơi có lượng mưa cao hơn nhiều như: Phủ Liễn (Hải Phòng): 133mm, Cúc Phương (Ninh Bình): 134mm, Yên Định (Thanh Hóa): 142mm, Bái Thượng (Thanh Hóa): 158mm… Thậm chí ở trung tâm thủ đô Hà Nội từ sáng 24-6 đã có mưa đạt 120mm.

Do mưa xảy ra đúng giờ cao điểm nên nhiều tuyến đường ở Hà Nội bị ngập cục bộ, ùn tắc giao thông kéo dài. Để chủ động tiêu thoát nước, Công ty Thoát nước Hà Nội đã rút bớt nước ở các hồ chứa nội thành, đồng thời mở các cửa đập để nước nhanh thoát ra sông Nhuệ, sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ở khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn chưa bị ngập. Riêng các hồ chứa nước như Quan Sơn (Mỹ Đức), Văn Sơn (Chương Mỹ), Suối Hai (Ba Vì) do mưa to nên hiện đã xấp xỉ ngưỡng tràn...

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lớn, đặc biệt là khi có lũ thượng nguồn tràn về, nước các sông đều dâng cao, các hồ xả nước, Ban chỉ huy PCLB Hà Nội đã chuẩn bị các phương án sơ tán dân, bảo vệ tài sản ở những vùng ven sông, vùng trũng, có nhiều khả năng xảy ra úng ngập hoặc sạt lở đất.

Hiện tại, Hà Nội đã huy động gần 2.000 máy bơm ở 137 trạm bơm để chờ lệnh tiêu úng nước, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và hỗ trợ việc tiêu nước cho khu vực nội thành khi xảy ra mưa lớn.

Tại Hải Phòng, do mưa lớn nên tuyến đê biển chạy dọc huyện đảo Cát Hải hiện nay đang bị sạt lở nhiều đoạn về phía biển, trong đó sạt lở nặng là đoạn từ bến Gót đến xã Gia Lộc, dài khoảng 2,7km. Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), mưa lớn đang gây nguy cơ sạt lở tại khu chung cư của Công ty Cấp thoát nước Quảng Ninh. Hôm qua, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương đổ 5 xe đất và phủ kín bạt để tránh sạt lở vào các hộ dân xung quanh.

  • Khắc phục thiệt hại

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, tính đến chiều qua, bão số 2 gây mưa to kèm lốc xoáy ở nhiều địa phương miền Trung, miền Bắc đã làm 15 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương.

Trong đó, chịu thiệt hại nặng nề hơn cả vẫn là TP Hải Phòng. Tính đến chiều tối 24-6, Hải Phòng đã có 7 người ở các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão bị thiệt mạng, trong đó có 5 người bị sét đánh, 2 người chết do vòi rồng.

Mưa và lốc tàn phá nhiều nhà dân tại TP Hải Phòng.

Mưa và lốc tàn phá nhiều nhà dân tại TP Hải Phòng.

Ở huyện Thủy Nguyên còn có hơn 200 người bị thương (trong đó 89 người bị thương rất nặng), 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1.021 ngôi nhà khác bị tốc mái, 12 phòng học bị tốc mái, 15 cột điện bị đổ và nhiều tài sản khác của bà con bị hư hại.

Mặc dù trời vẫn mưa lớn, nhưng UBND huyện Thủy Nguyên đã huy động 1.000 cán bộ, đoàn viên thanh niên giúp bà con khẩn trương dựng lại nhà cửa, khắc phục thiệt hại để người dân sớm ổn định nơi ăn chỗ ở. UBND TP Hải Phòng đã hỗ trợ mỗi nạn nhân bị thiệt mạng 10 triệu đồng, mỗi người bị thương nặng 3 triệu đồng, bị thương nhẹ 1 triệu đồng.

Tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất ven đường, vùi chết 1 công nhân khai thác quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản An Thông, khi đang trên đường trở về tránh mưa. Như vậy, cho tới nay ở các tỉnh gồm Yên Bái, Hải Phòng, Hà Giang đều có người dân bị thiệt mạng do mưa lớn, ảnh hưởng của bão số 2.

Chiến sĩ Trung đoàn 50, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng giúp người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy. Ảnh: T.T.X.

Chiến sĩ Trung đoàn 50, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng giúp người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy. Ảnh: T.T.X.

Để chủ động giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, hôm qua các địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định… đã chỉ đạo bà con khẩn trương thu hoạch lúa, đưa tàu thuyền về lánh bão. Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết đã thu hoạch xong 22.000ha lúa xuân (khoảng 60% tổng diện tích). Khoảng 4.000 tàu đánh cá đã về neo đậu tại đảo Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vỹ…

Tại tỉnh Quảng Ninh, toàn bộ tàu chở khách du lịch đã được lệnh về neo đậu tại cảng, chờ tan bão mới ra khơi. Các tàu đánh cá cũng về lánh bão tại đảo Vân Đồn, khu neo đậu phường Hùng Tráng. Trên sông Ka Long (Móng Cái), hàng ngàn thuyền chở hàng hóa buôn bán qua biên giới cũng đã được lệnh tạm dừng hoạt động.

Còn theo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thái Bình, hiện hơn 1.400 tàu thuyền với 3.850 ngư dân của địa phương đã về neo đậu trú bão an toàn, khoảng 16 tàu với 124 lao động đang tránh bão ở vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Ninh.

  • Miền Trung: Sóng lớn đánh chìm 6 tàu cá

Đến 18 giờ chiều 24-6, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với các ngành liên quan và 6 tàu của ngư dân xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc tổ chức tìm kiếm ông Nguyễn Văn Quế nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Vào khoảng 20 giờ ngày 23-6, trong khi đang vào bờ tránh bão thì tàu NA-0895 TS đã bị sóng đánh chìm tại khu vực biển cách đảo Ngư khoảng 0,5km. 3 ngư dân được cứu sống, riêng ông Quế (trú xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) bị sóng cuốn trôi.

Ngoài tàu NA-0895 TS, trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ 30 cùng ngày, dông lốc cũng đã làm 5 tàu khác gặp nạn. Trong đó, tàu NA-92037 TS do ông Nguyễn Do Thái (trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) làm thuyền trưởng, bị sóng đánh chìm khi cách đất liền khoảng 2km. 8 thuyền viên trên tàu đã được cứu sống.

Tàu NA-92036 TS do ông Thái Bá Đôn (trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) làm thuyền trưởng bị gặp nạn tại khu vực Hòn Nồm, rất may nơi xảy ra tai nạn cách đất liền không xa nên 2 người trên tàu đã bơi được vào bờ…

Theo tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, sáng 24-6, tàu TH 90712 công suất 400 CV của ông Hoàng Văn Hưởng, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) đang trên đường trở về bến tránh trú bão đã bị sóng đánh chìm cách bờ biển huyện Quảng Xương khoảng 11 hải lý về phía Đông. Trên tàu có 7 thuyền viên. Rất may toàn bộ số thuyền viên này đã được tàu bạn cũng đang trên đường về nơi trú ẩn cứu vớt.

Đến trưa 24-6, các thuyền viên này đã vào đất liền an toàn. Thiệt hại về vật chất ước tính trên 600 triệu đồng. 

NHÓM PV

Hủy 6 chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 2

Ngày 24-6, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) cho biết, tình hình khai thác của hãng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (tên quốc tế là Haima).

Theo đó, các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cát Bi (Hải Phòng) và Nội Bài (Hà Nội). Tính đến 17 giờ ngày 24-6, có 6 chuyến bay bị hủy gồm: VN1670 chặng Đà Nẵng – Hải Phòng, VN1671 chặng Hải Phòng – Đà Nẵng, VN1188 chặng TPHCM – Hải Phòng, VN1189 chặng Hải phòng – TPHCM, VN1713 chặng Hà Nội – Vinh và VNA1712 chặng Vinh – Hà Nội. Hành khách của các chuyến bay trên sẽ được VNA chuyển sang các chuyến bay bù của trong ngày 25-6-2011.

Hiện VNA đã chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24 giờ, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến bay bù trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng đối phó với diễn biến của cơn bão và sẽ cố gắng thông tin tới hành khách sớm nhất về tình hình khai thác của các chuyến bay. 

T.TUYẾT


Một cây sưa bị cưa trộm trong mưa bão

Ngày 24-6, một cây sưa đỏ rất lớn được trồng trước cửa số nhà 171A, phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội đã bị “sưa tặc” cưa trộm tới sát gốc cây. Tại hiện trường, phần thân cây thẳng với chiều dài 1,5m đã bị mang đi, những cành lá vụn bị bỏ lại. Cây sưa bị cưa còn phần thân khoảng 20cm so với mặt đất, đường kính khoảng 30cm và lõi đỏ hơn 10cm với hai vết cưa hai bên.

Theo nhiều người dân xung quanh cho biết, thời điểm cây sưa đỏ trên bị cưa trộm xảy ra vào khoảng rạng sáng 24-6, lúc đó Hà Nội đang có mưa to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 2.  

NG.QUỐC

Thanh Hóa, Nam Định: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 2

Đến 12 h ngày 25/6, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 4 người bị chết do sét đánh. Diện tích lúa bị đổ là 13.750 ha (chiếm 18% diện tích gieo cấy), trong đó diện tích lúa bị đổ nằm sát mặt ruộng là 2.870 ha (chiếm 4%).

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 4.577 ha lạc bị ngập úng, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Đê biển Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) đã bị sạt lở cục bộ trong bão với khối lượng khoảng 3.000 m3. Nam Trực là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 3 người chết do bị sét đánh, 54 ngôi nhà bị tốc mái, 2.000 ha lúa bị gãy đổ và 180 ha lạc bị ngập úng.

Hiện nay, người dân tại một số địa phương trong tỉnh Nam Định bị thiệt hại bởi cơn bão số 2 đang khẩn trương sửa chữa nhà cửa, thu hoạch số diện tích lúa và rau màu bị ngã đổ, ngập úng để sớm ổn định cuộc sống và chuẩn bị cho mùa vụ mới.

* Do ảnh hưởng của bão số 2, trong 2 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to làm cho 4.200 ha lúa vụ đông xuân chưa thu hoạch bị ngập chìm trong nước có nguy cơ bị mọc mầm ngay trên ruộng. Cơn bão số 2 cũng làm hư hỏng hoàn toàn 3.500 tấn lúa giống đã gieo thành mạ.
 
Diện tích lúa xuân chưa thu hoạch và mạ đã gieo chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển và một số huyện ở vùng thấp trũng như Nga Sơn, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống...

Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết: với lượng mưa trên 200 ly, có nơi gần 400 ly cộng với gió lớn khiến diện tích lúa vụ xuân chưa kịp thu hoạch bị đổ, gãy làm giảm năng suất và chất lượng lúa.

Để khắc phục tình trạng này, ở những vùng bị ngập nhẹ, ngành nông nghiệp vận động bà con nông dân khẩn trương ra đồng gặt lúa. Ở những vùng ngập sâu, không thể gặt được, ngành chỉ đạo bà con bó lúa để chống tình trạng đổ, gãy. Sau khi nước rút bà con khẩn trương ra đồng gặt lúa, nhằm hạn chế tình trạng lúa mọc mầm./.

Hữu Chiến, Duy Hưng (TTXVN

- Thông tin liên quan:

>> Bão số 2 suy yếu, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to và rất to

>> Chiều tối 23-6, Bắc Bộ sẽ có mưa to trên diện rộng

Tin cùng chuyên mục